Chính sách giảm, miễn thuế qua Châu bản Triều Nguyễn

09:08, 18/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong số các Châu bản Triều Nguyễn còn lại đến ngày nay, có nhiều Châu bản liên quan đến việc giảm thuế, miễn thuế. Điều này cho thấy, chính sách giảm thuế để trị nước, an dân luôn được Triều Nguyễn coi trọng và duy trì, tiếp nối.
[links()]
 
Miễn, giảm thuế khi đời sống người dân gặp khó
 
Thời Triều Nguyễn, nhiều thời điểm, bức tranh về nền kinh tế của nước ta ngày ấy khá ảm đạm khi hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn do lũ lụt, hạn hán diễn ra liên miên. Trước tình hình đó, các vua Triều Nguyễn đã đưa ra nhiều chính sách miễn, giảm thuế để phần nào giúp người dân thoát khỏi khó khăn.
 
Một Châu bản về miễn giảm thuế cho dân tỉnh Quảng Ngãi thời vua Thiệu Trị. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I
Một Châu bản về miễn giảm thuế cho dân tỉnh Quảng Ngãi thời vua Thiệu Trị. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I
Năm Gia Long thứ 4, trước tình cảnh nhiều địa phương bị thiên tai, Vua Gia Long đã ban Chiếu giảm thuế để đỡ khổ cho dân. Như Chiếu ban ngày 17, tháng 2, năm Gia Long thứ 4 rằng, “các tổng, xã, thôn, phường các huyện thuộc doanh Bình Hòa được rõ: Xứ này liên tiếp thiên tai thật đáng thương xót. Vậy thuế tô năm Ất Sửu này, phạm ruộng công tư hoặc các ruộng vụ thu đều chuẩn giảm 5 phần 10, để đỡ khổ cho dân”.
 
Năm Gia Long thứ 6, Vua thấy các địa phương bị hạn lâu, liền ban Chiếu rằng, “các trấn, doanh, phủ, huyện, tổng, xã, thôn, phường cả nước được rõ: Từ Quảng Ngãi trở vào đến Gia Định, từ Nghệ An, Thanh Hoa trở ra đến Bắc Thành, phàm các ruộng công tư của các trấn, tô thuế năm Mậu Thìn này đều chuẩn giảm 3/10”.
 
Không chỉ giảm thuế để chia sẻ bớt khó khăn cho người dân khi gặp thiên tai, mà lúc giá gạo lên cao, chuyện nộp thuế của người dân cũng được vua Triều Nguyễn miễn giảm hoặc được gia hạn.
 
Thời vua Thiệu Trị, khi nhận được tập tấu xin gia hạn thuế của thự Bố Chánh sứ tỉnh Quảng Ngãi, trong phụng dụ ngày 12 tháng 8, năm Thiệu Trị thứ 1, có ghi, “nay căn cứ tập tấu của thự Bố Chánh sứ tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Hộ nói rằng: Thuế lệ các hạng ruộng đất điền trang, công trại của các huyện thuộc hạt vừa qua đã được giảm thuế lệ 5 phần, phải thu 5 phần, xin được gia hạn. Vả lại thuế đinh điền bằng tiền và bằng thóc của hạt đó năm nay đã được miễn. Các hạng ruộng đất đó nguyên không nằm trong lệ giảm miễn cũng đã được giảm miễn, nên lẽ ra không nên phê chuẩn lại gia hạn. Nhưng nghĩ hạt đó gần đây giá gạo lên cao, cái ăn của dân khó khăn nên trước đây đã xuất thóc kho cho vay. Vả lại 5 phần thuế lệ đó nếu như tiến hành thu nạp ngay thì sợ dân nghèo không tránh khỏi khó khăn. Tất cả các hạng ruộng đất kể trên của hạt đó, số tiền thóc thuế năm nay cần thu là bao nhiêu, gia ân cho hoãn đến kỳ thu thuế năm tới tiến hành thu”.
Châu bản Triều Nguyễn gồm các bản chiếu, chỉ, dụ, sắc... đã được vua Triều Nguyễn phê duyệt bằng mực son. Phản ánh bao quát gần như toàn bộ lịch sử, đời sống, kinh tế, xã hội Việt Nam giai đoạn thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, nên Châu bản Triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới vào năm 2017.
 
Để lưu trữ và phục vụ người đọc, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã thống kê mục lục Châu bản Triều Nguyễn cũng như tóm tắt, trích yếu nội dung từng tờ Châu bản và xuất bản năm 2010. Các trích yếu nội dung Châu bản mà tác giả sử dụng trong bài viết, đều là từ sách “Mục lục Châu bản Triều Nguyễn” này.
Giảm thuế cho những người dốc sức vì việc chung
 
Dưới thời Triều Nguyễn, người dân có thể nộp thuế bằng nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như, ngoài nộp thuế bằng tiền, người dân còn có thể nộp thuế bằng các sản phẩm do mình làm ra gọi là biệt nạp. Tại Quảng Ngãi, người dân Bình Sơn có đội khai thác Nghĩa sâm, thì phải nộp thuế biệt nạp bằng sâm. Tại Nghệ An, người dân các xã hằng năm khai thác gỗ lim, thì có nghĩa vụ đem nộp thuế gỗ lim... Tuy nhiên, nếu nhà nào có người đi làm đường, đào sông, xây thành... thì đều được đưa vào diện được miễn giảm thuế.
 
Vào ngày 25 tháng 6, năm Gia Long thứ 4, Vua truyền rằng, “quan công đường doanh Phú Yên được rõ: Nay chuẩn cho các trạm trong hạt, mỗi trạm có 50 phu đều được miễn sưu, thuế thân, thuế mân, thuế dung để đi làm việc vận tải”.
 
Ngày 20 tháng 6, năm Gia Long thứ 4, Vua truyền rằng, “các viên mục ở xã Long Hồ, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong nay chuẩn miễn sưu và các thứ tiền thuế cho 20 suất dân để canh giữ lăng tẩm Bà Trưng Thục Phi và vườn lăng tẩm Tuyên Vương”.
 
Chăm lo giảm thuế cho từng cá nhân
 
Việc miễn, giảm thuế không chỉ được Triều Nguyễn ban hành như một chính sách chung, áp dụng diện rộng cho các địa phương, hoặc cho từng nhóm người, mà đôi lúc, vua Triều Nguyễn còn có những gia ân về thuế cho từng cá nhân cụ thể.
 
Như thời Gia Long, sau khi hay tin một chủ thuyền bị đắm tàu có đơn xin được miễn thuế, vua đã gia ân chấp thuận ngay. Cụ thể, vào ngày 24 tháng 3, năm Gia Long thứ 4, Vua truyền lệnh, “công đường doanh Quảng Nam được rõ: Nay thuyền của Trần Thăng Thái vừa bị nạn có đơn xin được miễn thuế, vậy nên cho miễn thuế cảng năm Ất Sửu”.
 
Năm Minh Mệnh thứ 1, bà Đào Thị Thôn, mẹ của Chưởng Hậu quân, lãnh thầu đầm Vũng Lắm, phủ Quy Nhơn tâu rằng, “xin giảm nửa thuế, mỗi năm nạp 600 quan tiền thuế từ năm Tân Tỵ về sau”. Vua liền châu phê rằng: “Thuế lệ vẫn như cũ, nhưng xét con của thị có công với nước nhà nên gia ân miễn nửa thuế từ năm Tân Tỵ về sau, để tỏ ý ân dưỡng kẻ già của Trẫm”...
 
Ý THU
 
 
 
 
 
 

.