Ông Hoàng Danh - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh:
Phấn đấu để Hội Sinh vật cảnh trở thành hội đặc thù

05:04, 30/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi (1994 - 2014), phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Danh - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh về quá trình hình thành và phát triển của Hội.

*PV: Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Ông có thể cho biết trong quá trình hình thành và phát triển Hội đã đạt được những thành tựu gì?

*Ông Hoàng Danh: Hội Sinh vật cảnh tỉnh là một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Hội là thành viên của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, thành viên của Mặt trận TQVN tỉnh và là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh.

Trong 20 năm qua Hội đã góp phần vào việc gắn kết, cổ vũ những người yêu thích nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ sinh vật cảnh, tạo thành một phong trào vừa vui chơi lành mạnh, vừa phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển xã hội cân bằng bền vững.

Hệ thống tổ chức Hội từ cơ sở đến tỉnh có bước phát triển mới. Phong trào sinh vật cảnh tỉnh nhà chuyển biến về chất và hoạt động trên diện rộng, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Phong trào sinh vật cảnh cũng đã đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng nếp sống tốt đẹp ở cơ sở, khu dân cư, nơi công cộng...

Trải qua 20 năm hoạt động, qua 4 kỳ đại hội, từ chỗ chỉ có một số xã ở vùng đông huyện Tư Nghĩa trồng hoa tết truyền thống, đến nay phong trào sinh vật cảnh tỉnh nhà đã hình thành tổ chức Hội ở 7 huyện, thành phố, đó là: TP.Quảng Ngãi,  huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn và Ba Tơ với tổng số 99 chi hội, 2.500 hội viên.

Nhìn chung, về nhiều mặt, phong trào sinh vật cảnh tỉnh ta chưa xếp vào loại mạnh so với cả nước, nhưng đã phát triển rộng và mang tính phổ biến. Số lượng người tham gia sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ sinh vật cảnh tăng lên đều khắp từ thành thị đến nông thôn, kể cả miền núi và hải đảo.

Phong trào làm vườn cảnh, trồng hoa kiểng, xây non bộ, tiểu cảnh ở các công sở, nghĩa trang liệt sĩ, trường học, bệnh viện… được quan tâm nên đã phát triển đều khắp. Vườn cảnh, vườn hoa tết, cây kiểng trong nhân dân phát triển ngày càng mạnh. Nhiều hội viên, người sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh đã chuyển vườn tạp, vườn kinh tế thấp thành vườn cảnh có giá trị kinh tế cao. Tính sơ bộ đến năm 2013 tại 7 huyện, thành phố trong tỉnh có Hội sinh vật cảnh đã có 485 nhà vườn, trang trại và 3 doanh nghiệp với tổng diện tích làm sinh vật cảnh lên đến 400 ha, thu hút hơn 3.000 lao động. Thu nhập từ sinh vật cảnh đạt khoảng 80 tỷ đồng.

Sản xuất sinh vật cảnh phát triển kéo theo lực lượng làm dịch vụ đúc chậu, ảng, nghệ nhân chăm sóc vườn cây… đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập cao.

*PV: Trong xu hướng phong trào sinh vật cảnh của tỉnh đang phát triển rộng khắp như hiện nay, ông có thể cho biết định hướng của Hội trong thời gian tới?

*Ông Hoàng Danh: Hội Sinh vật cảnh Quảng Ngãi đã xác định định hướng hoạt động của Hội trong thời gian đến là khắc phục khó khăn, tranh thủ những thuận lợi và thời cơ xuất hiện để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức Hội, đưa phong trào sinh vật cảnh tỉnh nhà tiến lên một bước mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hội sẽ thực hiện một số giải pháp cơ bản là tuyên truyền nâng cao nhận thức về sinh vật cảnh trong đời sống xã hội. Phát triển sinh vật cảnh trên nền tảng giữ gìn và phát triển đa dạng sinh thái; tích cực xây dựng sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao như trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định. Tiếp tục phát triển tổ chức Hội ở các huyện chưa có Hội Sinh vật cảnh. Chú trọng tổ chức chi hội ở cơ sở xã, phường và phát triển các câu lạc bộ chuyên ngành...

*PV: Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã có kiến nghị gì với lãnh đạo các cấp, ngành hữu quan trong tỉnh để giúp Hội phát triển?

*Ông Hoàng Danh: Để khắc phục những yếu kém, phát huy thành quả đã đạt được trong 20 năm qua nhằm thực hiện những định hướng, mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh Quảng Ngãi có một số kiến nghị như sau:

Một là, đề nghị Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi để Hội hoạt động có hiệu quả, góp phần xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới hiện nay.


Hai là, đề nghị UBND tỉnh xác định Hội Sinh vật cảnh là một thành viên chính thức tham gia vào việc tư vấn, phản biện các công trình, hạng mục xây dựng có kiến trúc sinh vật cảnh để Hội có điều kiện góp phần vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển cân bằng, bền vững.

Ba là, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét những đóng góp tích cực của hoạt động sinh vật cảnh trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường sinh thái… để sớm công nhận Hội Sinh vật cảnh Quảng Ngãi là Hội đặc thù của tỉnh theo Nghị định 45 (năm 2010) của Chính phủ.


NGUYỄN KHÂM
(thực hiện)

 


.