Nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm

10:12, 02/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời tiết diễn biến phức tạp, mưa kéo dài, công tác tiêu độc khử trùng và tiêm phòng vắc xin đợt 2 (2020) gặp nhiều khó khăn... Trong khi dịch tả heo Châu Phi (ASF) tái bùng phát ở Quảng Nam. Vì vậy, nguy cơ xảy ra dịch bệnh ở gia súc, gia cầm (GSGC) là rất cao. 
[links()]
“Sau mưa lũ, nhiều loại chất thải, nước thải xác GSGC chết còn tồn ứ trong môi trường,  khí hậu ẩm ướt, thời tiết diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, nhất là bệnh lở mồm long móng (LMLM), dịch tả heo, cúm gia cầm”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ cho biết. Vì vậy, cùng với công tác khắc phục thiệt hại do mưa, bão, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cử cán bộ đến các địa phương thiệt hại nặng, ngập lụt kéo dài để hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi các biện pháp bảo vệ đàn GSGC.  
Nếu không tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, thì nguy cơ bệnh ASF tái xuất hiện tại tỉnh ta là rất lớn.  Trong ảnh: Tiêu hủy do heo bị bệnh ASF.
Nếu không tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, thì nguy cơ bệnh ASF tái xuất hiện tại tỉnh ta là rất lớn. Trong ảnh: Tiêu hủy do heo bị bệnh ASF.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai công tác tổng vệ sinh môi trường, khử trùng nước ở các vùng chăn nuôi bị ngập lụt. Tuy nhiên, do nhu cầu vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và phun thuốc tiêu độc môi trường tăng mạnh sau mưa bão, nên một số địa phương thiếu nguồn hóa chất.
 
“Mưa lũ kéo dài, một số khu vực thấp trũng tái ngập lụt nhiều lần, phải tẩy khử nhiều lần, nên cần lượng hóa chất lớn. Vì vậy, địa phương đã kiến nghị ngành thú y phân bổ thêm thuốc sát trùng, vôi bột, các chất tẩy khử chuồng trại”, Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp (Mộ Đức) Huỳnh Văn Như cho hay.
 
Ngoài nguy cơ dịch bệnh bùng phát do điều kiện thời tiết, thì bệnh ASF có nguy cơ tái bùng phát. “Từ đầu tháng 5 đến nay, Quảng Ngãi không xuất hiện dịch ASF, nên người chăn nuôi có phần lơ là, chủ quan. Vì vậy, đề nghị các địa phương tuyên truyền để người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo phương châm “5 không”. Đó là, không giấu dịch; không bán GSGC bị bệnh; không vận chuyển GSGC và sản phẩm GSGC bị bệnh; không ăn thịt GSGC ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác GSGC ra môi trường xung quanh”, ông Hạ đề nghị.
 
Liên quan đến công tác tiêu độc khử trùng và tiêm phòng vắc xin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, từ đầu tháng 10, đơn vị đã xuất cấp 154.550 liều vắc xin LMLM, 49.775 liều vắc xin dịch tả heo, 1,5 triệu liều vắc xin gia cầm và 26.862 lít hóa chất cho các huyện, thị xã, thành phố. Song, do mưa bão kéo dài, nên công tác tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin cho đàn GSGC đợt 2 (2020) hiện chỉ đạt gần 70%. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đề nghị các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin đợt 2 (2020) cho đàn GSGC. 
 
Ngoài ra, để phục vụ công tác tiêm phòng bổ sung cho đàn GSGC, tái khử trùng môi trường sau mưa lũ, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính  phủ xem xét, hỗ trợ 50 nghìn liều vắc xin LMLM tuýp A, O; 30 nghìn lít hóa chất Benkoid và 10 tấn Sodium Chlorite.
Dịch ASF xảy ra từ tháng 5.2019 đến cuối tháng 4.2020, làm 36.780 con heo bị chết, tiêu hủy bắt buộc, thiệt hại trên 73 tỷ đồng. Mưa lũ từ tháng 10.2020 đến nay, khiến trên 362 nghìn con GSGC bị chết, cuốn trôi, thiệt hại ước tính trên 49 tỷ đồng. Vì vậy, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn cả về nguồn vốn và con giống để tái, nhập đàn mới.
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 
 

.