Kỷ niệm 101 năm Ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2012):
Chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng

08:06, 05/06/2012
.

Ngày 5-6-1911, cách đây 101 năm, tại Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc), với ý chí mãnh liệt và lòng yêu nước sâu sắc đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, năm 1920, sinh hoạt trong Đảng Xã hội Pháp, Người đã được đọc Luận cương của V. I. Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc đã tin và quyết chí đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười do Lênin và Đảng Bôn sêvích Nga lãnh đạo. Tại Đại hội Tua (đại hội của Đảng Xã hội Pháp), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu ủng hộ Quốc tế Cộng sản và trở thành người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc nhận ra rằng, muốn cách mạng thắng lợi phải có Đảng vững mạnh để tập hợp, tổ chức, lãnh đạo nhân dân; Đảng phải có lý luận tiền phong là chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng; cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những người có "tư cách người cách mạng" nguyện chiến đấu, xả thân vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
 
 

Cách đây 101 năm, tại Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước.
Cách đây 101 năm, tại Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước.


Sinh thời, Bác Hồ là tấm gương đạo đức sáng ngời, suốt đời tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, luôn nêu cao danh hiệu đảng viên, suốt đời hy sinh phấn đấu cho công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Với lòng yêu nước, thương dân vô hạn, Bác đã bất chấp mọi hiểm nguy, gian nan, khổ cực quyết chí tìm con đường cứu nước, cứu dân; dày công xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất "trung với nước, hiếu với dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước từ Chủ tịch nước đến người phục vụ đều phải là công bộc của dân, phải tận tụy phục vụ nhân dân, việc gì hại cho dân phải hết sức tránh, việc gì lợi cho dân phải hết sức làm.

Một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng là Người chăm lo rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo Bác, đạo đức là gốc của người cách mạng. Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là suốt đời phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chân thành khuyên bảo cán bộ, đảng viên trong việc trau dồi đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trước hết, cán bộ, đảng viên không được nói trái, làm trái nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vì đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương cho quần chúng. Mọi cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng. Người cho rằng, việc rèn luyện đạo đức của người cán bộ cách mạng như "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong", vì đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống mà do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà có. Việc bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng phải gắn liền chống chủ nghĩa cá nhân vì chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội và đạo đức cách mạng. Nhưng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân mà phải chăm lo đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của từng người cán bộ, đảng viên. Người chỉ phê phán những cán bộ, đảng viên đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của nhân dân, của đất nước, "chỉ chăm lo cho mình béo mà mặc thiên hạ gầy". Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta là đạo đức, là văn minh, muốn Đảng trong sạch, vững mạnh thì mỗi đảng viên, cán bộ của Đảng phải là tấm gương về đạo đức cách mạng.

Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng và phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đó là các bước phát triển mới về nhận thức và chỉ đạo của Đảng trong việc thấm nhuần và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cốt làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới. Thực hiện Nghị quyết hội nghị TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", một yêu cầu lớn mà TƯ Đảng đề ra là gắn liền xây dựng, chỉnh đốn Đảng với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm túc chỉ thị và kế hoạch của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tạo chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng.

Trước hết là đổi mới giáo dục lý luận chính trị và công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên để chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng cách mạng và đạo đức tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống và những bài học xây dựng, chỉnh đốn Đảng thấm sâu vào trong nhận thức của đông đảo cán bộ, đảng viên. Từ những nhận thức mới đó mà từng đảng viên tự tu dưỡng, tự giác tự phê bình và phê bình để góp phần tích cực ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và chống tự suy thoái.

Năm 2012 và các năm tiếp theo, thực hiện Nghị quyết hội nghị TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng cần gắn với làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà nội dung quan trọng là làm tốt công tác tự phê bình và phê bình của cá nhân, người đứng đầu và tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng. Các cấp ủy cần thật sự coi trọng kiểm điểm về tư cách đảng viên, về những điều đảng viên không được làm và việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Cần công khai những vụ, việc, cá nhân vi phạm kỷ luật Đảng và những tổ chức, cá nhân làm trái nghị quyết của Đảng, làm sai pháp luật của Nhà nước như tham nhũng, mất đoàn kết, lợi ích nhóm… làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân và quốc gia. Theo đó, các cấp ủy Đảng cần có các biện pháp phân công đảng viên tham gia các hoạt động cụ thể để phát huy tính tiên phong, gương mẫu; nói đi đôi với làm; tăng cường sự đối thoại, tiếp xúc giữa cán bộ lãnh đạo ở các cấp với nhân dân để khắc phục tệ quan liêu, tăng chức năng cho ngành kiểm tra và vai trò của nhân dân trong việc giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên, nhất là chống suy thoái đạo đức và tham nhũng, lãng phí.

Theo HNMO

 


.