Dấu xưa Văn Thánh Quảng Ngãi

03:04, 26/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Văn Thánh là tên gọi ngắn gọn của Văn Thánh Miếu, còn gọi là Văn Miếu. Văn Thánh Quảng Ngãi được lập khá sớm, thờ Đức Khổng Tử. Đây cũng là nơi tôn vinh, gặp mặt những bậc khoa cử địa phương qua các nghi lễ hằng năm là tế xuân và tế thu do chính quyền cử hành.
[links()]
 
Trải qua một thời gian dài, Văn Thánh Quảng Ngãi hiện chỉ còn là một tòa nhà nhỏ. Văn Thánh Quảng Ngãi nằm ở làng Phú Nhơn, nay thuộc phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi). Vào năm Gia Long thứ 12 (1813) đã thấy công tác có liên quan đến Văn Miếu nằm ở xã Phú Nhơn thuộc tổng Trung, huyện Bình Sơn. Theo địa bạ xã Phú Nhơn đó là một sở đất hương hỏa dùng phục vụ tế tự Văn Thánh “Hương hỏa Văn thánh 3.0.0.0”, tức khoảng 1,47ha. Như vậy, có thể thấy Văn Thánh Quảng Ngãi đã tồn tại dạng đơn giản mà chưa xây dựng quy củ như điển lệ.
 
Tượng đức Khổng Tử năm 1957 tại Văn Thánh Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyên Phong
Tượng đức Khổng Tử năm 1957 tại Văn Thánh Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyên Phong
Về sau đến năm 1817, theo Đại Nam nhất thống chí thì dựng Văn Thánh “Ở xã Phú Nhơn, huyện Bình Sơn. Miếu đường ba gian hai chái, hai nhà ở bên tả hữu, phía trước có một nghi môn, ba cửa. Dựng năm Gia Long thứ 16 (1817). Đền Khải Thánh (thờ thân phụ đức Khổng Tử) ở bên hữu miếu này, dựng năm Minh Mạng thứ 20 (1839)”. Theo mô tả này thì Văn Thánh Quảng Ngãi làm đúng theo điển lệ về Văn Thánh Miếu với tòa chính đường ba gian hai chái, tuy nhiên có thể mô tả thiếu vì theo điển lệ thì còn có tòa tiền đường năm gian hợp với chính đường thành 1 tòa lớn. Về phía trước và ở hai bên là hai tòa tả vu và hữu vu đều năm gian, phía trước là bốn cột nghi môn với ba cửa ra vào.
 
Ngày nay, vị trí Văn Thánh nằm cạnh Nghĩa trang Liệt sĩ phường Trương Quang Trọng. Về phong thủy, Văn Thánh Quảng Ngãi lấy núi Thiên Bút làm tiền án, núi Long Đầu làm hậu chẩm, tả long hữu hổ là núi Thiên Ấn ở phía đông và núi Sứa ở phía tây, minh đường là dòng sông Trà Khúc chảy vòng qua trước mặt. Đây là cuộc đất đẹp nhưng hơi hẹp và chỉ phù hợp làm công trình tôn giáo như đền, miếu, chùa. 
 
Rất có thể cụm công trình Văn Miếu này được trùng tu xây dựng lại từ khoảng năm 1850 về sau. Bởi theo sách Đại Nam nhất thống chí bản Tự Đức mô tả “Văn Miếu: Ở địa phận xã Phú Nhân, huyện Bình Sơn, thờ tiên thánh sư Khổng Tử. Quy chế có nhà chính một gian hai chái, tả vu và hữu vu đều năm  gian, nghi môn phía trước mở ba cửa, dựng từ năm Gia Long thứ 16. Đền Khải Thánh ở phía hữu Văn Miếu, dựng từ năm Minh Mệnh thứ 20”. Mô tả này cho biết Văn Thánh xây dựng từ năm Gia Long thứ 16 (1817) có tòa chính đường một gian hai chái, về sau thì Văn Miếu đã là tòa chính đường ba gian hai chái, có nghĩa Văn Miếu Quảng Ngãi đã được sửa chữa lại. Sở dĩ nói Văn Miếu được sửa chữa sau năm 1850 là bởi niên đại muộn nhất của sách Đại Nam nhất thống chí bản Tự Đức là vào năm Tự Đức thứ 3 (1850), khi mô tả có chi tiết vào năm 1850 núi Thiên Ấn được liệt vào điển thờ, đồng thời lúc này đàn sơn xuyên chưa xây dựng (đàn sơn xuyên Quảng Ngãi đến năm 1853 được xây ở phía nam núi Thiên Ấn).
 
Văn Miếu Quảng Ngãi tồn tại đến năm 1947 thì bị phá hủy, dấu vết qua khảo sát hầu như không còn gì, chỉ còn rất ít trong ký ức dân gian. Đến khoảng năm 1957, Hội Khổng học Quảng Ngãi được thành lập và đến năm 1957 - 1958 tòa nhà Văn Thánh Quảng Ngãi cũng được xây dựng lại với quy mô nhỏ, đơn giản nhằm phục vụ việc thờ cúng và biểu dương tinh thần nho giáo nơi đây. Trước đó, vào năm 1957, khi lấy đất để đắp đường trong khu vực Văn Thánh Quảng Ngãi, công nhân đã đào được bức tượng đồng đức Khổng Tử. Rất có thể bức tượng này được đúc từ thời chúa Nguyễn và thờ tại Văn Thánh Quảng Ngãi, đến năm 1808 đã được quy định thay thế bằng bài vị và không thờ tượng theo quy định nên tượng đã được đem táng trong hầm mộ bằng gạch.
 
Theo hồ sơ lưu trữ, tượng được đúc bằng đồng, thể hiện đức Khổng Tử ngồi tay để trước ngực, cao 1,22m và nặng khoảng 250kg. Sau khi đào được, chính quyền địa phương đã đưa tượng vào trong tòa nhà Văn Thánh mới xây. Tuy nhiên, mới đây khi điền dã tại Văn Thánh Quảng Ngãi, chúng tôi được biết bức tượng đã không còn tại Văn Thánh. Không rõ tượng được di chuyển đi đâu, bởi duy nhất nơi tượng đặt phù hợp chỉ là Văn Thánh, nơi thờ tự Khổng Tử và các bậc hiền nhân. Hy vọng rằng, chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm trùng tu Văn Thánh Quảng Ngãi nhằm giữ lại một công trình cổ của tiền nhân, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa cổ truyền.
 
Nguyên Phong
 
 
 

.