Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

08:05, 09/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là CBCC cấp xã) trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển cả số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, chất lượng CBCC cấp xã còn chưa đồng đều, một bộ phận chưa đáp ứng được nhiệm vụ của công việc, yêu cầu của sự đổi mới và hội nhập.
Chuyển biến tích cực
 
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, số lượng CBCC cấp xã theo quy định là 3.892 người, đang thực hiện là 3.890 người; trong đó, có 1.842 cán bộ (47,4%), nữ: 375 người (20,4%), dân tộc thiểu số: 538 người (29,2%). Về trình độ học vấn, THPT: 1.827 người (99,1%), THCS: 14 người (0,8%), tiểu học: 1 người (0,1%). Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sau đại học: 43 người (2,3%), đại học: 1.210 người (65,7%), cao đẳng: 21 người (1,1%), trung cấp: 476 người (25,8%); sơ cấp: 16 người (0,9%), chưa qua đào tạo: 76 người (4,1%). Trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp: 105 người (5,7%), trung cấp: 1.616 người (87,7%), sơ cấp: 82 người (4,5%)  và chưa qua đào tạo: 39 người (2,1%). 
 
Lãnh đạo xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) thông tin về tình hình cán bộ, công chức của địa phương với giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh.  Ảnh: PV
Lãnh đạo xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) thông tin về tình hình cán bộ, công chức của địa phương với giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: PV
 
Các số liệu trên cho thấy, trình độ, năng lực của đội ngũ CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao so với những năm trước. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của một số CBCC cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CBCC còn chưa thường xuyên...
 
Trên thực tế, CBCC cấp xã có tuổi đời dưới 30 tuổi là 77 người (4,2%), đây là lực lượng trẻ có thể tiếp tục đào tạo để tạo nguồn cán bộ. Còn số CBCC trong độ tuổi từ 30 - 40 tuổi (37%) có ưu điểm về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và hiểu biết phong phú ở nhiều lĩnh vực. Tỷ lệ CBCC là nữ so với tổng số cán bộ cấp xã còn rất thấp; phần lớn tỷ lệ nữ được phân bổ ở các chức danh công chức. CBCC cấp xã là nam khoảng 1.467 người (79,6%)...
 
Bên cạnh đó, số lượng CBCC cấp xã là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá thấp, với 538 người (29,2%). Trong những năm qua, việc đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, đào tạo cán bộ theo địa bàn cũng được Tỉnh ủy, các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm để nguồn nhân lực ở cấp xã phát triển một cách bền vững.
 
Những giải pháp nâng cao chất lượng CBCC cấp xã
 
Để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, thiết nghĩ cần thực hiện những nội dung sau:
 
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy các cấp về vai trò của đội ngũ CBCC cấp xã và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã. Đặc biệt, người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ CBCC cấp xã trong việc triển khai, hướng dẫn và vận động nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết của Đảng đề ra.
 
Hai là, tuyển chọn, bổ nhiệm, bố trí cán bộ công khai, minh bạch, đúng tiêu chuẩn, quy trình và có cơ cấu hợp lý, đạt các tiêu chí về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án đào tạo, tuyển chọn, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn của tỉnh.
 
Ba là, nâng cao tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị đối với đội ngũ CBCC cấp xã. Phấn đấu đến năm 2025, CBCC cấp xã thuộc các huyện đồng bằng có trình độ đào tạo từ đại học trở lên; các huyện miền núi, hải đảo có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên; cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên...
 
Bốn là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực, trình độ cho đội ngũ CBCC cấp xã. Xây dựng chương trình của tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng CBCC và học tập ngoại ngữ; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau.
 
Năm là, làm tốt công tác đánh giá, phê chuẩn, bầu mới, luân chuyển cán bộ, có trình độ, năng lực về cơ sở. Tăng cường công tác cán bộ cho chính quyền cơ sở, thực hiện việc luân chuyển cán bộ cấp huyện có năng lực về xã, nhất là đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.
 
Sáu là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật. Việc đánh giá CBCC phải đảm bảo nội dung, quy trình theo quy định, công khai, dân chủ, minh bạch, các tiêu chí đánh giá phải cụ thể, rõ ràng đối với từng chức danh cán bộ. Xử lý nghiêm CBCC có vi phạm, có biểu hiện sa sút về phẩm chất, chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.
 
CHÂU NGUYỄN TRÀ MY
(Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi)
 
 

.