Tổ chức Đoàn với vai trò định hướng việc làm cho đoàn viên thanh niên

10:04, 22/04/2010
.

(QNg) - Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Những năm gần đây các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp, đào tạo và giải quyết việc làm cho ĐVTN trong tỉnh, mang lại kết quả đáng khích lệ.

Hằng năm tỉnh ta có hàng ngàn người vào các tỉnh phía Nam để mưu sinh. Trong số đó có không ít là lực lượng lao động trẻ. Ở các địa phương cũng có không ít thanh niên (TN) chưa có việc làm, trong khi đó nhiều nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh vẫn thiếu nguồn lao động. Nguyên nhân chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo nghề, nên không đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở công nghiệp. Trước nghịch lý trên các cấp, ngành và địa phương đã có nhiều giải pháp như, đào tạo nghề, tạo điều kiện vay vốn làm ăn, xuất khẩu lao động đã giải quyết phần nào việc làm cho người dân.

Tuy nhiên đối với lực lượng ĐVTN thì nhiều người vẫn còn lúng túng trong chọn nghề, khó khăn về cơ hội việc làm phù hợp. Để giúp TN lập thân lập nghiệp,  thời gian qua các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, nhiều hoạt động giúp TN chọn nghề, lựa chọn việc làm; tạo điều kiện hỗ trợ TN vay vốn làm ăn, nâng cao thu nhập và làm giàu…  làm tiền đề vững chắc, để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn một cách bền vững và toàn diện.

Thực hiện Quyết định 103/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "phê duyệt Đề án hỗ trợ TN học nghề và đào tạo việc làm" giai đoạn 2008- 2015 và một số Quyết định, đề án của Thủ tướng Chính phủ và BTV TW Đoàn về định hướng việc làm cho TN, BTV Tỉnh đoàn đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án "Hỗ trợ TN học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015" (gọi tắt là Đề án 103). Tỉnh đoàn đã phối hợp với các trường trung cấp nghề, các doanh nghiệp trong tỉnh đào tạo và tạo việc làm cho TN.

 Tại các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm luôn thu hút rất đông thanh niên đến tham dự.
Tại các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm luôn thu hút rất đông thanh niên đến tham dự.
Chị Phạm Thị Ngọc Kim- Giám đốc Trung tâm dạy nghề TN tỉnh cho biết: Trong năm 2009 Trung tâm đã mở hàng chục lớp đào tạo nghề ngắn và trung hạn cho lao động nông thôn, lao động nghèo; ngoài ra còn liên kết với Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật Châu Á- Thái Bình Dương mở 4 lớp về Nghiệp vụ giám sát công trình xây dựng Luật Đấu thầu và quản lý dự án xây dựng với 120 kỹ sư xây dựng tham gia; phối hợp với các tổ chức Lao động Quốc tế ILO, Dự án Prised tập huấn các lớp "Khởi sự doanh nghiệp", "Ý tưởng kinh doanh" cho 240 TN tại TP Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh và Nghĩa Hành tham gia. Bên cạnh đó Trung tâm chú trọng đào tạo nghề cho TN nông thôn, lao động nghèo như, mở các lớp kỹ thuật viên Tin học cho 93 học viên của huyện Sơn Tây; 3 lớp Thú y cho TN huyện Trà Bồng, TP Quảng Ngãi, Sơn Tịnh; một số lớp về nghề truyền thống như dệt Thổ cẩm (ở Ba Tơ); làm nhang, chổi đót (ở Trà Bồng)… đã nâng cao trình độ và tạo việc làm cho hàng trăm TN nghèo trong tỉnh.

Hưởng ứng phong trào "4 đồng hành cùng với TN lập thân, lập nghiệp", các tổ chức đoàn trong tỉnh đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị triển khai nhiều chương trình đồng hành cùng TN, giúp họ định hướng được nghề nghiệp và chọn việc làm; phối hợp với Sở LĐTB&XH, Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh mở các lớp tư vấn và giới thiệu việc làm; tổ chức đưa đi xuất khẩu lao động giúp hàng trăm TN có việc làm và thu nhập ổn định. Năm 2009 có 7.479 ĐVTN được tư vấn giới thiệu việc làm; 3.543 ĐVTN được giải quyết việc làm.

Thông qua các Chương trình dự án, các cấp bộ đoàn đã phối hợp với Ngân hàng CSXH giải ngân trên 10 tỷ đồng cho 2.678 ĐVTN được vay vốn, giải quyết việc làm cho 12.100 ĐVTN. Để định hướng nghề nghiệp, việc làm cho ĐVTN là học sinh, Tỉnh đoàn đã phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho học sinh trước mỗi mùa tuyển sinh đại học. Nhờ đó hàng ngàn đoàn viên- học sinh có được những thông tin bổ ích trong việc chọn nghề, để học phù hợp với năng lực bản thân và con đường lập nghiệp sau này.
 
Chị Bùi Thị Quỳnh Vân - Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn cho hay: Hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án 103, mặc dù còn nhiều khó khăn song với sự cố gắng nỗ lực của các cấp bộ đoàn từ tỉnh đến cơ sở, sự quan tâm của các cấp, ngành nên kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Qua đó đã tác động mạnh mẽ đến ý thức của cán bộ đoàn các cấp và ĐVTN trong tỉnh về hướng nghiệp, đào tạo nghề và việc làm. Đã có hàng ngàn ĐVTN được tư vấn việc làm, vay vốn làm ăn, xuất khẩu lao động và có việc làm.

Tỉnh ta nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nơi có Nhà máy Lọc dầu, KKT Dung Quất sôi động, gần KKT mở Chu Lai (Quảng Nam) và nhiều KCN, làng nghề tiếp tục được mở rộng. Để TN có một nghề trong tay khi làm việc trong các nhà máy xí nghiệp, thì cần phải tư vấn, định hướng việc làm cho họ, nhất là khu vực nông thôn. Vì thế đào tạo, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho TN trong giai đoạn mới, tổ chức đoàn tiếp tục sát cánh cùng với  TN giúp họ trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Bài, ảnh: X.Thiên

.