Vì sự hài lòng của người dân

16:10, 02/04/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được thành lập từ năm 2015, đến nay Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh và hệ thống chi nhánh cấp huyện đã giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai theo quy trình thống nhất, đồng bộ và ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, người dân.  

Khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả

Theo thống kê, số lượng hồ sơ, TTHC thuộc lĩnh vực đất đai được Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh tiếp nhận và giải quyết từ năm 2015 đến nay rất lớn. Năm 2015 tiếp nhận, giải quyết 49 nghìn hồ sơ, đến 2023 con số này là trên 165 nghìn hồ sơ (tăng bình quân 15 nghìn hồ sơ mỗi năm). Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh và hệ thống chi nhánh cấp huyện luôn nỗ lực khắc phục những khó khăn, tồn tại nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, đảm bảo hồ sơ được giải quyết đúng quy trình và tiến độ. Nhờ đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn và trước hẹn tăng dần qua các năm, từ 93,6% vào năm 2021 lên gần 96% vào năm 2023.

Không có kho lưu trữ nên tại Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện 
Tư Nghĩa, hồ sơ phải xếp dọc hai bên hành lang.
Không có kho lưu trữ nên tại Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Tư Nghĩa, hồ sơ phải xếp dọc hai bên hành lang.

Phó Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Trần Trung Cường cho biết, ngoài niêm yết đầy đủ, rõ ràng và kịp thời các danh mục TTHC, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh chỉ đạo các chi nhánh cấp huyện phân công cán bộ, công chức (CB, CC) có năng lực chuyên môn, nắm đầy đủ quy định thủ tục và kiểm tra kỹ hồ sơ trước khi tiếp nhận và lúc trả kết quả. Việc kiểm soát TTHC được phân định rõ người, rõ việc ở từng bộ phận, nên quy trình giải quyết đơn giản và nhanh gọn hơn, góp phần mang lại sự hài lòng cho người dân.

Hiện nay, đã có 95/173 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, gồm: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Minh Long, Trà Bồng, Ba Tơ, Lý Sơn và TP.Quảng Ngãi đã hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đang vận hành bằng phần mềm VBDLIS. Điều này giúp Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh và hệ thống chi nhánh cấp huyện tiết kiệm nhân lực cũng như thời gian kiểm kê, đánh giá, xác minh thông tin, biến động đất đai. Qua đó rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Ông Nguyễn Khánh, ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) cho biết, khi nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, cán bộ tiếp nhận kiểm tra rất kỹ, sau đó ghi ra những loại giấy tờ còn thiếu, nên tôi chỉ bổ sung một lần. Khi hồ sơ đầy đủ các thủ tục thì thời gian giải quyết rất nhanh, bưu điện chuyển kết quả về đến nhà trước hẹn 1 ngày.

Còn nhiều khó khăn

Phó Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Trần Trung Cường cho biết, các TTHC về đất đai, nhất là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là một trong số TTHC phức tạp, cần thực hiện nhiều bước kiểm tra và xác minh theo quy định. Trong khi đó, số lượng hồ sơ TTHC về đất đai rất lớn, như năm 2023 có trên 165 nghìn hồ sơ, nên CB, CC và người lao động làm việc tại Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh và hệ thống chi nhánh đối diện nhiều khó khăn và áp lực. Để đảm bảo tiến độ và thời gian giải quyết các thủ tục kịp thời, chính xác, hầu hết các chi nhánh đều tổ chức làm việc ngoài giờ, kể cả thứ 7 và Chủ nhật.

Trụ sở được bố trí tạm, nên cán bộ, công chức, người lao động của Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Bình Sơn làm việc trong điều kiện chật hẹp, chưa đảm bảo.
Trụ sở được bố trí tạm, nên cán bộ, công chức, người lao động của Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Bình Sơn làm việc trong điều kiện chật hẹp, chưa đảm bảo.

Khó khăn nhất hiện nay là cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực tại hệ thống chi nhánh cấp huyện vừa thiếu vừa yếu. Hiện có 8 văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh cấp huyện chưa có trụ sở làm việc riêng. Riêng Văn phòng ĐKĐĐ Chi nhánh huyện Bình Sơn, trụ sở làm việc được bố trí tạm tại 2 điểm là Thư viện huyện và trụ sở cũ của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Sơn. Cả 2 điểm làm việc đều chật hẹp, lại thiếu trang thiết bị, nên CB, CC, người lao động làm việc tại đây khá vất vả. Văn phòng ĐKĐĐ Chi nhánh huyện Tư Nghĩa cũng xuống cấp, không có kho lưu trữ nên hồ sơ được xếp dọc hành lang, thậm chí bao bọc xung quanh khu vực làm việc của CB, CC và người lao động nên không đảm bảo quy định cũng như an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn 78/173 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng và TX.Đức Phổ chưa xây dựng cơ sở dữ liệu dạng số, nên phần lớn hồ sơ địa chính được biên tập trên giấy, qua nhiều năm sử dụng đã mờ, nhàu nát... Do đó, việc sử dụng bản đồ giấy, cũ để đăng ký, cấp giấy chứng nhận; cập nhật, chỉnh lý gặp rất nhiều khó khăn, vừa tốn thời gian và nhân lực, dẫn đến công tác giải quyết TTHC đăng ký biến động dễ xảy ra tình trạng chậm, muộn, thậm chí nhầm lẫn, sai sót.

Để nâng cao hoạt động của hệ thống, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh kiến nghị Sở TN&MT tham mưu tỉnh quan tâm bố trí kinh phí, địa điểm xây dựng trụ sở làm việc đối với 8 văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh cấp huyện. Đồng thời, tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tại 78 xã, phường, thị trấn ở TX.Đức Phổ và các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng. Qua đó cập nhật và triển khai kết nối, chia sẻ 100% cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở và giao dịch bất động sản.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 16:10, 02/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.