72 giờ của Lan và Thuốc

09:04, 15/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gia cảnh nghèo khó lại không may mắc bệnh suy thận mãn tính giai đoạn cuối, nên cứ sau 72 giờ, chị Đinh Thị Lan (31 tuổi), ở thôn Bồ Nung, xã Sơn Linh (Sơn Hà) phải lọc máu một lần mới duy trì được sự sống. Để cứu vợ, anh Đinh Thuốc (32 tuổi) đã vật lộn với bao khó khăn để hành trình chạy thận của vợ không bị đứt quãng vì thiếu tiền.
 
Ba năm nay, cứ vào ngày thứ 2 và thứ 6 hằng tuần, bóng dáng của hai vợ chồng Đinh Thuốc và Đinh Thị Lan chở nhau trên chiếc xe máy cũ, lặng lẽ rời làng từ 6 giờ sáng để kịp đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi lọc máu, đã trở nên quen thuộc với người dân và các y, bác sĩ bệnh viện. 
Thứ 2 và thứ 6 hằng tuần, anh Thuốc lặn lội đưa vợ vượt quãng đường hơn 50km từ xã Sơn Linh (Sơn Hà) xuống TP.Quảng Ngãi để chạy thận.		        Ảnh: Ý THU
Thứ 2 và thứ 6 hằng tuần, anh Thuốc lặn lội đưa vợ vượt quãng đường hơn 50km từ xã Sơn Linh (Sơn Hà) xuống TP.Quảng Ngãi để chạy thận. Ảnh: Ý THU
“Hai vợ chồng nhưng chỉ gọi một dĩa cơm. Chồng bảo chỉ có ít tiền, nên nhường cho vợ ăn ngon để có sức vào chạy thận. Thành ra, tôi ấn tượng với hoàn cảnh này lắm! Hễ cách 3 ngày mà không thấy chở nhau xuống, là tôi lại lo...”, ông chủ quán cơm Thành Đạt - đối diện cổng Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi xúc động chia sẻ.
 
Lan đã chuyển sang suy thận giai đoạn cuối, nên biện pháp duy nhất giúp kéo dài sự sống cho cô là lọc máu. Cứ sau 72 giờ kể từ lần lọc máu gần nhất, Lan phải đến bệnh viện để lọc máu lần tiếp theo. Chi phí lọc máu, thuốc men... cho mỗi lần lọc máu là 200 nghìn đồng. Số tiền này có thể là con số nhỏ đối với nhiều người, nhưng với Thuốc và Lan, đó là cả một nỗi “ám ảnh”.
 
Gia đình Thuốc và Lan thuộc diện hộ nghèo. Lan mồ côi mẹ từ nhỏ và chưa từng biết mặt cha. Chi phí sinh hoạt của cả gia đình và việc học hành của con gái Đinh Thị Tứ Quỳnh (9 tuổi) trông đợi cả vào những đồng tiền mà Thuốc kiếm được nhờ làm thuê và lên Tây Nguyên hái cà phê, làm rẫy thuê. Ấy thế rồi, khi Lan không may mắc phải bệnh nan y, Thuốc phải dừng chuyện mưu sinh, để ở nhà chăm sóc vợ. Thu nhập của cả gia đình vì vậy trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết, vì Lan không còn khả năng lao động, còn Thuốc thì chỉ có thể kiếm những công việc gần nhà để vừa làm, vừa chăm sóc vợ con.
 
“Mỗi bữa, Lan chỉ ăn được chưa tới nửa chén cơm, đi đứng còn không vững. Vậy nên tôi cứ lo trong bụng, phải ở nhà chăm sóc chứ không dám đi làm xa. Hễ ai trong xóm thuê làm việc gì, tôi đều nhận hết. Mừng nhất là vào mùa thu hoạch keo, tôi vừa chăm vợ, vừa tranh thủ đi lột vỏ keo thuê. Chừng 8 tiếng thì lột được cỡ 500 cây keo, thì có 120 nghìn đồng. Có việc làm tầm 2 ngày là góp được tiền chở vợ đi lọc máu. Còn không có việc, thì phải gõ cửa khắp xóm để mượn từng đồng, rồi góp lại cho đủ tiền chi phí”, anh Đinh Thuốc trầm ngâm.
 
Trong khi Lan nằm nhà, lặng lẽ chờ đợi 72 giờ chóng trôi qua để được đi bệnh viện lọc máu, thì chồng của Lan cố chạy đua trong khoảng thời gian này để đi làm thuê, với mong mỏi kiếm đủ tiền đưa vợ đi bệnh viện. Có lần thiếu tiền, không thể đưa Lan đi lọc máu, nhìn Lan thở dốc, ngất lịm và phải ngủ ngồi trên ghế chứ không thể nằm vì không thở được, Thuốc hiểu rằng, hễ con số 72 giờ càng đến gần, cũng là lúc tính mạng của vợ anh càng bị đe dọa. Vậy nên, dù công việc lột vỏ cả nửa nghìn cây keo lai mỗi ngày làm cho lòng bàn tay Thuốc bị trầy trụa đi, nhưng anh vẫn ao ước, mùa thu hoạch keo kéo dài 365 ngày, để anh được kiếm tiền ổn định, để vợ anh được đi lọc máu đều đặn sau 72 giờ.
 
Từ nhà Thuốc và Lan xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh có tuyến đường tắt khác gần hơn, vậy nhưng Thuốc vẫn lựa cung đường xa hơn để đi. "Anh bảo đường tắt khó đi hơn và sợ tôi bị mệt khi xe chạy xóc. Vậy là ngày nào chở tôi đi viện, anh cũng lựa đường xa hơn”, Lan chậm rãi kể trong niềm hạnh phúc.
 
 Ý THU
 
 

.