Thắm tình đoàn kết Việt – Lào (kỳ 1)

10:09, 05/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khi nói về mối quan hệ nghĩa tình giữa hai Đảng, hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã nhấn mạnh, đó là "mối quan hệ đặc biệt". Người nói: "Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long". Lịch sử đã khắc ghi dấu mốc quan trọng, ngày 5.9.1962, Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 18.7.1977, hai nước chính thức ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Từ trong lịch sử cho đến nay, giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào đều gắn kết bền chặt, cùng đồng cam cộng khổ, son sắt thủy chung.
TIN LIÊN QUAN
 

Kỳ 1: Tiếp tục vun đắp tình đoàn kết

Từ trong lịch sử đấu tranh cách mạng, tỉnh Quảng Ngãi đã có sự gắn kết đặc biệt với nước bạn Lào. Ngày 19.8.1948, tại  Gò Chùa, thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), đơn vị liên quân Việt – Lào đã làm lễ xuất quân. Nay di tích Khu lưu niệm Lễ xuất quân tình nguyện Việt – Lào vẫn còn đó, là "địa chỉ đỏ" để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt - Lào.

Để góp phần vun đắp tình đoàn kết đặc biệt Việt  -  Lào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayson Phomvihan đã dày công xây dựng, tỉnh Quảng Ngãi đã ký kết ghi nhớ hợp tác với một số tỉnh của nước bạn Lào. Hơn 11 năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, để lại tình cảm sâu đậm trong lòng nhân dân Lào.

Giúp bạn đào tạo nguồn nhân lực   

Trong những năm qua, nhiều con em ở nước bạn Lào sang học tập tại Quảng Ngãi trên cơ sở chương trình hợp tác đã được ký kết. Sinh viên Lào xem Quảng Ngãi như là quê hương thứ hai của mình, bởi các em luôn được quan tâm chu đáo từ việc học cho đến ăn, ở...

 

 Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng Nguyễn Đăng Vũ trao chứng nhận tốt nghiệp khóa học tiếng Việt cho sinh viên Lào.
Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng Nguyễn Đăng Vũ trao chứng nhận tốt nghiệp khóa học tiếng Việt cho sinh viên Lào.
Trường Đại học Phạm Văn Đồng được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào trước khi vào học các chuyên ngành tại nhà trường và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Năm nào cũng vậy, tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, tết Bunpimay của dân tộc Lào đều diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi. Sinh viên Lào có cảm giác như được đón Tết truyền thống ngay trên đất nước mình. Em Vonggamnath Lothchana, sinh viên năm 3 ngành Sư phạm Vật lý, Trường Đại học Phạm Văn Đồng (quê tỉnh Champasak, Lào) phấn khởi cho hay: "Năm nào em cũng tham gia đón tết Bunpimay do nhà trường tổ chức. Em rất vui khi được học tập trong ngôi trường với sự quan tâm giúp đỡ của  thầy cô, bạn bè như thể người thân. Nhờ đó mà em luôn đạt thành tích học tập xuất sắc".

Em Chansouvanh Keopasith cũng đến từ tỉnh Champasak (sinh viên năm 3 ngành Sư phạm Tin học, Trường Đại học Phạm Văn Đồng) vẫn nhớ như in ngày đầu đến Quảng Ngãi. "Cảm giác lạ lẫm, mới mẻ của những ngày đầu đã nhanh chóng xua tan. Thay vào đó là cảm xúc thân thuộc, gắn bó với mái trường, con người nơi đây. Thầy cô, bạn bè luôn đồng hành cùng em trong cuộc sống và học tập, giúp em trưởng thành”, Chansouvanh Keopasith tâm tình. Chansouvanh Keopasith không chỉ nói tiếng Việt lưu loát, mà còn dạy cho sinh viên quê Quảng Ngãi nói tiếng Lào, từ đó cùng nhau tìm hiểu về văn hóa, con người của hai dân tộc và giúp nhau trong học tập được thuận lợi. “Nhân dịp kỷ niệm 11 năm hợp tác giáo dục giữa Quảng Ngãi và các tỉnh nước Lào vừa qua, em cùng các bạn trong Câu lạc bộ Olympic tiếng Anh của trường làm clip bằng 3 thứ tiếng (Anh, Việt, Lào) giới thiệu về Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Qua đó thể hiện tình cảm sâu sắc của chúng em đối với Quảng Ngãi nói chung và Trường Đại học Phạm Văn Đồng nói riêng", Chansouvanh Keopasith chia sẻ.
Các du học sinh Lào được tuyên dương về thành tích học tập và rèn luyện tốt ở ngày tết Bunpimay do Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức tháng 4 vừa qua.
Các du học sinh Lào được tuyên dương về thành tích học tập và rèn luyện tốt ở ngày tết Bunpimay do Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức tháng 4 vừa qua.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng Trần Thị Mai Đào cho biết: Lúc đầu trường đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Champasak, sau đó mở rộng đào tạo cho các tỉnh Sekong, Sanvannakhet, Attapue (Lào). Theo đó, số lượng sinh viên Lào học tại trường hằng năm đều tăng. Các em học 1 năm tiếng Việt tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, sau đó tùy theo nguyện vọng đăng ký ngành học, sẽ phân bổ các em đến các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh như: Đại học Tài chính – Kế toán, Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm...

"Việc gìn giữ và phát huy truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào là trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Bởi vậy, chúng tôi luôn khuyến khích các em sinh viên Lào cùng tham gia học tập, các hoạt động văn hóa, văn nghệ với sinh viên Việt Nam. Từ đó, tình cảm giữa sinh viên Lào và sinh viên Việt Nam càng thêm gần gũi, bền chặt như tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc vốn được gầy dựng từ bao đời nay".

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng TRẦN THỊ MAI ĐÀO

Đảm bảo chất lượng đào tạo

Từ năm 2008 đến nay, Trường Đại học Phạm Văn Đồng giảng dạy tiếng Việt cho 338 lưu học sinh Lào; đào tạo chuyên ngành, cấp bằng tốt nghiệp cho 54 sinh viên. Trường hiện đang đào tạo chuyên ngành cho 48 sinh viên. Mới đây, trường tổ chức bế giảng và trao chứng nhận tốt nghiệp khóa học tiếng Việt cho 113 sinh viên Lào và bàn giao 59 sinh viên cho Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm để đào tạo chuyên môn các ngành y, dược.

Em Vongzalazith Khapsathanh, đến từ tỉnh Attapeu, phấn khởi chia sẻ: "Em rất vui khi nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi. Sắp tới, em theo học ngành công nghệ thông tin tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Em sẽ cố gắng học tập tốt để trở về xây dựng quê hương”.
 Trường Đại học Phạm Văn Đồng luôn tạo điều kiện cho sinh viên Lào tham gia học tập và rèn luyện ngoại khóa cùng sinh viên Việt Nam.
Trường Đại học Phạm Văn Đồng luôn tạo điều kiện cho sinh viên Lào tham gia học tập và rèn luyện ngoại khóa cùng sinh viên Việt Nam.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh bạn ở Lào, Trường Đại học Phạm Văn Đồng thường xuyên cử giảng viên sang Lào để học tập bổ trợ cho việc giảng dạy. Chị Huỳnh Thị Ngọc Kiều (giảng viên Khoa Sư phạm – Xã hội, Trường Đại học Phạm Văn Đồng) là giảng viên giảng dạy môn tiếng Việt cho du học sinh Lào cho biết: “Được sang Lào học tập bổ trợ, khi trở về trực tiếp dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào, đối với tôi đó là niềm vinh dự. Nhờ thông thạo ngôn ngữ và phong tục tập quán ở nước bạn, nên việc giảng dạy đạt hiệu quả. Đây là đóng góp thiết thực để góp phần gìn giữ và phát huy mối quan hệ truyền thống gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt - Lào ”.

Bà Trần Thị Mai Đào cho biết: Theo kế hoạch hợp tác giữa tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương của Lào trong năm 2018, tỉnh ta tiếp tục cung cấp học bổng đào tạo gồm 1 năm học tiếng Việt và 4 năm học đại học chuyên ngành. Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên Lào trong học tập và rèn luyện. Ý thức được trách nhiệm cũng như xuất phát từ tình cảm sâu sắc của thầy và trò trong nhà trường, các sinh viên Lào học tập rất tốt. Nhiều em tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và đạt nhiều giải thưởng.

Hầu hết sinh viên đều tốt nghiệp loại khá, giỏi. "Việc gìn giữ và phát huy truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào là trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Bởi vậy, chúng tôi luôn khuyến khích các em sinh viên Lào cùng tham gia học tập, các hoạt động văn hóa, văn nghệ cùng với sinh viên Việt Nam. Từ đó, tình cảm giữa sinh viên Lào và sinh viên Việt Nam càng thêm gần gũi, bền chặt như tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc vốn được gầy dựng từ bao đời nay", bà Đào nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
----------------
Kỳ cuối: Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững...


  

                                                                                           
 

.