Chảy mãi dòng sông đào

09:02, 21/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nói rằng ở Quảng Ngãi có dòng sông đào, nhiều người lấy làm lạ. Nhưng có lẽ do quá quen thuộc, sông đào qua bao đời hiện hữu nên cứ ngỡ là dòng sông thiên nhiên kiến tạo. Dòng sông Bầu Giang uốn lượn, êm ái chảy trên địa phận huyện Tư Nghĩa đích thực là sông đào.
 
Thưởng ngoạn dọc dòng sông Bầu Giang mới thấy hết sự nên thơ, thú vị của dòng sông, dù đó là con sông đào. Đây là dòng sông mang nguồn nước mát tưới tắm cho những cánh đồng xanh tốt, cho hạt lúa căng tròn để nuôi lớn bao lớp người.
 
Dòng "huyết mạch"
 
Thật thú vị khi ngày xuân “mục sở thị” sông đào Bầu Giang. Hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” của chúng tôi là Trưởng Chi nhánh Quản lý thủy nông số 3 huyện Tư Nghĩa Phan Sáu. Là dòng “huyết mạch” làm hồi sinh những cánh đồng nứt nẻ vì thiếu nước, giúp đảm bảo lương thực cho các hộ gia đình, con sông đào này minh chứng cho sự tài tình, chịu khó của người xưa.  
Nguồn nước dòng sông đào Bầu Giang phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hécta ruộng đồng trên địa bàn huyện Tư Nghĩa.  ẢNH: LÝ SƯƠNG
Nguồn nước dòng sông đào Bầu Giang phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hécta ruộng đồng trên địa bàn huyện Tư Nghĩa. ẢNH: LÝ SƯƠNG
Vốn tính cẩn trọng, anh Sáu mang theo bản đồ vẽ địa phận huyện Tư Nghĩa để chỉ rõ hình hài uốn lượn của dòng Bầu Giang. Anh Sáu cho biết: Con sông có chiều dài hơn 12km. Sông chảy từ phía tây, qua cầu Xóm Xiếc ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), chảy dọc theo phía bắc của xã Nghĩa Trung, thị trấn La Hà, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) và phía nam là của TP.Quảng Ngãi, sau đó chảy về phía đông và cuối cùng hợp nước với sông Vệ đổ ra biển.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, người khá quan tâm đến ngọn nguồn của dòng Bầu Giang, cho hay: Theo gia phả họ Bùi ở Ba La thì thuở trước làng Ba La khô khát nước. Ông tổ họ Bùi là Bùi Văn Đỗ từ Nghệ An di cư vào đây cuối thế kỷ XVII. Về sau con cháu cùng với một ông tổ họ Nguyễn cùng xã và hai người khác ở xã Điện An vận động dân hai làng lên tận Bến Đỉnh phía tây huyện Nghĩa Hành ngày nay đào kênh dẫn nước về. Kênh được đào qua nhiều vùng ruộng đất, men theo bờ ruộng, có đoạn gấp khúc, uốn lượn, nhiều đoạn phải đào qua đồi núi đầy sỏi đá. Về đến địa hạt Ba La, với sự tính toán tỉ mỉ, người dân đắp một con đập chắn ngang và mở hai mương, một nối về đồng Ba La, một hướng “chạy” về Điện An, người thời bấy giờ thường gọi là sông Đập. Việc phân nhánh, ngăn đập giúp điều chỉnh dòng nước tưới. Vào mùa nắng sẽ đắp đập cản lấy nước, còn mùa mưa thì tháo đập để nước chảy ra biển.
 
Nhớ ngày đắp đập, đào kênh
 
Con sông Bầu Giang gắn liền với câu chuyện về một con kênh mà người dân ở TP.Quảng Ngãi và Tư Nghĩa vẫn thường gọi là kênh Từ Ty, tức là kênh Tư Nghĩa. Các bậc cao niên nhắc đến cụ Từ Ty với tình cảm quý mến và tôn kính. Xưa kia, vào mùa hè sông Bàu Giang thường cạn nước, không đủ tưới cho các cánh đồng, dẫn đến mùa màng thất thu. Do vậy, huyện Tư Nghĩa chủ trương xây dựng kênh Tư Nghĩa dẫn nước từ sông Trà Khúc vào Bầu Giang.
 
Đứng bên đập ngăn nước trên sông Bầu Giang, cụ ông Ngô Xuân (85 tuổi) ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) từng tham gia đào kênh Tư Nghĩa kể lại: Đó là vào thời gian kháng chiến chống Pháp đầu năm 1951, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Từ Ty, lúc bấy giờ là Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Tư Nghĩa đã huy động nhân dân ngày đêm miệt mài đào kênh để dẫn nước từ sông Trà Khúc về dòng Bầu Giang, kênh bắt đầu từ phường Quảng Phú, dài 15km. Ông Từ Ty cho đào kênh và sửa chữa lại hai đập Ba La và Điện An để nguồn nước tưới có thể dẫn đến những xã có địa hình cao như Nghĩa Thương... “Tôi vẫn nhớ ngày đó, toàn dân cùng gánh cát, lót ván, đào kênh và khi thấy dòng nước chảy về ai cũng hạnh phúc, hân hoan. Nhờ ông Từ Ty, mùa màng bội thu đem lại cuộc sống no đủ, có sức phục vụ cho cách mạng. Bởi vậy, đến bây giờ, nhiều người dân ở huyện Tư Nghĩa vẫn nhắc đến cụ Từ Ty với sự biết ơn. Cũng vì yêu mến cụ, nên chúng tôi còn gọi kênh Tư Nghĩa bằng tên gọi khác đó là kênh Từ Ty”, ông Xuân trải lòng. 
 
Ngày ấy, để đào kênh Tư Nghĩa, ngoài nguồn vốn Nhà nước, còn có sự huy động, đóng góp rất lớn của nhân dân. Huyện chủ trương vận động nhân dân góp cổ phần theo mức cứ 50 công là một cổ phần, khi thu được hoa lợi sẽ hoàn trả, đồng thời vận động thầu khoán, những gia đình giàu có cho mượn tiền và mượn quỹ các xã... Chỉ trong vòng 19 tháng, vào cuối năm 1952 con kênh đã hoàn thành với chiều dài 15km.
 
Đúng vào ngày 2.9.1952, lễ khánh thành kênh Tư Nghĩa được tổ chức ngay tại cửa kênh. Hàng nghìn người dân ở các xã về dự lễ, tất cả đều vui mừng khi nguồn nước sông Trà Khúc hợp vào dòng Bầu Giang. Cũng từ đó, ruộng đồng quanh năm tươi tốt, đem lại những vụ mùa bội thu. Mãi đến năm 1995, khi có công trình thủy lợi Thạch Nham, kênh Tư Nghĩa mới hoàn thành sứ mệnh dẫn nước sông Trà vào Bầu Giang, nhưng giờ đây con kênh lịch sử này vẫn còn hiện hữu. Riêng hai đập ngăn Ba La và Điện An được cụ Từ Ty chỉ đạo cải tạo khi xưa, nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Nhà nước vừa đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng kiên cố hai con đập này để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu.
 
Trải qua hàng trăm năm, sông đào Bầu Giang giống hệt một dòng sông tự nhiên. Nguồn nước sông Bầu Giang vẫn cứ chảy mãi và là vốn quý của cha ông lưu lại cho đời sau.
 
LÝ SƯƠNG
 
 
 

.