[Emagazine]. Hướng đến nông nghiệp sinh thái

14:59, 07/01/2024
.
 
 
 

 

 

Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 là doanh nghiệp (DN) tiên phong của tỉnh áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao, theo phương pháp của Israel để trồng chuối Nam Mỹ và dưa lưới. Nhờ vậy, sản phẩm do công ty sản xuất đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, được nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước hợp tác tiêu thụ, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Năm 2023, công ty được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp giấy xác nhận mã số vùng trồng xuất khẩu. Đây là DN đầu tiên trong tỉnh có “giấy thông hành” đưa chuối Nam Mỹ xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch.

 
Nhiều mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, miền núi. Ảnh: Điểm sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp ở xã Long Sơn (Minh Long).
Nhiều mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, miền núi. Ảnh: Điểm sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp ở xã Long Sơn (Minh Long).

Đại diện Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 cho biết, thị trường nước ngoài kiểm duyệt đầu vào rất khắt khe, nhất là vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vùng trồng phải được kiểm tra và được cấp mã số vùng trồng lần đầu trước thời điểm thu hoạch theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Ngoài ra, quá trình sản xuất, công ty kiểm soát chặt chẽ vi sinh vật gây hại gắn với giám sát vùng trồng, đảm bảo sản phẩm đúng tiêu chuẩn chất lượng của đối tác. Sắp đến, công ty sẽ triển khai liên kết, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân để vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, vừa tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Năm 2023 cũng đánh dấu bước tiến trong liên kết giữa DN với hợp tác xã (HTX) và nông dân qua việc thực hiện 137 cánh đồng lớn (gần 2.290ha) trong sản xuất lúa và rau màu, doanh thu đạt từ 100- 290 triệu đồng/ha/năm. Triển khai sản xuất 80ha lúa (sản lượng 800 tấn/năm), gần 15ha rau (gần 600 tấn/năm) và hơn 91ha cây ăn quả (gần 1.900 tấn/năm) được cấp chứng nhận VietGAP. Ngành nông nghiệp cùng với DN xây dựng 40 chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng và chuyên canh, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Điểm nhấn trong lĩnh vực nông nghiệp là hình thành vùng sản xuất tập trung
 gắn với cấp mã số vùng trồng.  Trong ảnh: Vùng sản xuất ớt tập trung ở xã Bình Dương (Bình Sơn).
Điểm nhấn trong lĩnh vực nông nghiệp là hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng. Trong ảnh: Vùng sản xuất ớt tập trung ở xã Bình Dương (Bình Sơn).

Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, ở xã Đức Phú (Mộ Đức) cho biết, 4 sào đất lúa phụ thuộc vào nước hồ chứa nên vụ hè thu, tôi chuyển sang trồng bắp sinh khối, bán cho Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi. Từ năm 2021 đến nay, đầu ra và giá bắp sinh khối ổn định, gia đình có thu nhập khá.

Không chỉ bà Hồng, mà hơn 6.000 hộ dân ở các địa phương trong tỉnh, tập trung ở các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Bình Sơn, TX.Đức Phổ đã trồng hơn 600ha bắp sinh khối, trong đó có nhiều diện tích được chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả. Dự kiến năm 2024, Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi cần trên 28 nghìn tấn bắp sinh khối để chế biến thức ăn cho bò, nên diện tích trồng bắp sẽ tăng thêm 100ha, giúp người dân yên tâm sản xuất.

 

Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng lĩnh vực sản xuất nông - lâm - thủy sản vẫn còn một số tồn tại. Nhất là liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa DN, HTX và người dân thiếu ổn định, chưa bền vững. Cơ sở hạ tầng cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền bị hư hỏng, xuống cấp dẫn đến công tác quản lý, khai thác và sử dụng khó khăn. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 105 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 67,6% kế hoạch của tỉnh và gần 71% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài ra, nhiều xã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 không duy trì chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, trong đó huyện Mộ Đức có 10 xã và huyện Bình Sơn có 18 xã bị tụt tiêu chí.

Chế biến nông lâm sản và thủy sản ngày càng khởi sắc. Trong ảnh: Hoạt động sơ chế,

chế biến muối tại Công ty TNHH Muối Phong Phú, xã Đức Chánh (Mộ Đức) góp phần gia tăng giá trị muối Sa Huỳnh.
Chế biến nông lâm sản và thủy sản ngày càng khởi sắc. Trong ảnh: Hoạt động sơ chế, chế biến muối tại Công ty TNHH Muối Phong Phú, xã Đức Chánh (Mộ Đức) góp phần gia tăng giá trị muối Sa Huỳnh.

Để khắc phục những tồn tại trên, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các sở, ngành và địa phương tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế từng địa phương. Đổi mới các mô hình, tổ chức liên kết chuỗi sản xuất- kinh doanh trong nông nghiệp giữa người sản xuất với DN, HTX. Xây dựng vùng sản xuất an toàn gắn với cấp mã số vùng trồng, phát triển nhóm sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương gắn với chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 166 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao, xây dựng được 12 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi.

Nhiều nông sản, đặc sản của tỉnh trở thành sản phẩm OCOP 4 sao, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.
Nhiều nông sản, đặc sản của tỉnh trở thành sản phẩm OCOP 4 sao, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.
 

Năm 2023, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp ước gần 18,8 nghìn tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch năm, tăng 3,8% so với năm 2022. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đóng góp trên 9.400 tỷ đồng, tăng 5,1%;  thủy sản hơn 7.200 tỷ đồng, tăng 3%.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tập trung xây dựng, hình thành và nhân rộng các vùng sản xuất trọng điểm, ứng dụng công nghệ và bảo đảm an toàn với dịch bệnh. Triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN, HTX cùng với nông dân liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2030, đảm bảo tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt từ 3,5 - 4%/năm.

Nội dung: MỸ HOA

Trình bày: Q.DUYÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:59, 07/01/2024