Bao đời muối mặn

02:10, 04/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nói về hạt muối, có lẽ nhiều người hôm nay sẽ cười mũi: Vẽ! Hạt muối thì có gì để nói. Nhưng tôi cho rằng không phải vậy.
Người ngày nay không chú ý đến hạt muối kể cũng có lý do: Chỉ cần vài nghìn tiền mua muối, có lẽ ăn đến cả tháng không hết. Muối quả là mặt hàng thuộc loại rẻ trong những gì rẻ nhất. Thế nhưng, câu chuyện hạt muối của tôi sẽ không phải là câu chuyện lẩn thẩn.
 
Nhà thơ Tế Hanh sinh ra thời Pháp thuộc, trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, đến hòa bình mấy chục năm sau, khi Quảng Ngãi xây xong công trình đại thủy nông Thạch Nham và đang xây dựng KCN Dung Quất hoành tráng, năm 1996 ông xiết bao vui mừng viết bài thơ Những bước chân qua thế kỷ, mở đầu bằng 4 câu: “Tôi nghĩ đến người cha những năm đầu thế kỷ/ Bước Đông Du chặn lại. Sống lang thang/ Dọc bãi biển, thầy đồ nho bất đắc chí/ Những xóm chài nấu muối lậu, sợ Tây đoan”. 
 
Cánh đồng muối Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).                                                            Ảnh: Nguyễn Hữu Thư
Cánh đồng muối Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Ảnh: Nguyễn Hữu Thư
Chắc hẳn nhiều người sẽ không biết rằng, người cha mà Tế Hanh nhắc tới là ông Trần Tố, một nhà nho yêu nước và hành trạng bất đắc chí của nhà nho thì như nhà thơ đã kể. Nhưng có ai biết, ai hiểu cái câu tưởng như đơn giản này: Những xóm chài nấu muối lậu, sợ Tây đoan, là thế nào chăng?
 
Thú thật là tôi cũng như bạn đọc, đọc câu thơ này dễ cho qua. Cho đến một ngày, tôi cùng kỹ sư thủy sản Phan Huy Hoàng lang thang ở vùng đông huyện Bình Sơn. Gặp cán bộ xã Bình Thuận, hỏi loanh quanh chuyện thủy sản, lại xoay sang chuyện muối. Là vì ở đây có tên làng Tuyết Diêm chuyên sản xuất muối mà tôi đã đọc trên tấm bản đồ lối cổ, chú bằng chữ Hán Đồng Khánh địa dư chí được vẽ hồi cuối thế kỷ XIX. Chữ “Diêm” đã có nghĩa là muối. Cho nên trên bản đồ có ghi “Tuyết Diêm sản diêm” (Làng Tuyết Diêm làm muối) có vẻ như thừa. 
 
Tuyết Diêm hẳn có nghĩa là muối trắng như tuyết. Nhưng trước đó nữa, làng Tuyết Diêm mang tên Hoa Diêm. Hoa Diêm hẳn được người xưa đặt ra cũng với nghĩa muối đẹp như hoa. Năm 1841, vì phạm húy chữ Hoa, nên phải đổi Hoa thành Tuyết, còn chữ Diêm giữ nguyên. Làng Tuyết Diêm sản xuất muối cho mãi đến sau cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sau năm 1975 một thời gian thì chấm dứt. Lý do là làm muối, muối quá rẻ, không bù công sức, không bằng làm thứ khác.
 
Không biết tự thuở nào, trong thức ăn của cả loài người, không thể không có muối. Thời thượng cổ, khi còn ăn thịt sống, chất mặn có cần không và loài người phải giải quyết bằng cách nào chưa tỏ. Nhưng rõ ràng trong tất cả các bữa ăn hằng ngày của loài người, cả phương Đông và phương Tây, cả xưa và nay, không thể thiếu muối. Ở ven biển có nhiều đồng muối. Muối ở Tuyết Diêm cũng nằm trong hệ cung - cầu tự nhiên ấy. Nhưng từ khi thực dân Pháp đặt ách cai trị nước ta, thì chúng nắm độc quyền về hải quan, về thuốc phiện, rượu, muối. Sở “Tây đoan” dựng lên ở Tuyết Diêm (Sơn Trà) bên cửa Sa Cần thực hiện cái quy định ấy. Thế là người dân làm muối từ xưa tự do sản xuất, bị bắt phải đăng ký và bán cho sở “Tây đoan” với giá do chúng ấn định. 
 
Không phải tài liệu tuyên truyền hay chủ định “bài Pháp” nào cả, ngay trong tập L’Annam en 1906 do Pháp ấn hành có ghi, “Tây đoan” lợi dụng độc quyền, đã triệt để mua rẻ bán đắt, giá muối mua một, bán lên hai, ba bốn lần và người làm muối “sẽ không được gì nếu họ giao toàn bộ muối của họ cho Thuế quan”. Giá quá rẻ, người làm muối không có lợi, mà hễ làm muối bán ra ngoài thì diêm dân bị bắt. Anh cán bộ xã Bình Thuận cho biết: Các diêm dân bí quá tìm cách làm muối tại sân nhà mình. Người ta trải nong, lót cho kín nước, rồi lấy nước biển về phơi làm muối. Thật là cách làm chưa từng có, không thể hình dung nổi. Nhưng rồi sở “Tây đoan” cũng phát hiện ra, tịch thu nong đốt hết. Làm muối là làm ra gia vị thực phẩm, không gây nghiện hại cộng đồng như rượu, thuốc phiện, đường đường chính chính như thế, mà sao lại bị xếp vào “lậu”! Thật bất công.
 
Từ ấy, tôi nghiệm lại câu thơ của nhà thơ Tế Hanh: “Những xóm chài nấu muối lậu, sợ Tây đoan”. Đúng là sợ thật. Chuyện xảy ra thời Pháp thuộc, nghĩa là trong các thập niên cuối thế kỷ XIX cho đến năm 1945. Thế mà đến cuối thế kỷ XX, chế độ thực dân Pháp đã xa tít mù khơi, ít nhất cũng gần nửa thế kỷ rồi, vẫn hiện lên trong câu thơ Tế Hanh. Chứng tỏ nhà thơ bị ám ảnh bởi luật lệ bất công, bất nhân ấy như thế nào. Và đương nhiên, nó cũng ám ảnh cuộc sống của dân Tuyết Diêm thuở xưa như thế nào. Anh hùng liệt sĩ Phan Điệt, chiến sĩ trong Đội Du kích Ba Tơ, thời còn hoạt động ở địa phương cũng từng đấu tranh cho dân Tuyết Diêm được tự do sản xuất muối làm nghề sinh sống.
 
Ở vùng ven biển Quảng Ngãi, vùng sản xuất muối xưa không chỉ có ở Tuyết Diêm (Sơn Trà), thậm chí Tuyết Diêm chưa phải là vùng sản xuất chính, mà là ở Sa Kỳ và đặc biệt là ở Sa Huỳnh (Long Thạnh). Ở Sa Huỳnh có làng Tân Diêm. Ở Sa Kỳ thì có làng Diêm Điền, với hai thành tố Đồng Xuân, Đồng An, sau ghép lại thành Xuân An. Sự bóp nghẹt của thực dân đối với nghề muối ở Sa Kỳ, Sa Huỳnh không khác gì ở Tuyết Diêm. Bản đồ Đồng Khánh địa dư chí tạo lập từ đời vua Đồng Khánh (1885 - 1889) có ghi chú tương tự ở Tuyết Diêm: Đồng Xuân Đồng An sản diêm (Đồng Xuân Đồng An làm muối); Tân Diêm sản diêm (làng Tân Diêm làm muối).  
 
Diêm dân Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) sản xuất muối.   Ảnh: Nguyễn Hữu Thư
Diêm dân Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) sản xuất muối. Ảnh: Nguyễn Hữu Thư
 
Còn dân gian cũng có những câu ca: “Muối Xuân An, mắm Sa Kỳ/ Khoai lang dưới trảng, gạo thì Điền Trung”, hay “Mặn mà muối biển Sa Huỳnh/ Ngọt đường xứ Quảng thắm tình đôi ta”. Cho thấy, nghề muối ở Quảng Ngãi có từ xa xưa, có truyền thống, với biết bao kinh nghiệm, gắn với cả đời sống vật chất và tinh thần của diêm dân, không có tiền bạc gì mua được. Muối làm ra, để dùng hằng ngày, để làm mắm, để gánh gồng chuyên chở bán lên vùng núi vốn xa nguồn muối. Ba vùng muối nay còn một, là Sa Huỳnh, nhưng Sa Huỳnh diêm dân cũng gặp khó vì giá cả, có doanh nghiệp đề nghị cho họ đầu tư nuôi hải sâm. Nuôi hải sâm thu nhập cao thấp thế nào chưa biết, nhưng nghĩ đến truyền thống nghề muối như muốn cáo chung mà ngậm ngùi!
 
Tôi lại nghĩ, cái luật độc quyền về muối mà thực dân Pháp đặt ra thực tế là một loại luật “bắt chẹt”. Luật “bắt chẹt” sẽ bóp nghẹt cuộc sống. Nhưng thực dân Pháp kể cũng thâm sâu, bởi chỉ cần “bắt chẹt” hạt muối, là có thể sai khiến con người ta phải tuân theo. Bởi lẽ có ai sống mà hằng ngày không phải dùng muối! Hồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều người bị “đói cơm, lạt muối”. Nếu có cơm mà muối “lạt” cũng xuất hiện ngay vấn đề nan giải.
 
Lại trộm nghĩ, cái không mất tiền mua, hoặc cái rất rẻ, không đồng nghĩa với cái kém quan trọng với đời sống con người, thậm chí ngược lại là đằng khác. Không khí, nước không mất tiền mua, gạo, muối rất rẻ, đến nỗi có khi người ta xem thường, người ta rẻ rúng, nhưng ai đó cứ thử thiếu nó một phút giây, một buổi, một ngày xem sao?
 
“Trời chang chang nắng giơ đầu ra phơi” 
 
Người làm muối dân gian thường gọi là dân nại. Chưa kể đến sự bóp nghẹt của thuế quan thời thực dân, cuộc sống dân nại đã khá vất vả, từ khâu dọn mặt ruộng đến khi cho nước biển vào, chờ cho nước bốc hơi kết tinh thành muối, cào muối, gánh muối đang giữa nắng gắt. Hồi còn bao cấp, một lần tôi ghé Sa Huỳnh và nghe được câu ca dao “tự thuật” đầy cảm thương của người làm muối: “Dân nại tui dại như trâu/ Trời chang chang nắng giơ đầu ra phơi!”.       
 
Cao Chư
 
                                                                                                                                                                                                
 
 
 
 
 

.