Những trò nghèo học giỏi

09:08, 01/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với ý chí phấn đấu và niềm đam mê, nhiều học trò nghèo đã vượt qua bao mặc cảm của hoàn cảnh gia đình để vươn lên trong học tập, đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2016.  

TIN LIÊN QUAN

Mơ làm bác sĩ

Cô học trò Nguyễn Thị Thao, Trường THPT số 1 Đức Phổ ở thôn Phần Thất, xã Phổ Quang (Đức Phổ) là thí sinh có điểm thi môn Hóa cao nhất tỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia 2016  với 9,8 điểm. Thao sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo có 4 anh chị em. Cuộc sống của gia đình thiếu trước hụt sau, nhưng không làm em chùn bước trên con đường học tập.

Với Thao, nỗi vất vả của cha mẹ là động lực để em quyết tâm học thật giỏi và có thể đạt được ước mơ trở thành một bác sĩ. “Từ nhỏ, em hay bị đau ốm nên thường xuyên phải đến bác sĩ. Từ đó, hình ảnh người thầy thuốc gần gũi, tận tình chăm sóc người bệnh đã gắn bó trong em", Thao tâm sự.

 Nhờ nỗ lực trong học tập, Thao đạt học sinh giỏi toàn diện trong suốt 12 năm liền. Đáng mừng là, em đã đạt điểm cao của các môn thi thuộc khối ngành xét tuyển đại học với số điểm là 27,65 điểm. Thao vinh dự là đồng thủ khoa khối B của tỉnh. Ngoài ra, em còn được cộng 1,5 điểm ưu tiên diện bãi ngang khi xét tuyển đại học.

 

Em  Nguyễn Thị Thao phụ giúp ba vá lưới, chuẩn bị cho chuyến khơi xa.
Em  Nguyễn Thị Thao phụ giúp ba vá lưới, chuẩn bị cho chuyến khơi xa.


Để đạt kết quả cao trong học tập, Thao cho biết, cần phải đầu tư trải đều các môn học. Lên lớp 12, em đầu tư nhiều vào các môn xét tuyển đại học, còn những môn khác em cố gắng nghe thầy cô giảng để nhớ bài ngay trên lớp.

Hóa và Sinh là hai môn thi trắc nghiệm nên Thao dành nhiều thời gian để luyện tốc độ và luyện giải đề thi của những năm trước. "Để đạt điểm tối đa, ngoài việc trả lời đúng nội dung câu hỏi, em còn phải tự rèn luyện cho mình khả năng tư duy về cách trình bày, diễn giải một bài thi sao cho dễ đọc, dễ hiểu", Thao chia sẻ.

Học để thoát nghèo

Ngay sau khi hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia 2016, Phan Trung Pháp (Trường THPT số 2 Tư Nghĩa) đã vào TP. Hồ Chí Minh phụ ba mẹ bán hủ tiếu để kiếm thêm tiền trang trải cho việc học.  Ba mẹ em vào TP. Hồ Chí Minh bán hủ tiếu, thu mua phế liệu kiếm tiền nuôi các con, nên từ nhỏ Pháp đã phải sống với bà ngoại.

Thấu hiểu tình cảm và nỗi vất vả của ba mẹ và của bà ngoại, Pháp luôn nỗ lực trong việc học. Suốt 12 năm liền, Pháp luôn đạt học sinh giỏi. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, Pháp là thí sinh có điểm thi môn Địa lý cao nhất tỉnh 9,25 điểm. Tổng điểm 3 môn xét đại học Văn - Sử - Địa của em là 23,5 điểm.

Pháp thổ lộ: "Từ khi em học lớp 2, ba mẹ em đã phải vào Sài Gòn mưu sinh. Thu nhập bấp bênh, nên số tiền ba mẹ gửi về cho em cùng bà ngoại cũng không ổn định. Bà cháu phải bóp bụng để sống qua ngày.  Em tự động viên mình, chỉ có học thật giỏi mới có thể giúp gia đình thoát nghèo”.

Với Pháp, chặng đường tương lai của em phía trước còn rất xa và nhiều gian khổ, song ước mơ trở thành luật sư luôn là khát khao cháy bỏng trong em.

Nỗ lực để làm người truyền Sử

Trở thành cô giáo dạy Sử là ước mơ của cô học trò nghèo Võ Thị Thu Ngoan, Trường THPT chuyên Lê Khiết, nhà ở tổ 20, phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi. Ba của Ngoan làm nghề bốc vác thuê, còn mẹ làm công việc đồng áng kiếm tiền nuôi con ăn học. Từ bé, Ngoan đã chăm ngoan, học giỏi. Năm lớp 11, Ngoan đoạt giải ba học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử.

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, Ngoan có điểm thi môn Lịch sử cao nhất tỉnh với 8,5 điểm, tổng điểm 3 môn xét đại học là 23. Ngoan tâm sự: "Học môn Lịch sử sẽ hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ đó khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước và ý thức được trách nhiệm trong việc góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Em mơ ước trở thành giáo viên dạy Sử để truyền niềm đam mê cho các thế hệ học trò đi sau".


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.