Đưa võ cổ truyền vào trường học

12:10, 29/10/2019
.
(Baoquangngai.vn) – Võ cổ truyền, hệ phái võ thuật lưu truyền cùng với lịch sử của dân tộc Việt Nam hiện đang “phủ sóng” tới tất cả các trường học trong tỉnh. Môn học này được đưa vào các tiết học giáo dục thể chất cho học sinh.
Học sinh hứng thú

Năm học này, Trường TH Trần Phú (TP. Quảng Ngãi) đưa bộ môn võ cổ truyền (VCT) vào giảng dạy tích hợp trong tiết học giáo dục thể chất (TDTC) cho học sinh.

Đa số học sinh thích thú với bộ môn này. Mặc dù mới học, nhưng học sinh khá hứng thú, linh hoạt, nhanh nhẹn, uyển chuyển trong từng động tác mang đậm chất võ của bài quyền 27 động tác dành cho học sinh TH.

Em Gia Bảo, học sinh lớp 4A phấn khởi: “Học võ vui hơn là các bài tập thể dục bình thường, em rất thích học môn này”.

Sau khi Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi có chủ trương đưa VCT vào trường học, nhà trường đã cử giáo viên dạy bộ môn TDTC đi tập huấn và triển khai tổ chức giảng dạy trong năm học này. Năm đầu tiên triển khai, nhà trường dạy VCT cho học sinh khối 4, 5 với các bài Căn bản công pháp 27 động tác.
Giờ học VCT tại Trường TH Trần Phú (TP. Quảng Ngãi).
Giờ học VCT tại Trường TH Trần Phú (TP. Quảng Ngãi).
Thầy Trần Minh Hiệp, giáo viên bộ môn giáo dục thể chất chia sẻ: “Qua triển khai dạy VCT cho học sinh thấy các em rất hứng thú. Khi thầy giáo yêu cầu lên biểu diễn cá nhân, các em tự tin biểu diễn hơn các bài tập thể dục thông thường. Về nhà, nhiều em còn tự luyện tập”.

Phòng GD&ĐT huyện miền núi Trà Bồng đã đưa vào dạy đồng bộ môn VCT trong trường học trong 2 năm học qua. Huyện còn tổ chức các hội thi biểu diễn VCT dành học sinh cấp TH và THCS, nhằm đẩy mạnh phong trào này trong các trường học.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng Đinh Thị Thu Hương cho biết, bộ môn VCT đã được đưa vào giảng dạy tại 19/19 trường TH, THCS của huyện, làm da dạng, phong phú thêm hoạt động ngoài giờ lên lớp nên học sinh rất hào hứng. Trong hội thi cấp tỉnh, Trà Bồng là huyện đạt giải Nhất toàn đoàn khối TH và giải Nhì khối THCS.

Cần đồng bộ

Đưa VCT vào chương trình GDTC trong các cấp học phổ thông là nội dung được Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 2015 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Đây cũng là một nội dung trong Đề án tổng thể phát triển GDTC, thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của ngành GD&ĐT.

Sở GD&ĐT đã cử giáo viên GDTC cốt cán tham gia tập huấn lớp kiến thức về việc xây dựng kế hoạch phát triển phong trào tập luyện VCT do Bộ GD&ĐT tổ chức. Sau lớp tập huấn, đội ngũ này tổ chức tập huấn lại cho toàn thể giáo viên GDTC các trường học trong tỉnh.
 
Học sinh hào hứng với bộ môn VCT hơn là các bài tập thể dục thông thường.
Học sinh hào hứng với bộ môn VCT hơn là các bài tập thể dục thông thường.

Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT) Trần Thị Kim Nhạn cho biết, bộ môn VCT đã được triển khai ở tất cả các trường TH, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Học sinh TH học bài quyền căn bản 27 động tác, học sinh THCS là bài quyền 36 động tác và THPT là bài quyền 45 động tác.

Việc đưa VCT vào trường học không chỉ giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, kỹ năng tự vệ mà còn hướng các em sự tự tôn dân tộc và tinh thần tôn sư trọng đạo của người Việt. VCT phù hợp với thể trạng và thể hình người Việt Nam nên các bài quyền dễ học.

Tuy nhiên, việc triển khai dạy VCT ở nhiều trường chưa đồng bộ. Thời gian tập huấn cho giáo viên trong 3 ngày là quá ngắn, vì đa số giáo viên dạy bộ môn TDTC không học đúng chuyên ngành võ thuật.

Nhiều trường thiếu giáo viên bộ môn GDTC chỉ triển khai được ít số lượng lớp, dạy lồng ghép thời gian ngắn vào giờ thể dục nên rất khó để giáo viên triển khai chương trình, chủ yếu hướng dẫn có các em thuộc động tác, không thể dạy chuyên sâu.

Để các trường triển khai đồng bộ hơn trong việc đưa VCT vào giảng dạy trong trường học, rất cần bố trí đủ số lượng giáo viên dạy bộ môn GDTC và giáo trình cụ thể cho các cấp học, tăng cường tổ chức tập huấn dài ngày hơn cho giáo viên.

Bài, ảnh: A.KIỀU

.