Đến trường mùa núi lở

08:11, 14/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những cơn mưa rừng nặng hạt hắt thẳng vào mặt cay xè mắt, những con đường bị tắc nghẽn do lở núi, những cây cầu bị lũ cuốn hay những quả đồi "treo" lơ lửng bên đường khiến cho hành trình "cõng chữ lên non" của nhiều thầy, cô giáo ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi thêm bội phần khó nhọc, hiểm nguy. Gian nan, nhọc nhằn là vậy, nhưng không ai từ bỏ mà luôn tìm đường bước lên phía trước, nơi học sinh thân yêu đang ngóng chờ.
[links()]
"Chạy! Bỏ xe đó chạy đi, núi sắp sạt rồi!". Lời cô giáo Mai Anh vang lên giữa rừng sâu xã Trà Tây (Trà Bồng) giục đồng nghiệp tháo chạy trước nguy cơ sạt lở núi được một giáo viên ghi lại đăng lên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Những đồng nghiệp, những người thân đã gửi lời động viên họ giữ an toàn trên đường đến trường...
 
Phép thử của lòng kiên nhẫn
 
Trời vừa tạnh mưa, các cô giáo dạy tại điểm trường lẻ thuộc Trường Tiểu học Trà Tây (xã Trà Tây, huyện Trà Bồng) rời quán nước ven đường hành quân về trường. Con đường đất từ ngã ba đường Di Lăng - Trà Trung dẫn vào thôn Nước Biếc, thôn Tre, ngày thường đã khó đi, vào mùa mưa càng trở nên khó khăn gấp bội. Con đường vốn không bằng phẳng, lại có những con dốc gập ghềnh, giờ lại thêm những hố nước sâu hoắm do mưa rừng chảy xiết gây xói lở... 
Đường đến trường của các thầy, cô giáo miền núi đầy hiểm nguy khi vây quanh là những điểm sạt lở núi.
Đường đến trường của các thầy, cô giáo miền núi đầy hiểm nguy khi vây quanh là những điểm sạt lở núi.
Đi tiếp 100m, con đường đất quen thuộc giờ trở nên khác lạ khi những ụ đất lấp hết nền đường. Những chiếc xe máy từng rú ga, gầm rít giữa núi rừng khi qua những con dốc hư hỏng cũng đành “chào thua” vì đất sạt lở quá lớn. Không còn cách nào khác, các giáo viên đành quay ngược xe lại tiệm tạp hóa ven đường để gửi xe, rồi cuốc bộ vào trường.
 
Sau nhiều đợt mưa liên tiếp, ngọn núi ngay đầu cầu sông Tang với hàng nghìn mét khối đất đá đổ xuống chắn ngang. Nền đường được thay thế bằng bùn đất nhão, đất đá và nước từ trên đỉnh núi vẫn không thôi đổ xuống; trời vẫn không ngớt mưa. Nhiều thầy cô giáo thử tìm cách vượt qua bằng cách bỏ xe để đi bộ, nhưng rồi chỉ đi được vài bước thì đành quay lại, vì bùn lún quá đầu gối.
 
Để đến trường kịp giờ dạy, không để học trò chờ, trời vừa tạnh mưa và nhờ được người khiêng xe máy qua điểm sạt lở, các thầy cô lại tiếp tục di chuyển. Vượt qua cầu Sông Tang, đường về các trường ở trung tâm xã Trà Xinh “dễ thở” hơn, dù dọc đường có những điểm sạt lở.
 
Nhưng với những thầy, cô giáo công tác tại các điểm trường lẻ, thì thử thách vẫn còn ở phía trước. Con đường từ trung tâm xã Trà Xinh về thôn Trà Ôi khoảng 12km, nhưng chỉ có 3km được bê tông, còn lại là đường mòn. Nền đường trơn trượt, dốc dựng đứng quanh co, dọc đường lác đác chỉ có vài nhà dân, còn lại là rừng già thăm thẳm. Để vào đến trường, với các giáo viên chẳng khác nào là phép thử cho lòng kiên nhẫn. 
Xe của một giáo viên Trường Tiểu học Trà Tây bỏ lại giữa đường vì sạt lở núi.
Xe của một giáo viên Trường Tiểu học Trà Tây bỏ lại giữa đường vì sạt lở núi.
Cô Lê Thị Tâm, giáo viên Trường Tiểu học Trà Xinh dạy tại điểm lẻ Trà Ôi, kể: Cách đây mấy năm, trong lúc vào trường khi xe vừa qua một con dốc thì nghe tiếng đổ ầm ầm phía sau lưng, đất đá bịt kín con đường. Cả người run lên bần bật. Có hôm, sau buổi dạy cuối tuần, từ trường về xã trời mưa lớn, đường quá trơn nên khi xuống dốc, thắng xe không tài nào dừng lại được. Hai chân phải rà xuống đường để xe không ngã. Vậy mà, cuối cùng cả người và xe ngã dúi dụi, cả thân ê ẩm vì xe đập, va phải đá, rồi khi đỡ xe đứng lên thì không nổi nên chỉ biết ngồi khóc giữa đường chờ có ai đi qua đỡ giúp. Nhưng đường rừng chẳng mấy người qua, bóng tối ập đến, nỗi sợ càng lớn hơn. Một mình cứ thế đánh vật với chiếc xe khá lâu mới về được đến điểm trường chính và rồi không ai nhận ra mình được nữa, vì người và xe lấm lem bùn đất.
 
“Mấy năm trước tụi em phải nhờ phụ huynh ra khiêng xe qua các đoạn sạt lở, bùn lầy. Còn giờ nếu đi không được thì xác định bỏ xe ở nhà người dân dọc đường rồi đi bộ. Những đoạn đường bị hư thì từ từ “bò” qua. Còn những đoạn có sạt lở thì dù mệt cỡ nào cũng phải chạy thật nhanh. Vừa chạy, vừa trông chừng đề phòng núi lở, nên chuyện té ngã gây thương tích là bình thường. Khó khăn vậy, nhưng mình quyết không bỏ cuộc”, cô Tâm bộc bạch.
 
Mong bình an để đến với học trò
 
Câu chuyện sạt lở núi làm chết người ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị trong những ngày mưa bão càng làm cho nhiều giáo viên đang công tác tại các huyện miền núi thêm âu lo. Bởi ở vùng núi Trà Bồng, người dân và các giáo viên đã từng khóc cạn nước mắt khi đồng nghiệp bị núi lở vùi lấp. Trên hành trình mang tri thức đến vùng cao, nhiều giáo viên ở đây biết bao lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần, khi lũ dữ ùa về đúng lúc qua ngầm tràn, qua suối. 
Thầy Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Trà Phong từng 2 lần bị lũ cuốn trôi nhưng may mắn thoát chết.
Thầy Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Trà Phong từng 2 lần bị lũ cuốn trôi nhưng may mắn thoát chết.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Trà Phong Nguyễn Trí Dũng bảo: Hơn 30 năm công tác ở vùng núi Tây Trà, tôi chứng kiến rất nhiều câu chuyện buồn của các thầy, cô giáo cắm bản. Từng phải đội mưa cắt rừng đi giải cứu đồng nghiệp đang mắc kẹt giữa núi do sạt lở, mưa rừng...
 
“Tôi từng dạy học ở Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Khê và giờ là Trà Phong. Những nơi đi qua đã rèn giũa mình trưởng thành hơn, cùng với bản lĩnh để vượt qua khó khăn. Nhưng thiên tai nơi miền ngược khó bề tránh được, ngay bản thân tôi một lần bị lũ cuốn trôi trên sông Trà Ích và một lần trên sông Cà Tinh. May mắn là cả hai lần tôi đều thoát chết. Có lẽ nhờ kinh nghiệm nhiều năm công tác miền ngược và một chút may mắn nên tôi mới còn sống đến hôm nay. Giáo viên công tác vùng cao vào mùa mưa, bão rất khó khăn và nguy hiểm”, thầy Dũng trải lòng.
 
Nhiều giáo viên bảo rằng, đi mãi rồi thành quen, nên đường trơn trượt thế nào cũng vượt qua được. Nhưng lo nhất là trên hành trình vào điểm trường lẻ, tứ phía núi rừng, không may xe bị thủng xăm, chết máy hoặc nguy hiểm hơn nữa là lũ ống, sạt lở núi. Cô giáo Lê Thị Hiệp, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Tinh (Sơn Tây) cho hay: Trước khi chính thức nhận công tác, cũng đã ngồi nghe các anh chị giáo viên đi trước kể chuyện, cũng đã nhờ người nhà “đèo” lên trường vài lần để làm quen đường sá, nhưng bước vào mùa mưa mới thực sự là thử thách. Đường không còn là đường, vì mưa rừng xói lở, đất núi sạt tứ bề.
 
“Lúc trước ba chở đi là vào mùa khô, còn giờ một mình một xe chạy trong mưa, những đoạn đường về trường sạt lở hai bên. Những ngày đầu đi không quen ngã xe liên tục. Có lúc đến trường rồi mà nước mắt vẫn còn rơi, vừa sợ vừa run và đau do lúc ngã xe chỉ có một mình giữa đường. Các em học sinh thấy cô khóc không hiểu chuyện gì, còn mình thì như muốn bỏ cuộc. Nhưng nhìn các em ngồi ngay ngắn trong lớp, vòng tay chào cô thì cảm giác đau đớn dần tan đi. Mình lại cố bám trụ với trường, với các em”, giọng cô Hiệp như lạc đi giữa cơn mưa rừng ngày càng nặng hạt.r
Chuyện buồn 12 năm trước
 
Khoảng 12 giờ trưa ngày 27.11.2008, trên tuyến Tỉnh lộ 622 qua thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, xảy ra một vụ lở núi nghiêm trọng làm 3 người đi đường gặp nạn. Sau khi tai nạn xảy ra, người dân và chính quyền địa phương lao vào đào bới đống bùn đất tìm kiếm. Hai người được cứu sống, người còn lại mấy ngày sau mới tìm thấy. Cả ba người gặp nạn là những giáo viên công tác tại xã Trà Lãnh. Trong đó, hai người may mắn được cứu sống là thầy Trần Hoàng Nhũ và cô Lê Na. Người tử vong là cô giáo Huỳnh Thị Kim Yến (vợ thầy Nhũ).
 
LÊ ĐỨC
 
 
 
 
 
 

.