Đong đầy hai tiếng quê hương

03:09, 07/09/2021
.

(Baoquangngai.vn)- Trong khoảng 3 tuần, Chương trình "Trụ lại Sài Gòn" đã huy động được khoảng 1 tỷ đồng tiền mặt, 12 tấn gạo, cùng nhiều thực phẩm, nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ cho những hoàn cảnh nghèo khó đang mắc kẹt lại Sài Gòn. Đây là tấm lòng của những người luôn nghĩ về "chút tình quê hương". Họ là những nhà giáo, nhà báo, nhà văn, những người yêu thích việc làm thiện nguyện...

[links()]

Cách đây không lâu, truy cập mạng xã hội, nhà giáo Nguyễn Tấn Đức (65 tuổi), Chủ nhiệm CLB “Về với quê mình Quảng Ngãi”, một người con của quê hương Quảng Ngãi đã đọc được những dòng cảm xúc đầy xúc động của nhà văn Trần Nhã Thụy, quê huyện Mộ Đức viết về hình ảnh từng đoàn người đi xe gắn máy, đèo nhau tìm cách rời Sài Gòn giữa những ngày dịch bệnh bùng phát mạnh để trở về quê. Đọng lại trong từng câu chữ của nhà văn là những gia đình trẻ “về không được, ở cũng chẳng xong” khi không còn nơi ở tạm, phòng trọ đã trả, đồ đạc đã dọn đi, khiến nhiều người xúc động.

Từ những dòng chia sẻ…

Nghĩ đến đồng hương Quảng Ngãi, thầy Đức gọi ngay cho nhà văn Trần Nhã Thụy và nhà báo Hàng Chức Nguyên (một cây bút kỳ cựu của Báo Tuổi trẻ). Cả ba là đồng hương Quảng Ngãi, đồng lòng thực hiện một chương trình hướng về những người mà Sài Gòn trong họ chỉ có thanh xuân và buổi đầu lập nghiệp chật vật thì gặp phải đại dịch. Đó là những sinh viên, công nhân, người lao động trẻ tuổi, những cặp vợ chồng nuôi con nhỏ đang mắc kẹt giữa Sài Gòn. 

Hình ảnh chương trình
Tranh của họa sĩ Trần Trung Lĩnh vẽ tặng chương trình.

“Số tiền huy động được so với người Sài Gòn chẳng là bao, như hạt muối bỏ biển, nhưng những hạt muối này có vị mặn, góp cùng biển lớn để người nghèo khó luôn đứng vững trước đại dịch. Của một lượng, công cũng vơi đầy một lượng, tiền ủng hộ đến rồi nhanh chóng trao đi đúng đối tượng. Cả người ủng hộ, người đi trao, người nhận đều bắt chung một tần số là hai tiếng quê hương Quảng Ngãi và những nhịp cầu yêu thương”.

Nhà giáo Nguyễn Tấn Đức chia sẻ.

Rất nhanh chóng, một nhóm thiện nguyện khoảng hơn 10 người được hình thành, quyết định lấy tên gọi là nhóm "Trụ lại Sài Gòn". Cái tên chứa đựng tất cả yêu thương dành cho Sài Gòn và những đồng hương còn ở lại giữa những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất. 

Mới đây, chương trình còn có sự ủng hộ rất lớn từ những tấm lòng thiện nguyện ở quê nhà gửi vào. Điển hình là Nhóm “FQng Quảng Ngãi” ủng hộ 45 triệu đồng; Công ty Phát Đạt ủng hộ 200 triệu đồng; một gia đình họ Đoàn ở Quảng Ngãi gửi vào 1.000 thùng mì tôm... và còn rất nhiều tấm lòng đáng trân quý khác đến từ các mạnh thường quân, các hội nhóm trong cả nước, kiều bào xa xôi. Cứ vậy, chỉ trong khoảng 3 tuần, nhóm đã huy động được khoảng 1 tỷ đồng tiền mặt, 12 tấn gạo, cùng nhiều thực phẩm, nhu yếu phẩm khác. Liên tiếp sau đó là những tấm lòng hướng về chương trình. Đặc biệt, chỉ sau 3 ngày phát động, nhóm những người bạn ở tỉnh Hải Dương đã vận động và gửi vào tài khoản chương trình hơn 100 triệu đồng, mang đến sự phấn khởi rất lớn cho cả nhóm. 

Niềm vui của những người mẹ trẻ gửi lại chương trình khi có tiền mua sữa cho con.
Niềm vui của người mẹ trẻ khi có tiền mua sữa cho con. Ảnh được các gia đình chụp và gửi lại chương trình.
 
Nhịp cầu thầm lặng
 
Mỗi tấm lòng là một nhịp cầu. “Trụ lại Sài Gòn” còn có rất nhiều những nhịp cầu thầm lặng cùng ráp nối nên một chiếc cầu để người nghèo khó bước qua. Chị Trần Thị Thùy Trang (43 tuổi), quê ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), thành viên của CLB “Về với quê mình Quảng Ngãi” là một trong số đó.
 
Nhiệt huyết và năng động, tên của chị được nhắc đến nhiều trong các hoạt động từ thiện hướng đến người Quảng Ngãi ở Sài Gòn. Chưa kịp “xả hơi” khi vừa điều phối xong khoảng 1 tỷ đồng tiền quà của các nơi gửi về cho CLB, chị đã đồng hành cùng chương trình “Trụ lại Sài Gòn” và trở thành một "mắc xích" quan trọng của nhóm.
 
Trong suốt nhiều tuần liên tiếp, chị cùng với nhóm điều phối kết nối với các đội vận chuyển như Đội hỗ trợ và tiếp viện COVID PNF (Pickup and Friend), Nhóm bạn doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tình nguyện viên ở địa phương, những người có giấy thông hành, đã tiêm vắc xin để ngược xuôi nhận vật phẩm và tiền hỗ trợ. Sau đó, chị cùng mọi người huy động đóng gói, chia quà, tìm kiếm những nguồn tin về các khu trọ, nơi có nhiều người Quảng Ngãi cần hỗ trợ, rồi tức tốc lên đường. 
Chị Võ Thị Tiểu My, 23 tuổi, quê ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) có 2 con nhỏ, một cháu 5 tháng tuổi và một cháu 20 tháng tuổi, vào Sài Gòn lập nghiệp đã nhiều năm. Chồng chị là trụ cột kinh tế chính của gia đình. Từ khi dịch bệnh xuất hiện, anh thất nghiệp, kinh tế càng khó khăn hơn. Nhiều tuần liền bé lớn phải ăn mì tôm, bé nhỏ uống sữa hộp của mạnh thường quân hỗ trợ nhưng cũng đã hết. “Hôm nhận được tiền và gạo hỗ trợ của đồng hương, hai vợ chồng mừng vui, xúc động lắm! Từ những phần quà mà nhóm "Trụ lại Sài Gòn" hỗ trợ, em có thể mua bỉm, sữa thêm cho các con. Mình đói không sao, chứ con còn nhỏ mà đói thì xót cả ruột gan. Đã nhiều đêm liền bọn trẻ cứ khóc thâu đêm, giờ thì đến con trẻ cũng mừng vui”, chị My bộc bạch.

Đến nay, nhóm đã trao, chuyển khoản cho hơn 1.000 trường hợp (mỗi suất 500 nghìn đồng) cùng gần 2.000 suất quà là gạo và các nhu yếu phẩm khác. Những con hẻm F0 (có nơi có 300 hộ dân thì 300 hộ đều nhiễm bệnh) ghi dấu bàn chân chị và các tình nguyện viên bước qua. 

"Những phần quà trị giá 500 nghìn đồng, nhiều người mẹ trẻ có thể mua được gạo, bỉm, sữa cho con. Nhiều người còn mang về chia lại cho các hộ dân khác mỗi người 100 nghìn. Điều làm tôi ám ảnh nhất là cái cúi đầu cảm ơn của các cụ già lớn tuổi khi nhóm đến trao quà, làm ai cũng cũng vừa ray rứt, vừa ái ngại. Những trường hợp này, cá nhân có bao nhiêu tiền, tôi và mọi người đều móc ra trao thêm", chị Trang kể lại khi chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn cùng cực trong mùa dịch này.
 
Những phần quà được trao đến nơi cho đồng hương Quảng Ngãi.
Những phần quà được trao đến tận nơi cho các hoàn cảnh nghèo khó. Ảnh: Nhóm "Trụ lại Sài Gòn".
 
Từ đầu, chương trình còn nhận được tấm lòng của rất nhiều nhà báo, những người mà ở thời điểm này, họ là lực lượng của tuyến đầu chống dịch. Thế nhưng, họ vẫn sắp xếp để đồng hành. Như thầy Đức đã nhấn mạnh, nếu không có cầu nối của họ, chương trình đã chẳng nhận sự góp sức lớn đến vậy. Có người vài triệu, có người vận động đến vài tấn gạo và hàng chục triệu đồng, mỗi người một ít góp thành “hủ gạo lớn” để tiếp sức cho đồng hương.
 
Nhà báo Nguyễn Trần Tâm (42 tuổi), quê ở xã Đức Phú (Mộ Đức) dành nhiều tâm sức cho "Trụ lại Sài Gòn". Hôm đang trò chuyện với tôi, anh cho hay bản thân có đóng góp 1 tấn gạo và có huy động thêm một số người trong các hội, nhóm khác ủng hộ được vài chục triệu đồng để ủng hộ chương trình. Ấy vậy mà sau cuộc gọi vài phút, anh vui mừng đến quýnh quáng, báo tin mình đã kết nối thêm 4 tấn gạo.
 
"Thời gian qua, bằng sức của mình, gia đình tôi cũng đóng góp rất nhiều cho các chương trình thiện nguyện trong đợt dịch Covid-19 và những người tha hương nghèo khó ở nơi mình sinh sống. Thế nhưng, với "Trụ lại Sài Gòn", tôi vẫn có một tình cảm đặc biệt, cứ thôi thúc mình phải lăn xả hết thời gian, hết sức có thể để giúp bà con. Ở chương trình "Trụ lại Sài Gòn" có những đồng hương nghèo khó, nghĩa tình quê hương luôn đợi mình góp sức", anh Tâm bày tỏ.
 
Nhóm
Các thành viên trong nhóm tiếp sức cho người dân ở "vùng đỏ" dịch Covid-19. Ảnh: Nhóm "Trụ lại Sài Gòn".
 
Chương trình “Trụ lại Sài Gòn” hiện vẫn đang tiếp tục tiếp sức cho nhiều người đồng hương khốn khó ở Sài Gòn trong thời gian “ai ở đâu, ở yên đó”, không chỉ dành cho người Quảng Ngãi, mà mở rộng ra đồng hương ở nhiều nơi. Giữa những lúc khốn khổ nhất ở nơi đất khách quê người, có nhiều người cùng dang rộng vòng tay để san sẻ yêu thương, đó cũng là một động lực để người nghèo khó vững tin bước qua đại dịch. Dịch bệnh rồi sẽ qua, tình người và nghĩa đồng hương vẫn luôn đong đầy.
 
THIÊN HẬU

.