Trở lại Khu 7

04:05, 03/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ (1957 - 1965), huyện Sơn Tây được Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định thành lập và đặt tên là Khu 7, nhằm tạo hệ thống căn cứ cách mạng liên hoàn của tỉnh phục vụ kháng chiến. Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (28.8.1959) diễn ra rộng khắp, đến ngày 5.9.1959 huyện Sơn Tây hoàn toàn được giải phóng.
Bao năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sơn Tây đã phát huy truyền thống cách mạng, ra sức đóng góp sức người, sức của phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...
 
Vùng đất kiên cường
 
Sơn Tây là huyện vùng cao nằm ở cực tây của Quảng Ngãi, với đa số cư dân là đồng bào dân tộc Ca Dong. Trong thời Pháp thuộc (khoảng 1908 - 1909), trong khi đồng bào Kinh ở miền xuôi của tỉnh rầm rộ đấu tranh "cự sưu khất thuế", thì người Ca Dong ở Sơn Tây tham gia với nghĩa quân Xơ Đăng đánh địch trên cao nguyên Kon Tum, diệt đồn Đắk Sút và đồn Đắk Tô, giết sĩ quan, binh lính Pháp. Từ năm 1937 - 1938, đồng bào Ca Dong do Đinh Nhá, Đinh Nía cầm đầu đã tham gia phong trào "Nước Xu đỏ" với các dân tộc anh em ở bắc Tây Nguyên. Phong trào yêu nước của đồng bào các dân tộc ở Sơn Tây hòa nhập vào cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám 1945. 
 
Trung tâm huyện Sơn Tây hôm nay.   ẢNH: BÙI THANH TRUNG
Trung tâm huyện Sơn Tây hôm nay. ẢNH: BÙI THANH TRUNG
 
Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng cho biết: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sơn Tây là vùng căn cứ địa cách mạng của tỉnh và của Khu 5. Ngày 19.8.1959, tại thôn Tà Ngàm xã Sơn Lập, đơn vị vũ trang đại đội 89 được thành lập trở thành lực lượng nòng cốt, hỗ trợ công tác tuyên truyền vũ trang và phong trào đấu tranh của quần chúng trên địa bàn huyện Sơn Tây.
 
Đảng bộ huyện đã hướng dẫn nhân dân tẩy chay cuộc bầu cử của địch; đồng thời phối hợp với quân và dân Trà Bồng sử dụng chông, thò, bẫy đá, giáo mác, cung tên, đánh trả quyết liệt các mũi tiến quân của địch. Ngày 5.9.1959, địch từ huyện lỵ Sơn Hà kéo lên cùng với quân đồn trú tại chỗ càn quét, nhân dân thực hiện “Vườn không nhà trống” chiến đấu trên tất cả các ngả đường. Lực lượng đơn vị 89 và du kích các xã bao vây tấn công địch ở đồn Huy Măng và Bãi Màu, cắt đường tiếp tế lương thực. Nhân dân nổi tù và, trống, mõ uy hiếp, địch hoảng hốt tháo chạy về huyện lỵ Sơn Hà, huyện Sơn Tây hoàn toàn giải phóng.
 
Từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Sơn Tây tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng. Đường 559 từ Bắc vào Nam đi qua địa bàn Sơn Tây khoảng 20km, được nhân dân góp công xây dựng, bảo vệ, tham gia đưa cán bộ, bộ đội, vũ khí, lương thực từ Bắc vào Nam kháng chiến. Với cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, huyện Sơn Tây đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Trong thời gian đến, Đảng bộ huyện Sơn Tây tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đổi mới, sáng tạo để phát triển; huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao dân trí, giảm nghèo bền vững; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2030 thoát nghèo bền vững”.
 
Bí thư Huyện ủy Sơn Tây LÊ VĂN TÙNG
Đổi thay hôm nay
 
Về thăm lại vùng đất Khu 7 xưa vào những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi nhận thấy những đổi thay vượt bậc của xứ sở “ngàn cau”. Ngang qua trung tâm huyện lỵ Sơn Hà là đến cầu Sông Rin nối hai huyện Sơn Hà- Sơn Tây. Mùa này nước sông Rin hiền hòa, êm ả chảy về xuôi. Bên cạnh cây cầu cũ là chiếc cầu Sông Rin mới và cầu Nước Rạc đang được đầu tư xây dựng, với tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng nhằm thay thế cây cầu Sông Rin cũ nhỏ hẹp, thường xuyên bị ngập nước gây cô lập, chia cắt huyện Sơn Tây với Sơn Hà và đồng bằng vào mùa mưa lũ.
 
Hơn 20 năm công tác tại huyện miền núi Sơn Tây, Chánh Văn phòng huyện Sơn Tây Tôn Thanh Hải thấu hiểu những gian nan, khổ cực của đội ngũ cán bộ huyện Sơn Tây từ những ngày đầu tách ra từ huyện Sơn Hà (1994). “Thời ấy, đường đi từ đồng bằng lên trung tâm huyện Sơn Tây cực kỳ gian nan, phải trèo đèo, lội suối. Đời sống của đại bộ phận nhân dân còn kham khổ; tập quán sản xuất còn lạc hậu, nên thiếu đói liên miên, nhất là vào mùa giáp hạt. Tỷ lệ người dân mù chữ rất cao; cơ sở vật chất chưa có gì đáng kể...”, ông Tôn Thanh Hải chia sẻ.
 
Tuy nhiên, với truyền thống cách mạng và sự cần cù, vượt khó, cùng với sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Đảng và Nhà nước, đến hôm nay huyện miền núi Sơn Tây đã vươn mình đi lên, gặt hái được nhiều thành tựu rất đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực, hòa nhập cùng hành trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. 
 
Cơ sở vật chất, trường lớp học ở huyện Sơn Tây được đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Cơ sở vật chất, trường lớp học ở huyện Sơn Tây được đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
 
Đến nay, tổng giá trị sản xuất toàn huyện Sơn Tây đạt 817,7 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 7,1%/năm. Trong đó, giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản đạt 152,8 tỷ đồng, tăng 2,3%/năm; công nghiệp - xây dựng đạt 514,9 tỷ đồng tăng 7,4%/năm và dịch vụ đạt 150 tỷ đồng, tăng 12,1%/năm. Giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2020 đạt 59,2 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện đã và đang chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản (chiếm 20,1%), tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (61,4%) và dịch vụ (18,5%).
 
Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng cho hay: Để đạt được thành tựu nổi bật như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, nỗ lực vượt qua bao khó khăn, gian khổ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sơn Tây. 
 
Cùng với tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, huyện còn chú trọng đầu tư từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện. Đến nay, 9/9 xã của huyện có đường ô tô đi lại thông suốt và được nhựa hoá, cứng hoá đến trung tâm xã. Đường huyện được nhựa hoá, cứng hoá 61,69% (75,4/122,23km); đường xã và đường thôn, đường vào các khu dân cư, khu sản xuất đã nhựa hoá, cứng hoá 53,5% (100,37/187,62km).
 
Ngoài ra, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện tập trung đầu tư các công trình thủy lợi, điện thắp sáng, nước sinh hoạt; đầu tư hạ tầng y tế, giáo dục... để phục vụ nhân dân. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong huyện không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 5,48%, hiện nay còn khoảng 43% hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020.
 
Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
 
 
 
 
 

.