Quy tập mồ mả về nghĩa địa tập trung

10:06, 04/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để tiết kiệm quỹ đất, bảo vệ môi trường và phát triển đô thị bền vững, huyện Lý Sơn đã lập phương án quy tập toàn bộ số mồ mả nằm rải rác trong các khu dân cư (KDC), các khu đất trồng hành tỏi, khu di tích đưa về khu nghĩa địa tập trung.
Mồ mả nằm xen kẽ trong KDC
 
Trước đây, do chưa có quy hoạch cụ thể, nên trên địa bàn huyện Lý Sơn, sau khi người thân qua đời, người dân thường tổ chức chôn cất ở khắp nơi, kể cả trên ruộng tỏi, hành; thậm chí là những khu đất nằm xen kẽ trong KDC. Dọc theo trục đường trung tâm huyện, rất dễ nhận thấy những ngôi mộ nằm xen kẽ trong KDC, có mộ bằng đất, có mộ được xây dựng kiên cố. Nhiều người dân cho biết, trước đây do chưa có quy hoạch, hay quy định nào về vị trí chốn cất người quá cố, nên một khi trong gia đình có người qua đời, thì thường chôn tại các ruộng tỏi. Có gia đình không có đất bên ngoài, nên chôn trước hoặc sau nhà. 
Huyện Lý Sơn dự tính sẽ quy tập khoảng 1.000 ngôi mộ nằm rải rác trong các khu dân cư, đất trồng hành tỏi đến khu chôn cất tập trung.
Huyện Lý Sơn dự tính sẽ quy tập khoảng 1.000 ngôi mộ nằm rải rác trong các khu dân cư, đất trồng hành tỏi đến khu chôn cất tập trung.
Chị Thu, chủ một homestay cho biết, trong vườn nhà chị hiện có 8 ngôi mộ. Trước đây, để có chỗ xây dựng nhà, chị đã di dời 1 ngôi mộ. “Tất cả các ngôi mộ trong vườn đều có từ trước khi tôi sinh ra. Để tránh gió biển làm lấp mộ, cha tôi dùng đá quanh tròn và trồng cỏ lên trên. Gia đình rất muốn di dời để có quỹ đất mở rộng nhà cửa, nhưng chưa biết làm cách nào”, chị Thu nói.
 
Tại các điểm du lịch, di tích lịch sử, tình trạng mồ mả nằm xen lẫn cũng rất nhiều, làm ảnh hưởng đến các hoạt động thu hút du lịch và đầu tư tôn tạo. 
 
Quy tập để đô thị biển đẹp hơn
 
Để khai thác quỹ đất, xây dựng đô thị biển và làm đẹp các điểm du lịch, huyện Lý Sơn đã lập kế hoạch quy tập toàn bộ mồ mả nằm rải rác dọc theo các tuyến đường, khu dân cư, khu du lịch và di tích lịch sử về khu nghĩa địa tập trung. Theo đó, huyện đang tổ chức rà soát toàn bộ diện tích đất cụ thể của từng khu mồ mả tập trung, mồ mả đơn lẻ để làm cơ sở xử lý phần diện tích đất sau khi di dời.
 
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt cho biết: Đối với các khu đất sau khi di dời mồ mả có diện tích nhỏ hơn 100m2 nằm hoàn toàn trong phần đất của hộ gia đình đang sản xuất, thì giao bổ sung cho hộ gia đình đó tiếp tục sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Đối với phần diện tích lớn hơn 100m2 mà nằm độc lập, hoặc liền kề với diện tích đất hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng thì tiến hành cho thuê đất.
 
“Riêng phần quỹ đất sau di dời nằm xen kẽ trong các khu dân cư theo quy hoạch đất ở, sẽ giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với các hộ gia đình mà quỹ đất nằm trong phạm vi hộ gia đình đó đang quản lý. Đối với diện tích đất do Nhà nước quản lý thì tổ chức trồng cây xanh, xây dựng công trình công cộng, hoặc tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất, nếu đủ điều kiện xây dựng nhà ở”, ông Việt thông tin.
 
Theo quy hoạch, đảo Lý Sơn sẽ trở thành đô thị biển xanh, sạch, đẹp, văn minh. Do đó, thay đổi thói quen chôn cất truyền thống của người dân theo hướng chôn cất tập trung, di dời các mồ mả nằm xen kẽ trong KDC, các điểm du lịch là giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm quỹ đất, phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài và bền vững cho huyện đảo. Tuy nhiên, điểm vướng hiện nay là nguồn kinh phí thực hiện, cũng như ý thức người dân trong quá trình tổ chức di dời, bởi liên quan đến yếu tố tâm linh. Do đó, để đề án trên thực hiện có hiệu quả, rất cần sự phối hợp từ người dân.
 
Theo thống kê, toàn huyện Lý Sơn có trên 1.000 mồ mả nằm rải rác ở các KDC, đất sản xuất và điểm du lịch. Trước mắt, địa phương sẽ di dời từng bước và tập trung chủ yếu vào các điểm du lịch, khu di tích và dọc theo trục đường trung tâm huyện. Năm 2020, dự kiến di dời khoảng 90 mộ.
 
Người dân đồng thuận
 
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt cho biết: “Huyện đang lập dự toán kinh phí thực hiện và sẽ triển khai trong vài tháng tới. Riêng về lấy ý kiến nhân dân cơ bản đã thực hiện xong và đa số người dân đều đồng thuận. Tuy vậy, quá trình di dời sẽ không liên tục, do còn phụ thuộc vào thời gian mà người dân thấy phù hợp. Riêng mộ gió ở các điểm du lịch hoặc đền thờ, thì không di dời mà tôn tạo để tạo thành điểm du lịch đặc biệt”.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 
 
 
 

.