Xác xơ "lá chắn xanh" ven biển

06:11, 10/11/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Bão số 9 quét qua làm cả dãy rừng phi lao (rừng dương) phòng hộ ven biển từ bao đời nay được xem như ‘lá chắn xanh’ bảo vệ cuộc sống, sản xuất cho người dân vùng biển Quảng Ngãi bị gãy đổ, tan hoang. Nhìn những cánh rừng phòng hộ xác xơ khiến người dân ai cũng xót xa, tiếc nuối.
[links()]
 
Tan hoang rừng phòng hộ ven biển
 
Sau bão số 9, chúng tôi có mặt tại cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển ở xã Đức Minh (Mộ Đức) chứng kiến cả cánh rừng kéo nhiều kilomét tan hoang, xơ xác. Hàng ngàn cây phi lao hàng chục năm tuổi với đủ kích thước gãy đổ, ngã rạp, nhiều cây bật trơ gốc nằm ngổn ngang. Những cây may mắn sống sót còn lại cũng đang trong tình trạng “thoi thóp”, xác xơ. 
 
Nhìn cánh rừng phòng hộ tiêu điều sau bão, ông Nguyễn Thanh Hải (80 tuổi) ở xã Đức Minh xót xa chia sẻ: “Tôi đã sống ở đây mấy chục năm nhưng đây mới lần đầu chứng kiến cảnh tượng nghiêm trọng như vậy. Gió bão như nuốt chửng mọi thứ, chỉ trong chốc lát cả cánh rừng phòng hộ mà bao đời nay người dân chúng tôi chăm sóc và gìn giữ bị gãy đổ gần hết. Nhìn những gốc phi lao hàng chục năm tuổi nằm ngổn ngang mà  xót xa vô cùng”.
 
Chủ tịch UBND xã Đức Minh Võ Minh Quang cho biết: Toàn xã có khoảng 200ha rừng phi lao phòng hộ ven biển, song cơn bão số 9 vừa qua đã khiến 70% diện rừng bị gãy đổ, hư hại. 
 
Những cánh rừng phòng hộ ven biển tan hoang sau bão số 9
Những cánh rừng phòng hộ ven biển tan hoang sau bão số 9
Tại các xã ven biển của thị xã Đức Phổ, theo thống kê của UBND thị xã, toàn thị xã có khoảng 200ha rừng dương ven biển bị bão số 9 phá hỏng. Địa phương đang lo lắng sẽ mất đi tấm lá chắn cát, gió ảnh hưởng đến làng mạc phía bên trong.
 
"Rừng phi lao qua địa bàn tùy khu vực hư hỏng từ 40 - 70%. Những cây bị bão phá hỏng đều là rừng có tuổi, có sức chắn gió, cát, sóng rất lớn. Chúng tôi đang lo lắng, nếu không kịp thời trồng thay thế thì rau màu, làng mạc của bà con sẽ cực kỳ nguy hiểm" - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Trần Phước Hiền nói.
 
Sớm có giải pháp phục hồi ‘lá chắn xanh’
 
Hàng chục năm nay, những cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, giúp chắn sóng, chắn gió, ngăn nước biển xâm nhập mặn, bảo vệ hoa màu, nhà cửa và cuộc sống cho hàng ngàn hộ dân của nhiều địa phương ven biển.
 
Tuy nhiên, bão số 9 với sức gió giật cấp 15 đã cày nát rừng phi lao phòng hộ ven biển Quảng Ngãi. Thống kê ban đầu của ngành nông nghiệp có khoảng 900ha phòng hộ ven biển bị hư hại. 
 
Hàng nghìn cây phi lao nhiều năm tuổi cũng bị gãy đổ
Hàng nghìn cây phi lao nhiều năm tuổi cũng bị gãy đổ

 

Cấn có giải pháp để sớm phục hồi rừng phòng hộ ven biển
Cấn có giải pháp để sớm phục hồi rừng phòng hộ ven biển
Trước thực trạng rừng rừng phi lao phòng hộ ven biển bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng (đối với rừng đã giao) và đơn vị liên quan xác định ngay diện tích, số lượng cây gãy, đổ; tổ chức cắt tỉa, thu gom gỗ củi, dọn vệ sinh cành nhánh để xúc tiến cho cây sinh trưởng. 
 
Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa cây rừng phòng hộ ven biển bị gãy đổ để đảm bảo cây tái sinh, phục hồi kịp thời chức năng phòng hộ. 
 
Rùng phòng hộ ngày càng bị thu hẹp khiến cho người dân ven biển luôn thấp thỏm lo âu hư hại nhà cửa mỗi khi có gió bão
Rùng phòng hộ ngày càng bị thu hẹp và thưa dần khiến cho người dân ven biển luôn thấp thỏm lo âu hư hại nhà cửa mỗi khi có gió bão
 
Theo người dân sinh sống dọc ven biển, từ bao đời nay, nhờ có rừng cây phi lao phòng hộ che chở ngoài bờ biển nên cuộc sống, sản xuất của họ mới được yên bình. Nhưng giờ, rừng phòng hộ bị tan nát, hoang tàn như thế này thì cuộc sống của họ càng thấp thỏm lo lắng hơn, nhất là mỗi khi mưa bão về, gió biển sẽ xoáy xộc thẳng vào nhà dân gây hư hại nhà cửa và hoa màu.
 
“Rất mong chính quyền các cấp sớm khảo sát đầu tư kinh phí để triển khai các phương án trồng bổ sung phục hồi lại rừng phòng hộ góp phần bảo vệ cuộc sống, sản xuất ổn định lâu dài cho người dân vùng ven biển”- ông Huỳnh Văn Tám ở xã Đức Minh mong muốn.
 
H.P
 

.