Cây đa neo giữ hồn quê

08:11, 18/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Cây đa, bến nước, sân đình” là hình ảnh quen thuộc, đã đi vào tiềm thức trong kho tàng thơ ca, dân gian Việt Nam bao đời nay. Và hẳn nhiều người dân xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) ai cũng biết cây đa trồng phía sau đình Lâm Sơn. Cây toả bóng xanh mát, gắn bó bao thế hệ người dân thôn Phước Lâm. Qua bao nắng mưa, cây đa đã chứng kiến những đổi thay, thăng trầm của vùng đất và cuộc sống người dân nơi đây.
Cây đa hơn ba thế kỷ
 
Cùng với sự đổi thay của thời gian, diện mạo xã Hành Nhân đã có nhiều đổi mới. Nhưng đối với người dân nơi đây, cây đa đình Lâm Sơn như một trong những biểu tượng đầu tiên khiến người ta gợi nhớ về quê hương.
 
Theo các cụ cao niên trong làng, tiền nhân trồng cây đa từ trước thời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786). Tính đến nay tuổi đời của cây đa đình Lâm Sơn đã hơn 3 thế kỷ. Cây đa này cao 25m, tán rộng 1.000m, che bóng cả một vùng rộng lớn. 
 
Cây đa đình Lâm Sơn gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ.
Cây đa đình Lâm Sơn gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ.
Ông Đoàn Pháp Luật (70 tuổi), người trực tiếp trông coi khu vực đình Lâm Sơn gần chục năm nay cho biết: Với mong muốn giữ gìn những giá trị truyền thống và duy trì sự phát triển của cây đa, những dịp lễ bà con phân công nhau phát dọn, làm cỏ, chăm sóc, bảo vệ cây đa cổ thụ.
 
“Cuối năm 1930, cụ Trần Huy và một số cụ hoạt động cách mạng đã treo cờ búa liềm trên cây đa để cổ vũ, động viên, tập hợp quần chúng tham gia cách mạng. Trên cơ sở đó, lực lượng du kích đẩy mạnh các hoạt động tấn công địch, phát động trong cán bộ, đảng viên, du kích và quần chúng kiên quyết không cho địch nống chiếm ra các vùng làm chủ của ta. Ngọn lửa cách mạng cứ thế truyền đi khắp nơi”, ông Luật cho biết thêm.
 
Trong thời kỳ chiến tranh, xóm làng tan tác, nhưng cây đa cổ thụ vẫn sừng sững, uy nghi toả bóng mát.
 
Gắn với tuổi thơ nhiều thế hệ
 
Hình ảnh cây đa đình Lâm Sơn đã trở nên quen thuộc với những ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này và là nỗi nhớ da diết về quê hương của những ai phải ly hương.
 
Tuổi thơ của nhiều người dân thôn Phước Lâm là những tháng ngày vui đùa quanh gốc cây đa. Những cô cậu học sinh của hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn nhớ những hôm tụ tập lại quanh gốc đa, hát hò ầm ĩ.
 
“Khi còn là đứa trẻ đầu trần chân đất, gốc cây đa trở thành nơi tổ chức trò chơi của những đứa trẻ.Cả đám thi nhau trèo lên những nhánh đa rồi lại trượt xuống xem ai nhanh nhất. Rồi những buổi sáng mùa hè, đi học qua gốc đa là lại cúi tìm nhặt cho bằng hết những búp đa rụng. 
Trưa về, lại nhặt và ngước nhìn lên cây cố tìm giữa màu xanh của cành lá có búp nào đỏ chói, mập và dài nhất để xí phần, có khi là đứng chờ một cơn gió lớn để nó rụng xuống”, ông Luật kể.
 
“Dưới cái bóng rợp hào phóng của cây đa, đình Lâm Sơn từng là lớp học, là nơi tụ tập chơi đá cầu, bóng chuyền của thanh thiếu niên trong thôn. Trải qua thời gian dài, ngôi đình đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần”, ông Lê Văn Đức (78 tuổi), người dân thôn Phước Lâm nhớ lại.
 
Hiện nay, chính quyền đã giao việc trông nom đình cho bà con tự quản. Bà con đã phân công nhau thường xuyên hương khói, bảo vệ đình và đón khách thập phương đến tham quan mỗi dịp lễ, Tết.
 
Trải qua bao “vật đổi, sao dời”, cây đa dù bị nhiều lần tàn phá, nhưng vẫn miệt mài cắm rễ sâu vào lòng đất sinh sôi, phát triển, tựa như tinh thần cần cù, chịu khó từ bao đời của người dân nơi đây. Cây đa thực sự đã là một phần tâm hồn, rất thân thương, gần gũi với mỗi một người con thôn Phước Lâm và như một phần của lịch sử văn hoá của vùng đất này.
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 

.