42 năm làng chài đất phương Nam

09:03, 31/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Ngư dân miền Trung có truyền thống đi biển từ lâu đời. Để mở mang ngư trường, bà con đến các tỉnh có cửa sông đẹp, ngư trường thuận lợi thì chọn làm nơi an cư và biến thành vùng đất hứa. Thủ phủ nghề biển ở phía nam của đất nước là xã Phước Tỉnh. Nhưng phần lớn ngư dân ở đây đều là dân Quảng Ngãi. Nhiều chủ tàu đánh bắt thành công, cuối đời giao tay lái cho con và đi du lịch hàng chục nước để bù lại mấy chục năm lênh đênh biển cả.

XUÔI NGƯỢC TRUNG – NAM

Tôi gặng hỏi lần nữa, vì sợ tai nghe nhầm. Nhưng ông Trà Kháng, chủ tàu cá vẫn nhắc lại lời mời tới khu nhà thờ uống cà phê vào lúc 4 hoặc 5 giờ sáng. Theo ông Kháng thì vào canh đó đã có nhiều chủ ghe đi uống cà phê, nếu nhà báo tới đó thì tha hồ nghe đủ mọi chuyện. Phước Tỉnh thuộc huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ở làng chài này, những người thường uống cà phê thật sớm ở vỉa hè, thường là người nhà, hoặc chủ tàu cá. Câu chuyện hàng ngày của họ là về tiến độ đánh bắt ngoài khơi, rồi chuyện quê hương Quảng Ngãi.

Trong cái se lạnh của vùng quê miền biển, quán cà phê đã đông đúc bóng người. Ông Tuy, cán bộ Mặt trận xã nhấp ngụm cà phê nóng và kể từng là một chủ tàu, giờ giao lại cho con cái để tham gia hoạt động xã hội. Ông Tuy cho biết, nhiều người như ông, đến tuổi già thì làm việc nhàn hạ và đi du lịch nước ngoài. Có nhiều chủ tàu đã đi tham quan hàng chục nước trên thế giới để bù lại nhiều năm dài bám tàu, bám biển.

Ông Hồ Bền (bên phải) và Hồ Hỡi là những người đầu tiên vào Phước Tỉnh lập nghiệp và xây dựng trường đà rộng 23.000 m2
Ông Hồ Bền (bên phải) và Hồ Hỡi là những người đầu tiên vào Phước Tỉnh lập nghiệp và xây dựng trường đà rộng 23.000m2.


Trong quán cà phê có vài ngư dân nhấp nhổm với túi hành lý về thăm quê. Mỗi ngày có vài chuyến xe đều đặn chở khách từ Phước Tỉnh về Quảng Ngãi và từ quê vào Phước Tỉnh. Người dân Quảng Ngãi vào Phước Tỉnh lập nghiệp. Phước Tỉnh là thủ phủ nghề biển lớn nhất ở phía Nam và một thời được coi như “thiên đường nghề biển”. Gọi là thiên đường, vì gần toàn bộ tàu công suất lớn ở đây đánh bắt bội thu bằng nghề lưới giã cào đôi và đánh bắt đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Những chủ tàu ở Phước Tỉnh tính doanh thu bằng cây vàng, ngư dân đi bạn cũng tính thu nhập bằng bao nhiêu cây vàng/năm. Cuối năm, xe khách từ phía Nam về Quảng Ngãi, nếu gặp những thanh niên có nước da đen nhẻm nhưng đeo sợi dây chuyền vàng vài cây thì đó là ngư dân ở Phước Tỉnh về thăm quê.

TỪ LỀU THÀNH LẦU

Xã Phước Tĩnh là một thị tứ nhỏ ven biển, nhưng mang dáng dấp của một khu phố thị. Trung tâm của thị tứ là tòa nhà thương mại và dịch vụ Kim Tơ, cao 20 tầng. Tòa nhà này do một ông chủ là người Quảng Ngãi xây dựng vừa hoàn thành đầu năm 2016. Con đường nhựa chạy xuyên qua xã, 2 bên đường là những ngôi nhà được xây dựng theo kiểu biệt thự.

Phước Tỉnh vốn là nơi lập nghiệp của người miền Bắc vào Nam năm 1954. Bà con thời đó làm biển bằng những chiếc thuyền nhỏ. Năm 1975, phần lớn người dân bản địa theo làn sóng di tản ra nước ngoài định cư. Phước Tỉnh trở thành một làng quê vắng vẻ, với nhiều căn nhà hoang. Đến năm 1972 – 1975, khi người dân Quảng Ngãi vào Phước Tỉnh và dừng chân lập nghiệp, phát triển tàu thuyền thì nơi này lập tức trở thành thiên đường nghề biển, tốc độ thay đổi chóng mặt.

Ông Hồ Bền, quê ở xã Phổ Khánh huyện Đức Phổ, là thế hệ đầu tiên đặt chân đến lập nghiệp ở Phước Tỉnh cho biết: “Bà con mình ở Phổ Khánh rất nghèo khó. Vì vậy vô đây quen với cảnh cực, không có đất, chỉ ra bãi biển cắm sào dựng lều để sinh sống làm biển. Dần dần rồi tích cóp được thì mua tàu lớn, làm nhà, kéo con cháu ngoài quê vô ngày một đông đúc”.

Những ngư dân Phước Tỉnh nghèo khó chẳng mấy chốc đã trở thành hàng ngàn tỷ phú. Vì vùng khu vực biển Vũng Tàu là vùng biển cạn, rất phù hợp với việc phát triển ngành nghề lưới kéo đôi (giã cào). Những căn biệt thự sang trọng mọc lên như nấm ở Phước Tỉnh chỉ trong một thời gian ngắn. Từ đó đã thu hút ngư dân khắp cả nước đổ về Phước Tỉnh để mang theo giấc mộng cùng làm giàu.

Ông Hồ Bền, Hồ Hỡi tính toán lâu dài đã quyết định mua trọn 3 đám đất rộng hàng chục ngàn mét vuông để mở xưởng đóng tàu. Gần 20 năm trước, ngư dân các tỉnh khác chỉ đóng tàu dài 17m thì ông Bền và ông Hỡi đã xắn tay áo, đóng tàu dài 22-25m. Từ đó, đội tàu cá Phước Tỉnh càng trở thành những con tàu hùng hậu, xuôi ngược trên biển. Tàu mẹ đánh bắt có tàu hậu cần ra tiếp nhiên liệu và chở cá vào bờ. Hiệu suất lao động trên những con tàu càng được nâng cao, khiến Phước Tỉnh càng trở thành vùng đất chạm đâu cũng ra tiền.

BẺ LÁI ĐỂ “VƯỢT SÓNG”

Xã Phước Tỉnh có hơn 1.200 tàu cá công suất lớn. Cảng cá lúc nào cũng có tàu cập vào bán cá. Bên cạnh những khay cá lớn xuất khẩu là hàng đống cá nhỏ bị lưới giã thu gom. Thủ phủ nghề biển nổi tiếng một thời, hiện đang đi vào giai đoạn bắt buộc phải chuyển đổi để tồn tại. Vì hiện nay, nghề lưới kéo giã cào không còn phù hợp với xu thế đánh bắt gắn với bảo vệ môi trường. Bộ NN-PTNT đã có lệnh cấm phát triển nghề lưới kéo.

Tàu cá 67 đang được đóng tại trường đà Phước Tỉnh
Tàu cá 67 đang được đóng tại trường đà Phước Tỉnh


Từ bỏ nghề lưới giã truyền thống sau 40 năm đánh bắt, các ngư dân ví von đó là một cú bẻ lái trên biển sóng. Trong bữa cà phê sáng, các chủ tàu cá Quảng Ngãi thường bàn bạc việc chuyển đổi. Gia đình ông Hồ Bền đi tiên phong trong việc đóng tàu làm nghề lưới bằng 2 con tàu lưới rê VT 92289 TS và 92268 TS, trị giá 14 tỷ đồng. Năm đầu tiên đi biển, thu nhập trên tàu rất thấp vì các ngư dân chưa quen với nghề nghiệp mới. Chủ tàu quyết định bỏ tiền túi ra bù lỗ, hỗ trợ thêm cho các ngư dân đi bạn vui vẻ. Những chủ tàu làm nghề lưới kéo truyền thống lặng lẽ theo dõi  2 con tàu này và lắc đầu lo lắng. Bước sang năm thứ 2, đôi tàu làm lưới đã đánh bắt khá hơn, chủ tàu và ngư dân đều có tiền chia.

Chia tay những ngư dân miền Trung tại làng chài Phước Tỉnh vào dịp làng chài đang hối hả đóng mới tàu Nghị định 67. Những con tàu mới đều thay đổi công năng, chuyển sang làm nghề lưới, từ bỏ nghề giã cào của thế hệ ngư dân trước. Tại trường đà rộng tới 23.000m2, anh Hồ Văn Công, đang tính toán để con tàu rời ụ xuống nước vào ngày tốt. Anh Công cho biết, tàu lớn hơn cả tàu vỏ thép, dài tới 27m. Mỗi tàu đóng 250 khối gỗ.

Anh Công là con trai của ông Hồ Bền, thế hệ đầu tiên vào bám trụ tại Phước Tỉnh. Sau khi học xong Đại học Bách khoa, anh Công tiếp tục học nghề tại Công ty đóng tàu Ba Son và anh tính toán, trường đà này sẽ ra đời tàu vỏ thép trong tương lai.
                                                                

LÊ VĂN CHƯƠNG

 


.