"Giữ lửa" làn điệu sắc bùa

08:06, 07/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Suốt mấy chục năm qua, cùng với nhiều lớp nghệ nhân ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ), ông Huỳnh Tròn đã góp công khôi phục, gìn giữ làn điệu sắc bùa, một nét văn hoá độc đáo của làng quê.
Giữ vốn quý của làng
 
Ông Tròn hiện chỉ biết đánh trống theo “trực giác”, bởi tai ông bị điếc nặng từ hơn 4 năm nay. Mê giai điệu sắc bùa từ khi 15 tuổi, nên ông Tròn hay theo cha đi khắp thôn xóm mỗi lần hội diễn văn nghệ. Ngày còn nhỏ, cứ dịp Tết là ông và những bạn bè đồng lứa lại chạy theo cha và bạn diễn của cha trong đội đi nhiều nhà, nhiều ngõ xóm. Có những năm, ông theo đoàn hát sắc bùa từ khi giao thừa mãi tới Mùng 7, Mùng 10, khi đã hết 3 ngày Tết, 7 ngày xuân mới trở về nhà. 
 
Ông Huỳnh Tròn (bên trái) và con trai là những thành viên tham gia đội hát sắc bùa ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ).
Ông Huỳnh Tròn (bên trái) và con trai là những thành viên tham gia đội hát sắc bùa ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ).
Thời đó sắc bùa thịnh hành. Ai cũng tranh nhau mời đội sắc bùa xông đất đầu năm, với mong ước đem lại sự may mắn. Sắc bùa cũng không kén giàu, nghèo, mà quý ở cái tình, quý ở lễ nghi, là nét đẹp đầu xuân.
 
Sau năm 1975, ông Tròn cùng với những người bạn cùng thời đã bắt đầu tập hợp và khôi phục bộ môn hát sắc bùa. “Từ xưa, xã Phổ An đã có điệu hát sắc bùa. Thường vào dịp Tết, ngày lễ, đình làng hội miếu, đều lập đoàn hát sắc bùa. Tuy nhiên, qua thời chiến, người hát sắc bùa không còn nhiều và giai điệu dần quên lãng”, ông Tròn cho hay.
 
Dù tai không nghe, nhưng ông Tròn vẫn gõ trống rất giỏi. Ông nhẩm theo điệu hát nhờ đôi mắt rất tinh anh, nên khi nhìn các ông cái bắt đầu gõ, khẩu hình miệng hát, ông lập tức gõ theo. Dường như đối với ông, đam mê mạnh mẽ hơn mọi thứ. Bởi dù không nghe được, thì ông vẫn tiếp tục theo đuổi nghệ thuật hát sắc bùa, vẫn quyết giữ gìn nó, giống như giữ gìn “bảo vật” quý giá mà các thế hệ cha ông đã truyền lại.
 
Đời con tiếp nối
 
Gần cả đời người theo đoàn hát, tới bây giờ ông có thể cảm nhận thanh âm bằng các giác quan khác, không nhất thiết là phải nghe rõ mới có thể gõ trống được. Cũng vì muốn giữ gìn và duy trì làn điệu sắc bùa, nên trong những lần đi diễn, ông Tròn thường dẫn hai con trai đi theo học hỏi và để các bậc cha chú truyền dạy.
 
Anh Huỳnh Tấn Lập, con trai của ông Tròn cất lời cùng điệu đàn nhị: "Khá khen ông khéo lập cái ngõ này/ Kim bằng thợ ngọc, rồng xây tứ bề/ Hai bên loan phụng giao kề/ Nhà lầu ngõ ngói tư bề xinh thay...". Đó là những câu trong lời bài Mở ngõ được diễn trong ngày Tết. Điệu hát Mở ngõ được bắt đầu khi đoàn hát sắc bùa vừa đến ngõ nhà gia chủ, hát đến khi gia chủ mở ngõ đón đoàn vào thăm nhà.
 
Tới bây giờ, hai con trai của ông Tròn cũng đã nằm trong số những thành viên nổi trội của đội hát, tiếp bước cha ông, lưu giữ và truyền tải điệu hát dân gian đến với các thế hệ sau. Nhắc đến điều này, ông Tròn bộc lộ rõ niềm hạnh phúc và tự hào. Bởi cuối cùng thì các con ông cũng đã thay ông tiếp tục giữ lửa nghệ thuật hát sắc bùa.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Phổ An Phạm Quốc Việt cho biết: "Nhiệt huyết và đam mê của những bậc tiền bối như ông Huỳnh Tròn, chính là động lực để chính quyền địa phương gìn giữ làn điệu sắc bùa. Để khôi phục và duy trì sau một thời gian bị mai một, chúng tôi khuyến khích cán bộ xã học các điệu múa, lời ca, tiếng hát từ các bậc tiền bối trong đội hát sắc bùa tại địa phương".
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 

.