Nghệ thuật khảm sành, sứ trong kiến trúc xưa

10:12, 24/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khảm sành, sứ là loại hình trang trí từng có mặt ở hầu hết các công trình kiến trúc như chùa, miếu, đình làng... khắp các miền quê của Quảng Ngãi. Qua đôi bàn tay khéo léo, tài tình của các nghệ nhân, những mành sành, sứ thô ráp, khô cứng đã trở thành các họa tiết trang trí đẹp, uyển chuyển, có hồn.
[links()]
Đúng như tên gọi, khảm sành, sứ là loại hình nghệ thuật trang trí sử dụng các mảnh sành, sứ để “khảm” lên bề mặt kiến trúc, tạo nên các hình tượng nghệ thuật cụ thể. Đó có thể là những mảnh sành, sứ ghép lại thành hình tứ linh, bát bửu, nhật nguyệt, mười hai con giáp, hoặc là những câu đối, bình phong, tường hoa, chậu cây cảnh... đẹp mắt, hài hòa. Sử dụng vật liệu tưởng chừng khô cứng, nhưng qua đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, các mảnh sành, sứ được gọt giũa, trau chuốt thành các tác phẩm mềm mại, có hồn.  
Cổng vào Âm linh tự (Lý Sơn) được trang trí phần lớn bằng nghệ thuật khảm sành, sứ.    Ảnh Ý Thu
Cổng vào Âm linh tự (Lý Sơn) được trang trí phần lớn bằng nghệ thuật khảm sành, sứ. Ảnh Ý Thu
 
Để các mảnh sành, sứ bám chắc lên bề mặt kiến trúc, người xưa thường dùng chất kết dính làm bằng đá san hô, vỏ sò, nước mật mía cùng một số lá cây. Kỹ thuật mài giũa, cắt gọt các mảnh sành, sứ cũng được người xưa thực hiện tỉ mỉ, để mảnh sành, sứ được gắn khít lên nhau, không lộ ra chất vữa kết dính cũng như có thể mềm mại, uyển chuyển theo hình tượng của họa tiết cần khảm.
 
Chưa có một nghiên cứu chính thức nào về mốc thời gian chính xác mà nghệ thuật khảm sành, sứ xuất hiện tại Quảng Ngãi, nhưng theo một số nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Ngãi, nghệ thuật khảm sành sứ trở nên phổ biến tại vùng đất Ấn- Trà từ thời nhà Nguyễn. Vào thời kỳ này, nghệ thuật khảm sành, sứ đã xuất hiện ở hàng loạt các kiến trúc từ dân gian đến cung đình tại Huế. Tiêu biểu là cung An Định, cửa Hiền Nhơn, cửa Chương Đức, điện Kiến Trung, lăng Khải Định...
 
Vẻ đẹp, sự độc đáo của nghệ thuật khảm sành, sứ từ kiến trúc cung đình lẫn dân gian tại kinh đô Huế dần lan tỏa đi khắp nơi, trong đó có Quảng Ngãi. Tuy nhiên, nghệ thuật trang trí sành, sứ tại các công trình kiến trúc tại Quảng Ngãi phần lớn áp dụng cho chùa, đình làng, miếu, lăng vạn, nên sử dụng màu sắc, họa tiết trang trí khá đơn giản, mộc mạc chứ không cầu kỳ, nhiều màu sắc như kiến trúc cung đình.
 
Nói đến những công trình kiến trúc tại Quảng Ngãi đến nay vẫn còn lưu dấu ấn rõ nét của nghệ thuật khảm sành, sứ có thể kể đến một số công trình như: Đình làng An Hải, Âm linh tự (Lý Sơn), lăng vạn Đông Yên (Bình Sơn)...
 
Tại đình làng An Hải - một trong những đình làng Việt tiêu biểu tại Quảng Ngãi, 4 mặt của đình thượng đều được trang trí khảm sành, sứ theo nhiều đề tài khác nhau như: Mai điểu, ngư điểu, sơn thủy... Nóc mái là hình tượng "lưỡng long tranh châu" được khảm sành, sứ và lấy màu xanh làm chủ đạo. Phía trước đình là hai cột đăng câu đối. Chữ trong câu đối được khảm sành, sứ màu xanh. Đôi nghê quay đầu vào nhau đặt trước đình toàn thân cũng được khảm sành, sứ. 
 
Mái, tường lăng vạn Đông Yên, xã Bình Dương (Bình Sơn) đều được trang trí bằng cách khảm sành, sứ.               Ảnh: Ý THU
Mái, tường lăng vạn Đông Yên, xã Bình Dương (Bình Sơn) đều được trang trí bằng cách khảm sành, sứ. Ảnh: Ý THU
 
Tại lăng vạn Đông Yên, xã Bình Dương (Bình Sơn), bức bình phong cao 2m, rộng 2,5m tại lăng vạn có hình rồng khảm bằng sành, sứ. Đỉnh mái lăng trang trí hình rồng chầu mặt trời, hai mái lăng trang trí hình dây leo và hoa cách điệu. Những họa tiết này cũng đều được khảm sành, sứ... với màu chủ đạo là xanh, vàng, nâu.
 
Theo chia sẻ của một số người làm công tác quản lý đình làng, lăng vạn, việc sử dụng vật liệu sành, sứ để “khảm” vào công trình đã giúp các họa tiết trang trí trở nên bền vững trong điều kiện thời tiết mưa nhiều tại Quảng Ngãi. Bằng chứng là, màu vàng của họa tiết hoa mai, màu xanh của họa tiết rồng chầu mặt trời tại lăng vạn Đông Yên vẫn giữ nguyên màu sắc ban đầu, dù lăng vạn này được xây dựng từ thời Gia Long và lần trùng tu gần đây nhất là từ thời kháng chiến chống Pháp.
 
Vừa chân chất, bình dị, lại vừa rực rỡ, trang nghiêm. Ấy thế mà, dấu ấn của nghệ thuật khảm sành sứ, tại các chùa, đình làng trên địa bàn tỉnh còn lại không nhiều. Phần vì công trình trải qua nhiều giai đoạn sửa chữa, trùng tu. Phần vì trải qua những đổi thay của thời gian, mọi người dần ưa chuộng các nghệ thuật trang trí khác tân thời hơn. Song, sự ra đời của loại hình trang trí độc đáo này đã tạo nên được những dấu ấn rất riêng, khi mà những mảnh sành, sứ vỡ tưởng chừng bỏ đi, lại được nâng lên một tầm cao mới và trở thành kiến trúc trường tồn suốt dặm dài lịch sử.
 
Ý THU
 
 
 
 

.