Thực hiện Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT: Giảm áp lực cho học sinh

10:09, 22/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đánh giá toàn diện, nhưng đảm bảo tính riêng tư cho mỗi học sinh (HS) là điều mà ngành giáo dục hướng đến trong kiểm tra, đánh giá HS. Điều này thể hiện rõ trong Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại HS ở bậc THCS và THPT do Bộ GD&ĐT mới ban hành. 
Đánh giá cả định lượng lẫn định tính
 
Thông tư 26 đã có những thay đổi rất lớn về cách đánh giá HS bậc THCS và THPT. Trước đây các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục được đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập theo mức đạt yêu cầu và chưa đạt yêu cầu. Còn Thông tư 26 quy định các môn học còn lại sẽ được đánh giá bằng nhận xét và điểm số. Như vậy, giáo viên thay đổi từ việc đánh giá HS bằng định lượng (điểm số) nay phải kết hợp sử dụng cả hai phương thức đánh giá bằng định lượng và định tính (nhận xét). 
 
Học sinh sẽ được giảm áp lực khi thực hiện Thông tư 26.
Học sinh sẽ được giảm áp lực khi thực hiện Thông tư 26.
Đánh giá bằng nhận xét là đánh giá sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ của HS trong quá trình học tập các môn học và hoạt động giáo dục. Đánh giá bằng điểm số là đánh giá kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với môn học. Kết quả đánh giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác, thì phải quy đổi về thang điểm 10. 
 
Việc kết hợp hai phương thức trên sẽ có sự đánh giá toàn diện cả về phẩm chất, hành vi và kiến thức, kỹ năng đối với HS. Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) Nguyễn Phúc Lộc cho rằng: “Nội dung cốt lõi của Thông tư 26 là đánh giá con người chủ yếu dựa vào định tính, giảm định lượng. Đánh giá dựa trên sự phát triển của từng cá nhân, không so sánh các cá nhân với nhau”.
 
Theo các nhà quản lý giáo dục, khi sử dụng cả hai phương thức trong đánh giá, xếp loại, thì giáo viên phải sâu sát HS cả về chất lượng học tập và ý thức rèn luyện đạo đức, như vậy mới có thể đánh giá, nhận xét chính xác.
Ngoài các danh hiệu được công nhận như học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, theo Thông tư 26 sẽ có thêm danh hiệu học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc vượt trội. Điều này sẽ khuyến khích học sinh phát huy thế mạnh trong quá trình học tập.
Nhiều hình thức kiểm tra 
 
Thông tư 26 quy định môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học sẽ có 2 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Môn học có trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học có 3 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Môn học có trên 70 tiết/năm học có 4 điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên.
 
Kiểm tra, đánh giá thường xuyên thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm hay sản phẩm học tập gắn liền với chủ đề cụ thể. Số lần kiểm tra, đánh giá không giới hạn bởi số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên.
 
Kiểm tra, đánh giá định kỳ, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và kiểm tra, đánh giá cuối kỳ thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1. Điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ tính hệ số 2. Điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ tính hệ số 3.
 
Theo Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Trần Kỳ Phong (Bình Sơn) Phạm Thị Anh Hương, trước đây, học kỳ I môn ngữ văn có 3 bài kiểm tra 90 phút, còn Thông tư 26 chỉ quy định có bài kiểm tra giữa kỳ. Hình thức kiểm tra đa dạng, giáo viên có thể đánh giá HS thông qua các buổi thảo luận, thực hành. Thông tư này đảm bảo công bằng cho HS và góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đồng thời khuyến khích phát huy năng lực của HS. 
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 
 

.