Đồng chí Đoàn Tấn Hận - Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Ngãi:
Các khu công nghiệp Quảng Ngãi đồng hành cùng sự phát triển công nghiệp của tỉnh

12:10, 05/10/2012
.

(QNg)- Tính đến thời điểm này, các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi (KCN QN)  có 80 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng, sử dụng hơn 132 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân hơn 60%... Đây là một con số đáng khích lệ trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tiện ích các KCN còn nhiều yếu kém. Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập các KCN tỉnh (07/10/1997 - 07/10/2012), đồng chí Đoàn Tấn Hận cho biết về kết quả thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh và những định hướng lớn trong phát triển các KCN QN  thời gian đến.  

*P.V: Xin Đ/c cho biết khái quát nhất về quá trình xây dựng, thu hút đầu tư, hoạt động SXKD tại các KCN sau 15 năm?

*Đồng chí Đoàn Tấn Hận:  Năm 1997, Quảng Ngãi được Chính phủ phê duyệt Dự án KCN Tịnh Phong với quy mô 350 ha. Tiếp đến, năm 2001, KCN Quảng Phú được thành lập với quy mô hiện tại 120 ha. Tháng 7/2007, KCN Phổ Phong được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 157 ha. Như vậy, hiện tại Quảng Ngãi có 03 KCN tập trung, với quy mô 418 ha, trong đó đất dành để xây dựng nhà máy là 297 ha, chiếm 71% diện tích tổng mặt bằng các KCN.

15 năm nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển các KCN tỉnh, chúng ta thấy quy mô, chất lượng dự án và hiệu suất thu hút đầu tư luôn tăng qua các năm. Nếu năm 1997 các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các KCN QN tạo ra 460 tỷ đồng giá trị SXCN, 60 tỷ đồng nộp ngân sách, 3 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, thì 10 năm sau - năm 2007 giá trị SXCN đã đạt 1.144 tỷ đồng, nộp ngân sách 157 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 20 triệu USD. Chỉ tiêu thực hiện của năm 2012 là 2.250 tỷ đồng giá trị SXCN, 619 tỷ đồng nộp ngân sách, 14 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Theo thống kê, sau 15 năm phát triển, các KCN QN đã tạo ra 14.874 tỷ đồng giá trị SXCN, nộp ngân sách nhà nước 2.692 tỷ đồng. Những con số tuy khiêm tốn nhưng phản ánh được sự kỳ vọng của nhân dân trong tỉnh.

*P.V: Chắc chắn rằng quá trình hình thành và phát triển các KCN  không phải lúc nào cũng thuận lợi ?

*Đồng chí Đoàn Tấn Hận: Quá trình xây dựng, phát triển và quản lý các KCN QN thời gian qua cũng bộc lộ một số khó khăn, bất cập mà nguyên nhân bao trùm đó là do công tác quy hoạch. Nhìn chung, quy hoạch chỉ định hướng trong quá trình phát triển KCN tập trung thu hút các nhà máy sản xuất mà chưa gắn phát triển theo mô hình quần thể: Công nghiệp - Dân cư - Dịch vụ để phục vụ về mặt xã hội cho KCN; chưa huy động được các thành phần kinh tế vào đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước đối với đầu tư hạ tầng tại các KCN QN với đơn vị liên quan về hạ tầng tại các KCN QN.

Trong phát triển, nước ta đang theo định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Để thực hiện định hướng đó, đòi hỏi các KCN QN phải phát triển nhanh, bền vững và đảm bảo môi trường; đồng thời phải nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của công tác quản lý nhà nước trong KCN, tạo môi trường đầu tư thật tốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các doanh nghiệp trong KCN.

*P.V: Giai đoạn 2010 - 2012, kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thu hút đầu tư vào các KCN QN vẫn khả quan?

*Đồng chí Đoàn Tấn Hận: Có thể nói, từ năm 2010 đến 2012, suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Quảng Ngãi cũng rơi vào tình hình khó khăn chung đó. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức của Ban Quản lý trong công tác xúc tiến đầu tư, đã thu hút được nhiều dự án FDI, trong đó có 04 dự án đầu tư vào các KCN với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 30 triệu USD; đó là: Dự án của Công ty TNHH Hai Thành Viên Gallant Dachan Seafood; Dự án của Công ty Cổ phần Kizuna Quảng Ngãi. Đặc biệt, Dự án của Công ty TNHH Điện tử Foster (Đà Nẵng) và Dự án Nhà máy sản xuất giày Rieker Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động. Các nhà máy này sẽ chính thức đi vào hoạt động trong quý IV/2012.

*P.V: Những định hướng phát triển của các KCN trong thực hiện mục tiêu chung "đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại"?

*Đồng chí Đoàn Tấn Hận: Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 24/6/2011 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Ban Quản lý - cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN, tận dụng cơ hội lan toả của KKT Dung Quất, sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt sau:

Thứ nhất, thay đổi mục tiêu xúc tiến, vận động đầu tư vào các KCN theo hướng thu hút các dự án có quy mô vừa và lớn, có hàm lượng công nghiệp tiên tiến, thân thiện với môi trường; nâng cao tính chuyên nghiệp và đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư. Cương quyết thu hồi đối với các dự án không triển khai thực hiện đầu tư và các dự án hoạt động kinh doanh không hiệu quả, tránh tình trạng gây lãng phí đất công nghiệp.

Thứ hai, dự kiến năm 2013 số lượng lao động tại các KCN tỉnh sẽ tăng lên đến 18.000 người. Vì vậy, công tác thu hút lao động phải được quan tâm hàng đầu. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn nhằm huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, dịch vụ tiện ích, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại các KCN. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nhân lực, làm cho nguồn nhân lực trở thành yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động tại các KCN; nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo nghề; chú trọng đào tạo công nhân kỹ thuật... nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh uỷ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước và công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động trong KCN; có biện pháp triệt để và mạnh mẽ trong việc bảo vệ và xử lý các sự cố về môi trường, đồng thời hình thành ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật và bảo vệ môi trường trong KCN tỉnh.

Thứ  tư, Ban Quản lý tiếp tục tham mưu UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước về đầu tư hạ tầng, nhằm đảm bảo đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội và các công trình hạ tầng khác tại các KCN QN.

Thứ năm, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; biết tìm tòi, tổng kết thực tiễn, tạo ra những đột phá quan trọng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong cách làm việc, xử lý công việc nhuần nhuyễn theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008 và cơ chế một cửa liên thông tại Ban Quản lý.


 THANH TOÀN (thực hiện)
 


.