Tổng thống Mỹ muốn đưa Nga trở lại nhóm G7

08:08, 21/08/2019
.
Mỹ sẽ là nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G7 vào năm 2020 và nếu thành công trong việc đưa Nga trở lại, nhóm này sẽ quay về tên cũ cách đây 5 năm: G8.
TIN LIÊN QUAN
 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trao đổi với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tháng 6-2019. Pháp là nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trao đổi với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tháng 6-2019. Pháp là nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay - Ảnh: REUTERS
"Tôi nghĩ có Nga trong nhóm là chuyện hoàn toàn hợp lý. Nhiều vấn đề chúng ta đang bàn bạc đều dính tới Nga cả", Tổng thống Trump đặt vấn đề tại Nhà Trắng ngày 20-8.

Năm 2014, sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea, Nga bị các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu tước tư cách thành viên và đẩy ra khỏi nhóm G8.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đưa ra ý tưởng về việc Nga trở lại G7 gồm các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italy và Canada.

Hồi tháng 6-2018, tổng thống Trump đề nghị Nga nên tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 sắp được tổ chức tại Canada. Một phát ngôn viên của Điện Kremlin dường như bác bỏ ý tưởng này, nói rằng Nga đang tập trung vào các định chế khác.

Hai ngày sau, Tổng thống Vladimir Putin đã khéo léo nói rằng Nga không chọn G7 và sẽ rất vui khi được đón tiếp các thành viên của mình tại thủ đô Matxcơva.

Các tuyên bố đưa Nga trở lại G7 lần này được ông Trump đưa ra chỉ vài ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh của nhóm chính thức bắt đầu ở Pháp. Hãng thông tấn AFP của Pháp bình luận tuyên bố của tổng thống Mỹ chẳng khác gì ném quả lựu đạn vào câu lạc bộ của những nước giàu.

Nhưng đó chỉ mới là quả lựu đạn đầu tiên, AFP cảnh báo. Ít thành viên hơn G20 và ở cùng trình độ phát triển, những vấn đề được đem ra thảo luận tại G7 thường ít tạo ra căng thẳng hay sự đối đầu.

Điều này đã thay đổi khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ. Những khác biệt giữa Washington và các nước còn lại của G7 về biến đổi khí hậu, bất bình đẳng toàn cầu bị khoét sâu đến mức đã khiến có thời điểm người ta gọi nhóm này là G6+1 thay vì G7.

Tại G7 ở Quebec năm ngoái, tổng thống Trump đã từ chối ký vào thông cáo chung cuối cùng và chỉ trích thủ tướng chủ nhà Canada, ông Justin Trudeau, về thương mại. Nước chủ nhà Pháp và Tổng thống Emmanuel Macron đang hi vọng có thể kiềm chế kích động ông Trump trong G7 năm nay.

Theo Bảo Duy/Tuổi Trẻ Online
 

.