Một thoáng hoài niệm

09:11, 26/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cối xay bằng đá, chiếc cân đòn, hay chiếc xe đạp cũ chẳng thể lăn bánh... vậy mà vẫn rất quý giá đối với nhiều người. Những vật dụng xưa cũ ấy đã đi vào ký ức của đời người, gợi nhớ về một thời khó khăn, chịu thương, chịu khó...
 
Hôm rồi, chúng tôi có dịp đến thăm nhà một người bạn ở tổ dân phố Thủy Triều, phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ). Câu chuyện của một thời gian khó được gợi nhớ khi nhìn thấy chủ nhà giữ cẩn trọng chiếc cối xay bột. Đây là vật dụng gia đình lưu giữ từ rất lâu. Dù không còn sử dụng, nhưng nó vẫn được cất giữ cẩn thận bởi đó là kỷ niệm của gia đình về những tháng ngày phải chạy ăn từng bữa. Đặc biệt là gợi nhớ về hình ảnh gia đình quây quần bên nhau trong bữa ăn với những chiếc bánh nóng hổi, thơm lừng được làm nên từ bột gạo trắng ngần, bột được xay từ chiếc cối xay với những giọt mồ hôi rơi. Đó là cái thời tuy vất vả nhưng ấm áp tình quê, tình người, khiến những ai đã trải qua đều nhớ mãi. 
 
Chiếc cối xay bột bằng đá.               Ảnh: M.ANH
Chiếc cối xay bột bằng đá. Ảnh: M.ANH
Ngày ấy, hôm nào muốn ăn bánh xèo, bánh bèo... thì phải ngâm gạo từ sớm, rồi mang đến nhà hàng xóm có cối xay để xay bột nhờ. Tiếng cối xay rì rì, rầm rầm ngày nào, giờ trở thành âm thanh khiến người ta xao xuyến mỗi khi nhìn thấy chiếc cối xay bằng đá. Thích nhất là khi nhìn thấy dòng chảy đặc sệt của bột gạo từ từ chảy xuống chiếc xô nhỏ. Phải xay đi xay lại nhiều lần cho bột thật nhuyễn. Vui làm sao khi xách xô bột gạo về nhà cho mẹ làm bánh, xem đó là thành quả lao động để góp phần cùng gia đình làm nên bữa ăn ngon. Ngày nay, người ta xay bột bằng máy móc hiện đại chứ hiếm có ai xay bột bằng cối xay đá, hoặc có muốn làm các loại bánh thì mua bột khô ở siêu thị. Nhưng chiếc cối xay vẫn quý giá với nhiều người là vậy, nó đưa mọi người trở về với hoài niệm về một thời đã xa.
 
Những vật dụng xưa cũ không còn được sử dụng như mục đích ban đầu tạo ra, nhưng vẫn quý bởi nó ăn sâu trong tiềm thức của con người. Những vật dụng xưa cũ còn được nhiều người lưu giữ như là hiện vật để giáo dục con cháu biết quý trọng thành quả ngày hôm nay, vốn được tạo dựng từ những giọt mồ hôi mặn mòi của một thời gian khó. Cũng giống như mẹ tôi, bà vẫn giữ hoài chiếc cân đòn và xem đó là một trong những tài sản quý của cuộc đời. Bà bảo rằng, nó gắn với một thời bố mẹ lao động vất vả để nuôi các con ăn học. Nhà nông chỉ trông chờ vào con gà, con heo, hạt lúa, hạt bắp... Chiếc cân đòn gắn với niềm vui trong mỗi mùa thu hoạch, cũng nhờ đó mà các con được mua cặp sách, quần áo, có tiền đóng học phí trong mỗi năm học... Bà sợ mất chiếc cân đòn nên cất giấu ở một nơi rất kỹ, mỗi dịp con cháu về đông đủ lại mang ra xem, rồi thì mọi người lại ngân ngấn nước mắt khi nghe kể câu chuyện ngày xưa gắn với một đời lam lũ, tảo tần của bố mẹ.  
 
Một người bạn của bố tôi thì treo chiếc xe đạp cũ trên trần nhà. Chiếc xe đạp ấy đã rã rời qua mấy mươi năm song hành cùng ông trên những dặm đường. Ông còng lưng đạp xe đi khắp nơi mua lúa, đậu... bán kiếm tiền nuôi các con ăn học. Giờ đây, khi các con đã là kỹ sư, nhà giáo, ông vẫn giữ gìn chiếc xe đạp cũ ngày xưa ấy. "Có chiếc xe đó mới có ngày hôm nay!", ông cười hiền nói. Câu nói của ông gọn trơn thế mà chất chứa bao điều từ trong sâu thẳm tấm lòng của đấng sinh thành!
 
MINH ANH
 
 
 

.