Đạo làm thầy qua thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

02:11, 20/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một nhân cách lớn của thời đại. Ở ông, kết tinh ba con người trong một cuộc đời: Một thầy thuốc, một nhà thơ, một thầy giáo. Khu biệt ở góc độ một thầy giáo, thơ văn ông hiện hữu những quan niệm quý báu về đạo làm thầy.
 
[links()]
 
Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), quê gốc ông ở làng Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, sinh sống tại quê mẹ, làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Ông được tổ chức UNESCO vinh danh là Danh nhân Văn hóa thế giới, bởi có những đóng góp to lớn cho văn hóa nhân loại.
 
Tượng Đồ Chiểu tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).                      Ảnh: Internet
Tượng Đồ Chiểu tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Internet
Với vai trò thầy giáo, Nguyễn Đình Chiểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Trong cuộc đời bôn ba: “Vì câu danh nghĩa phải đi ra/ Day mũi thuyền nam dạ xót xa”, Nguyễn Đình Chiểu bao lần vượt qua nghịch cảnh để mở trường dạy học. Ông xem đó là sự nghiệp suốt đời, không ngơi nghỉ. Nguyễn Đình Chiểu quan niệm rất rõ ràng về đạo làm người lúc thời bình cũng như lúc loạn lạc. Chữ đạo trong tư tưởng của nhà giáo mù đất Đồng Nai chính là điều đúng nên làm của con người trong tam cương và rộng hơn là ngũ luân. Nhiều lần ông nói về khái niệm đạo trong thơ văn: “Sự đời thà khuất đôi tròng thịt/ Lòng đạo xin tròn một tấm gương”. Đạo là cái Nguyễn Đình Chiểu ra sức bồi đắp, bảo vệ cho bằng được dù hoàn cảnh nào xảy ra. Chữ đạo biểu hiện rõ trong từng vị trí mà ông trải qua.
 
Trên cương vị thầy giáo, Nguyễn Đình Chiểu quy định những điều đúng đắn mà người dạy học nên làm để giữ đúng chữ “đạo” của mình.
 
Sự nghiệp giáo dục gắn liền với Nguyễn Đình Chiểu kể từ lúc ông mù lòa ở tuổi 27 (năm 1849). Ông thấm nhuần quan niệm “lương sư hưng quốc” để tu dưỡng bản thân đồng thời giáo dục thế hệ sau bằng tấm gương vượt lên số phận. Hình ảnh người thầy rất đẹp được Nguyễn Đình Chiểu dựng lên trong hai tác phẩm, "Lục Vân Tiên" và "Ngư Tiều y thuật vấn đáp", tiêu biểu cho hai chặng đường sáng tác trước và sau khi thực dân Pháp xâm lược.
 
Hình ảnh Tôn sư trong Lục Vân Tiên là hình tượng người thầy rất đẹp khi đất nước thanh bình. Muốn có trò giỏi thì thầy phải giỏi. Thầy phải tự trau dồi năng lực bản thân, từ đó đem tri thức trao truyền thế hệ sau: "Chí lăm bắn nhạn ven mây/ Danh tôi đặng rạng tiếng thầy bay xa". Học trò đạt thành tựu vẻ vang, người thầy cũng “tiếng lành đồn xa”, lưu danh muôn thuở. Tôn sư quả thực là bậc kỳ tài, ngoài việc đào tạo nên một người toàn năng như Lục Vân Tiên, ông còn có thể đoán trước tương lai hậu vận bằng thuật gieo quẻ, bói dịch. 
 
Ông tiên đoán Lục Vân Tiên sẽ gặp nhiều tai ương trắc trở trên con đường công danh trước khi đạt thành tựu vẻ vang: “Tôn sư khi ấy luận bàn/ Gẫm trong số hệ khoa tràng còn xa...”. Sau này nghiệm lại, lời thầy chẳng chút sai lệch: "Nhớ lời thầy nói thiệt hay/ Bắc phương gặp chuột hẳn rày nên danh". Tôn sư còn là nhân cách đẹp của người thầy luôn thao thức cùng học trò trước biến thiên của cuộc đời. Ông đau đáu xót thương cho Lục Vân Tiên vì hậu vận trắc trở, truân chuyên: "Tôn sư ngồi hãy thở than/ Ngó ra trước án thấy chàng trở vô...".  Ông nóng lòng tìm cách giúp học trò vượt qua kiếp nạn: “Rày con xuống chốn phong trần/ Thầy cho hai đạo phù thần đem theo". Tôn sư là hình mẫu người thầy tiêu biểu với phẩm chất đáng quý: Giàu tri thức, biết yêu thương quý trọng học trò, mang đến kiến thức bổ ích và bài học làm người vô giá. Những phẩm chất ấy còn được tiếp nối trong "Ngư Tiều y thuật vấn đáp" và phát triển lên tầm cao mới để đáp ứng yêu cầu thời cuộc.
 
"Ngư Tiều y thuật vấn đáp" dựng lên hình ảnh người thầy kỳ vĩ về nhân cách, tài giỏi trong nghề nghiệp, đó là Kỳ Nhân Sư. Qua miêu tả Kỳ Nhân Sư là bậc y thánh trong y lâm, tinh thông nghề thuốc khó ai sánh bằng. Hơn nữa, ông còn là một người đạo đức, nhân nghĩa, sáng ngời về cách đối nhân xử thế: "Trong mình đủ việc kinh luân/ Thêm trau đạo đức mười phân rõ ràng". Kỳ Nhân Sư có lai lịch khá đặc biệt, dù rất tài giỏi, nhưng bất hợp tác với giặc, tự xông mù mắt để khỏi chứng kiến cảnh “sinh dân nghiêng nghèo”, khỏi phải nhìn thấy “kẻ thù quân thân”. Ý chí ấy của Kỳ Nhân Sư chính là đạo làm thầy trong lúc biến loạn, phải biết phân biệt phải trái, chính tà và quyết tâm giữ vững lập trường cho dù phải hủy hoại hình hài dáng vóc: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ”. Hình ảnh Kỳ Nhân Sư với đôi mắt mù lòa và ý chí “chẳng dung giặc trời” chính là hiện thân Nguyễn Đình Chiểu trong đời thực.
 
Đạo làm thầy trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu được biểu hiện với nhiều tầng bậc ý nghĩa sâu sắc. Dù hoàn cảnh thời cuộc thế nào, người thầy vẫn luôn tỏa sáng đức độ, tài năng. Hình tượng Tôn sư và Kỳ Nhân Sư rất gần gũi với trí thức Việt Nam chân chính, luôn quan tâm đến vận mệnh dân tộc và là hình ảnh rực rỡ về nhân cách của người thầy để muôn đời soi chiếu. Có lẽ, một phần vì những tư tưởng đáng quý về người thầy mà UNESCO đã khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”.
 
VÂN ĐAM 
 
 

.