An toàn cho người lao động

11:08, 28/03/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh năm 2024, với chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Thông qua kế hoạch nhằm tăng cường sự chỉ đạo, quản lý, thực hiện của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp (DN) và người sử dụng lao động về ATVSLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, nên đã dành nhiều sự quan tâm đến việc cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội và ATVSLĐ cho công nhân, người lao động. Tuy nhiên, theo thống kê của cơ quan chức năng, hằng năm, trên địa bàn cả nước xảy ra hàng nghìn vụ tai nạn lao động, làm chết và bị thương hàng nghìn người. Nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, khi lao động chính không còn. Trên địa bàn Quảng Ngãi, năm 2023 cũng xảy ra hàng trăm vụ tai nạn lao động, với 187 người bị nạn, trong đó có 15 người chết và 52 người bị thương nặng.

Qua khảo sát thực tiễn, người lao động phải chịu áp lực về cường độ, thời gian làm việc rất lớn, đặc biệt là các DN làm việc theo dây chuyền. Tai nạn lao động để lại những di chứng rất lớn cho người lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe, thu nhập và tình hình kinh tế của từng gia đình. Tai nạn lao động tập trung chủ yếu vào những ngành nghề và lĩnh vực lao động giản đơn như trong ngành xây dựng, vận hành máy và thiết bị sản xuất. Các sự cố dẫn đến tai nạn lao động chủ yếu là do điện giật, ngã cao, va đập, do vật rơi và đổ sập...

Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn lao động là do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân; chưa được huấn luyện và xem nhẹ công tác ATVSLĐ... Vì vậy, để đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động, các DN phải xây dựng quy trình, biện pháp làm việc sao cho phù hợp; người lao động phải có kiến thức và thực hiện nghiêm nội quy, quy trình, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Có như vậy mới hạn chế được số vụ do tai nạn lao động gây ra.

Thiết nghĩ, Luật ATVSLĐ đã quy định rõ về quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn cơ sở trong công tác này. Vì vậy, công đoàn cơ sở phải có trách nhiệm tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc. Đồng thời, đại diện cho người lao động thương lượng, ký kết và giám sát điều khoản về ATVSLĐ trong thỏa ước lao động tập thể; đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động khi bị xâm phạm.

Trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 (tháng 5), các công đoàn cơ sở cần phối hợp với DN phát động, hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động như kiểm tra, huấn luyện, khám sức khỏe; tổ chức hội thi tìm hiểu về an toàn lao động; tuyên truyền, vận động các chủ sử dụng lao động quan tâm, dành nhiều nguồn lực hơn đối với công tác bảo đảm an toàn cho người lao động. Xem đây là khoản đầu tư chính đáng, không phải là gánh nặng cho DN. Có như vậy, người lao động mới được bảo vệ, được làm việc trong môi trường an toàn hơn.

THANH HẢI

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 11:08, 28/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.