Xốn xang... mía đường

08:03, 27/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi từ lâu được mệnh danh là xứ mía đường. Trong mùa thu hoạch, làng quê thơm lừng hương mía. Nhưng rồi năng suất mía không cải thiện được, sự cạnh tranh gay gắt về giá cả của đường ngoại nhập, nên các nhà máy trong tỉnh lần hồi ngưng hoạt động. Nhiều hộ dân bao đời sống bằng nghề trồng mía đành chuyển đổi cây trồng mà lòng xốn xang...
[links()]
1. Tuổi thơ tôi gắn bó với làng quê. Cứ sau tết Nguyên đán, ba mẹ tôi cùng với người làng ngày ngày bận rộn làm chòi, dựng che. Rồi sau đó là những ngày trần lưng đốn mía. Những cây mía tím vỏ mềm, mía bê-on vỏ cứng được người dân đốn chặt, róc sạch rồi đem bó lại thành bó, chuyển lên xe đạp thồ về. 
Thu hoạch mía ở huyện Ba Tơ.      ẢNH: CẨM THƯ
Thu hoạch mía ở huyện Ba Tơ. ẢNH: CẨM THƯ
Rồi cũng từ đó, những lò đường thủ công nổi lửa suốt ngày đêm. Người lạ vào làng, chỉ cần nhìn nơi nào có cột khói bốc cao là biết nơi ấy có lò nấu đường. Người dân thu hoạch mía cây và chuyển lá mía khô về làm chất đốt cho chòi mía bên cạnh bã mía. Chính vì thế, trong tháng ba, mùi hương thơm mía đường ngọt lịm theo gió nồm bay xa.  
 
Người dân làng tôi, cứ đến phiên nhà ai đốn mía, nấu đường, thì trâu, bò nhà ấy gò lưng kéo ông che đạp mía. Nhà không có trâu bò, thì chòm xóm đưa trâu bò của mình đến hỗ trợ. Những con trâu, con bò ngày ngày nai lưng kéo cày, bừa, giờ đi lòng vòng kéo những ông che. Nước mía ép từ những ông che, được thợ nấu đường dùng sào dài phía đầu có gắn trái bầu khô, múc đổ ra chảo để thắng đường.
 
Nước mía nấu qua vài chảo thành nước chè hai ngọt mà thanh. Còn đường non được múc ra những cái tô chờ cho nguội thì kết dính đem ăn với bánh tráng thành món ngon, nên người đi xa nhớ quê, nhớ mùa mía chín, “nhớ tộ đường non”. Người quê quen rồi chuyện hào phóng, cứ mặc nhà ai đạp mía, nhưng mang tô đến thế nào cũng có đường non đem về. Còn đường già thì đổ vào muỗng sành cho rút mật đem bán ở chợ hoặc cho lò nấu rượu làm bánh. Đường Quảng Ngãi theo những chuyến tàu biển ra Bắc hoặc theo đường bộ đem bán tận Huế, Đà Nẵng. Mùa thu hoạch mía cũng là mùa cánh thợ đi kéo lưới bắt chim mía. Chim mía đem hơ lửa, vặt trụi lông, mổ bụng rửa sạch cho hạt đậu phụng, mắm, tiêu, ớt nướng trên lửa than hồng thơm phưng phức, xưa là đặc sản của xứ Quảng.
 
2. Rồi sau thời khoán hộ, mía đường lên hương. Những chòi mía thủ công ngày nào bị dẹp bỏ, giống mía tím, mía bê-on ngày nào được thay bằng giống mía ROC có năng suất và hàm lượng đường cao hơn.
 
Ở Quảng Ngãi, ngoài Nhà máy Đường Quảng Phú còn xây dựng thêm Nhà máy Đường Phổ Phong. Còn ở hai tỉnh lân cận là Quảng Nam và Bình Định cũng thi nhau xây dựng nhà máy đường.  
 
Thuở ấy, tại xứ Quảng, về các miền quê, đâu đâu cũng có đồng mía xanh tươi kéo dài tít tắp. Không chỉ vùng đồng bằng, cây mía còn được trồng trên huyện miền núi Sơn Hà, Ba Tơ.
 
Hằng năm vào tháng Chạp, nhà máy đường vào vụ ép mía, chế biến đường. Tại trạm thu mua mía các huyện, người đứng chật trong, chật ngoài chờ lĩnh phiếu đốn mía. Ba mẹ tôi lại cùng với người làng, quanh năm chăm bón mía, giờ lại vần đổi công đốn mía chất đầy bên vệ đường, chờ xe nhà máy đến chuyển đi.
 
Do nhiều tỉnh xây dựng nhà máy, trong khi vùng nguyên liệu chưa bắt kịp, nên đến mùa thu hoạch mía xảy ra cảnh giành giật nguyên liệu giữa nhà máy đường trong tỉnh với tỉnh bạn. Bên cạnh đó, còn có sự cạnh tranh giữa cây mía, cây mì mà có người đã cường điệu lên thành “cuộc chiến mía, mì”. Hai nhà máy đường ở Quảng Ngãi khi ấy, đã khởi động chương trình hỗ trợ người trồng mía bằng cách cho nông dân mượn giống, phân bón để trồng mía rồi thu hồi vốn qua ba năm. Thậm chí, một số tuyến đường xe chở mía đi qua làm hư hỏng cũng được nhà máy hỗ trợ sửa chữa.
 
Cũng do thiếu nguyên liệu, nên một số nhà máy đường ngoài tỉnh đến Quảng Ngãi thu mua mía cao hơn dẫn đến có những nông dân “bội ước” đem mía mà nhà máy đầu tư bán luôn cho nhà máy tỉnh bạn. Thế nên mới có cảnh oái ăm là nhà máy đi kiện nông dân!
 
Trồng mía đạt hiệu quả, nên mùa nối mùa, trên bàn tiệc, nơi lễ cưới, hay chuyện trà dư, tửu hậu chuyện cây mía được bàn râm ran. Nhạc sĩ Lê Điền Sơn, công tác ở Công ty CP Đường Quảng Ngãi, sáng tác bài “Hát về cây mía quê em” có lời ca thật tha thiết “Đồng mía năm xưa nuôi quân kháng chiến/ Đồng mía bây giờ nuôi cả quê hương”.  
 
3. Rồi cái thời hưng thịnh đi qua. Đất đai quê nhà manh mún, việc áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như những nỗ lực của nhà máy đường trong việc hỗ trợ vốn, phân bón cho người trồng mía cũng không cải thiện được nhiều về năng suất mía. Do vậy, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã tìm được vùng nguyên liệu mới ở các tỉnh Tây Nguyên, nên quyết định chuyển Nhà máy Đường Quảng Phú lên An Khê (Gia Lai). 
 
Khi nhà máy di chuyển thiết bị lên An Khê,  người Quảng Ngãi “ tâm tư” lắm. Người dân lo ngại việc xóa nhà máy thì ảnh hưởng đến việc trồng mía của mình. Rồi đến mùa thu hoạch, tuy không ồn ào như trước, nhưng trên dọc Quốc lộ 1, trên đường liên huyện vẫn thấy xe chở mía về Nhà máy Đường Phổ Phong.   
Xe của Nhà máy Đường An Khê vận chuyển mía ở xã Ba Tô (Ba Tơ).  ẢNH: CẨM THƯ
Xe của Nhà máy Đường An Khê vận chuyển mía ở xã Ba Tô (Ba Tơ). ẢNH: CẨM THƯ
Cây mía những năm đó thu hẹp chứ chưa đến hồi cáo chung. Nhưng rồi, những năm gần đây, khi năng suất mía vẫn giẫm chân tại chỗ, trong khi đó, giá đường sản xuất trong nước bị cạnh tranh gay gắt với đường ngoại nhập, nên Nhà máy Đường Phổ Phong không thể nào cải thiện giá thu mua.
 
4. Và một khi giá một tấn mía thấp hơn giá một tấn gỗ keo, thì người nông dân trồng mía chỉ nhận được về sự thua lỗ. Do vậy, đến niên vụ ép mía 2020- 2021, Công ty CP Đường Quảng Ngãi quyết định dừng việc chế biến đường ở Nhà máy Đường Phổ Phong, chuyển nguyên liệu lên Nhà máy Đường An Khê để chế biến. Thông tin này quả làm xốn xang những người nông dân từ bao đời “ăn chịu” với nghề trồng mía.
 
Mới đây, lên huyện miền núi Ba Tơ, tôi gặp nhiều hộ đồng bào dân tộc thu hoạch mía để bán cho Nhà máy Đường An Khê. Hỏi chuyện, họ bảo giá mía không tăng và Nhà máy Đường Phổ Phong không còn nữa, nên phải tính toán chuyện chuyển đổi cây trồng. Nhưng cái khó là trước đây huyện chủ trương những ruộng thiếu nước tưới chuyển đổi sang trồng cây mía. Giờ làm ngược lại sẽ đối mặt với cảnh thiếu nước tưới thì biết làm sao? 
 
Trong khi người trồng mía đang loay hoay về việc chuyển đổi, thì huyện Ba Tơ đang tính toán chuyển diện tích đất trồng mía nguyên là ruộng lúa một vụ sang trồng bắp sinh khối bán cho Nhà máy Sữa Vinamilk. Còn đất mía trên gò đồi, thì chuyển sang trồng cây ăn trái. Nhưng đó là chuyện ở thì tương lai...
 
Chuyện nhà máy thiếu nguyên liệu thì không thể tồn tại. Giá thu mua mía quá thấp, nên người dân phải bỏ mía để trồng cây khác là chuyện bình thường của cơ chế thị trường. Nhưng nói đi thì phải nói lại, người Quảng Ngãi bao đời sống với cây mía, xa rời cây mía ai mà chẳng xốn xang...               
 
CẨM THƯ
 
 
 
 
 

.