Nghĩa tình khó phai

03:08, 10/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những ngày bị phong tỏa do dịch Covid-19, dẫu cuộc sống và sinh hoạt gặp muôn vàn khó khăn, song người dân xã Phổ Châu và phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) vẫn cảm thấy ấm lòng, vì đã nhận được những tình cảm yêu thương, sẻ chia của nhiều người...
[links()]
Từ chiếc xe “A.Củ”...
 
Vừa đến trước trụ sở Công an phường Phổ Thạnh, tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng phanh xe rít dài kèm giọng nói lớn “nốt chuyến đèo Bình Đê rồi nghỉ trưa”. Chưa kịp nhìn lại, chiếc xe ba gác mang ký hiệu “0976.981.748 A.Củ” đã chạy thẳng vào trong sân. Bác tài dáng người nhỏ nhắn, bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi liền nhảy phóc xuống mở nắp ca-bô, rồi nhanh tay phụ bốc vác nước suối, sữa và bánh lên xe. Xe đầy hàng, bác tài buộc dây cẩn thận, rồi lại nhảy lên xe, nổ máy chạy thẳng hướng vào đèo Bình Đê. Lúc này đã là 11 giờ trưa, Sa Huỳnh nắng như đổ lửa. Chiếc xe lao nhanh, đến mức Bí thư Đảng ủy phường Phổ Thạnh Nguyễn Thịnh bực mình lẩm bẩm: “Chiều nay giao xe cho đoàn thanh niên, để A.Củ nghỉ bữa lấy sức”. Theo lời ông Thịnh, chủ chiếc xe ba gác “0976.981.748 A.Củ” ấy là anh Nguyễn Ngọc Trai, tổ dân phố Tân Diêm, nhưng người dân phường Phổ Thạnh thường gọi thân mật là A.Củ. 
Chiếc xe ba gác của anh Nguyễn Ngọc Trai đã được giao cho Đoàn thanh niên sử dụng để vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cung cấp cho người dân.  Ảnh: Mỹ Hoa
Chiếc xe ba gác của anh Nguyễn Ngọc Trai đã được giao cho Đoàn thanh niên sử dụng để vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cung cấp cho người dân. Ảnh: Mỹ Hoa
Từ hôm dịch Covid-19 bùng phát tại phường Phổ Thạnh, anh Trai cùng với chiếc xe ba gác của mình hoạt động cả ngày lẫn đêm. Không chỉ liên tục trung chuyển hàng hóa, vật phẩm hỗ trợ từ chốt kiểm soát dịch Covid-19 vào sân UBND phường Phổ Thạnh, mà mỗi ngày anh còn chuyển hàng trăm phần quà là nhu yếu phẩm, rau củ quả cần trao đến tận cổng nhà dân khu vực phong tỏa. Phường Phổ Thạnh rộng, dân cư đông nên để nhanh chóng, kịp thời chuyển và phát hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân, anh Trai cùng vợ rong ruổi từ sáng sớm đến tận đêm khuya. “Dịch dã, ai cũng khổ. Mình cũng khổ nhưng nhiều người mắc bệnh còn khổ hơn. Mình may mắn khỏe mạnh, không có của thì giúp công, để mọi người cùng đỡ vất vả”, anh Trai bộc bạch.
 
Ba ngày sau khi phường Phổ Thạnh bị phong tỏa, rất nhiều vật phẩm, hàng hóa và nhu yếu phẩm được người dân các địa phương ủng hộ, hoặc người thân gửi vào. Tuy nhiên, đoạn đường vận chuyển từ chốt kiểm soát dịch Covid-19 vào UBND phường Phổ Thạnh gần 3km, nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao nhận. Trong khi chính quyền địa phương đang tính toán các phương án để giải phóng hàng hóa nhanh nhất và an toàn nhất, thì anh Trai đề nghị được sử dụng xe ba gác của mình để vận chuyển và giao hàng miễn phí cho người dân. “Tấm lòng của vợ chồng anh Trai không gì đong đếm được. Dù chạy xe ba gác chở hàng là nguồn thu nhập chính của gia đình anh, nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng anh xung phong chở hàng miễn phí bất kể ngày đêm. Thậm chí, nhiều lúc đang ăn cơm, nhưng có người gọi nhờ là anh vội nổ xe đi ngay vì sợ nắng nóng, thực phẩm để ngoài chốt dễ hư hỏng”, Bí thư Đảng ủy phường Phổ Thạnh Nguyễn Thịnh cho biết.  
 
Từ chiếc xe ba gác “0976.981.748 A.Củ”, đến nay phường Phổ Thạnh có “Đội xe yêu thương” gồm 3 chiếc. Riêng chiếc xe A.Củ đã được anh giao hẳn cho Đoàn thanh niên phường Phổ Thạnh trưng dụng để chuyên chở hàng hóa kịp thời, nhanh chóng đến với người dân nơi phong tỏa, hoặc lực lượng làm việc tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại đèo Bình Đê.
“Những nghĩa cử cao đẹp của anh Nguyễn Ngọc Trai và 40 tình nguyện viên ở xã Phổ Châu hay các tổ Covid-19 cộng đồng đã cho thấy vai trò quan trọng của sức dân và lòng dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Điều này cũng cho thấy sức mạnh của tình đoàn kết, sự ấm áp của tình người giữa lúc khó khăn và hoạn nạn. Đây chính là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX.Đức Phổ chống dịch Covid-19 thành công”.
 
Bí thư Thị ủy Đức Phổ NGUYỄN KIÊN
... đến “80 cánh tay nối dài”
 
Khác với thời gian đầu phong tỏa, những ngày cuối tháng 7, cuộc sống và tinh thần của người dân xã Phổ Châu đã ổn định hơn. Việc hạn chế ra ngoài dường như đã trở thành thói quen của người dân sau hơn 30 ngày địa phương thực hiện lệnh giãn cách. “Cần gì thì ghi ra giấy, gửi tình nguyện viên mua giúp. Mua xong thì các cháu mang đến cổng, rồi gọi mình ra lấy. Vậy cho an toàn”, bà Nguyễn Thị Thúy, 50 tuổi ở thôn Châu Me bày tỏ. Vừa nói, bà Thúy vừa chỉ vào túi hàng đặt ngay ngắn một bên cổng, bảo “chưa kịp gửi chai nước thì thằng Truyền đã sang nhà kia rồi”.
 
Nhìn sang nhà đối diện, chợt thấy một chiếc xe máy treo lủng lẳng các loại túi lớn túi nhỏ. Shipper Nguyễn Thanh Truyền vừa khệ nệ xách hàng, vừa nói lớn “thịt heo đã về tới cổng rồi cô Hương”, tạt qua nhà kế bên thì hô to “ông Ba đói chưa, có mớ cá với rau đây”... Đáp lời những shipper dí dỏm ấy là những bước chân hối hả đến trước cổng để kịp nói lời cảm ơn, hoặc “đứng yên đó, để ông đưa chai nước mát”. Bà Thúy bảo, kể từ khi bị phong tỏa (ngày 26/6/2021 - PV) đến nay, không chỉ người dân thôn Châu Me, mà cả xã Phổ Châu đều đã quen với hình ảnh, giọng nói tếu táo đáng yêu của các shipper đặc biệt như thế.

 

Nhờ những
Nhờ những "chiếc xe yêu thương", mà hàng hóa, nhu yếu phẩm được vận chuyển kịp thời, đảm bảo chất lượng đến tay người dân vùng phong tỏa. ẢNH: Mỹ Hoa
Nhớ lại những ngày đầu xã Phổ Châu bị phong tỏa, người dân lo lắng vì không thể ra ngoài mua nhu yếu phẩm. Càng hoang mang hơn khi ngày 28/6, trụ sở UBND xã cũng trở thành nơi cách ly tập trung bất đắc dĩ đối với 32 lãnh đạo và cán bộ, nhân viên. Giữa lúc chính quyền và người dân cùng ngổn ngang những lo toan thì 40 tình nguyện viên, phần lớn là những chàng trai và cô gái trẻ của đoàn thanh niên, dân quân tự vệ của xã lập tức xung phong đảm nhận việc tập kết và trung chuyển hàng hóa, đi chợ và giao hàng miễn phí giúp dân; trông nom, dọn dẹp nhà cửa hộ những gia đình đi cách ly tập trung hoặc thu hoạch, tiêu thụ và bảo quản dưa hấu, lúa... “Nhà có xe ô tô nên mình xung phong vận chuyển thực phẩm từ chốt kiểm soát vào điểm tập kết của xã, hoặc đưa đón lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn xã. Lúc rảnh thì mình giao hàng giúp dân. Mỗi người giúp nhau một việc, để dịch bệnh sớm được đẩy lùi”, anh Nguyễn Thanh Truyền, một trong 40 tình nguyện viên ở xã Phổ Châu, cho hay.   
Lực lượng tình nguyện viên xã Phổ Châu giúp dân phơi lúa.                            Ảnh: Mỹ Hoa
Lực lượng tình nguyện viên xã Phổ Châu giúp dân phơi lúa. Ảnh: Mỹ Hoa
Đại dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống người dân phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu bỗng chốc đảo lộn, khó khăn bủa vây. Nhưng cũng chính trong lúc này, người dân thấy tình làng nghĩa xóm thiêng liêng và quý giá. Ngoài anh Trai và chiếc ba gác mang hiệu A.Củ, hay “80 cánh tay nối dài” của chính quyền xã Phổ Châu thì trên địa bàn TX.Đức Phổ có hàng nghìn tình nguyện viên với các độ tuổi, ngành nghề khác nhau đã góp sức chống dịch bằng những việc làm cụ thể.
 
Những người lớn tuổi thì nhiệt tình tuyên truyền, vận động người dân tích cực đi lấy mẫu xét nghiệm và chấp hành quy định 5K. Các bạn trẻ thì đi chợ hộ, giao hàng miễn phí hoặc trực tiếp thu hoạch, tiếp sức hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp dân... “Trong thời gian dịch bệnh, dù biết ra ngoài tiếp xúc nhiều người sẽ rất nguy hiểm, nhưng tình nguyện viên đã không ngại hiểm nguy, xung kích giúp đỡ và mang yêu thương đến mọi người. Tôi cảm ơn các tình nguyện viên và gia đình họ đã hết lòng với công việc thiện nguyện này”, Chủ tịch UBND xã Phổ Châu Huỳnh Văn Quang trải lòng.
 
MỸ HOA
 

.