Di tích lịch sử văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi:
Di tích Đài tiếng nói Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp

02:09, 09/09/2012
.

(QNĐT)- Đài tiếng nói Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp chính thức phát sóng đầu tiên vào mùa hè năm 1946 tại đình làng Thọ Lộc, nay thuộc  địa phận thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, cách trung tâm tỉnh lỵ chừng 3km, về phía tây bắc.

Đây là đài phát thanh thứ 2 của nước Việt Nam độc lập, sau Đài Tiếng nói Việt Nam (đặt tại Hà Nội), và là công cụ tuyên truyền đắc lực chi viện cho cuộc chiến đấu của quân và dân Nam bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 

 Phù điêu ghi nhớ địa điểm phát sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói Nam Bộ
Phù điêu ghi nhớ địa điểm phát sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói Nam Bộ


Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, trước cuộc mít tinh của hàng vạn quần chúng tại quảng trường Ba Đình, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song, bất chấp lẻ phải, công lý và bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ các dân tộc bị áp bức trên thế giới mạnh mẽ vươn lên đòi quyền tự quyết, thực dân Pháp đã quay trở lại gây hấn ở Nam Bộ, âm mưu xâm chiếm, chia cắt nước ta một lần nữa.

Ngày 23/9/1945, quân Pháp tấn công thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Ngọn lửa kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam lập tức bùng lên.


Ngay sáng 23/9, chính quyền Nam Bộ đã tổ chức một cuộc hội nghị quan trọng tại phố Cây Mai (Chợ Lớn) với sự tham dự của nhiều nhân vật có uy tín như Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng... Hội nghị nhất trí điện ra Chính phủ Trung ương xin phép được tiến hành kháng chiến chống xâm lăng.

Trên thực tế, như một phản ứng tất yếu của chủ nghĩa ái quốc, quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã cầm vũ khí đứng lên kháng chiến, dũng cảm lấy máu xương bảo vệ quyền lợi của quốc gia, dân tộc.

Hội nghị tuyên bố thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch và Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn do ông Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ ra tuyên cáo: "Sáng hôm 23 tháng 9, quân Pháp công nhiêm chiếm trụ sở Ủy ban hành chính Nam Bộ và quốc gia tự vệ cuộc. Chúng đã gây đổ máu ở đường phố Sài Gòn... Không lẽ chịu nhục hoài; vì danh dự của dân tộc, chúng ta coi trọng quyền lợi của quốc gia, nên chúng tôi phải đánh điện ra Trung ương xin phép cho kháng chiến...".

Ngày 24/9, Chính phủ Việt Nam ra Huấn lệnh gửi quân dân Nam Bộ.
Ngày 26/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đứng đầu Chính phủ Việt Nam độc lập, gửi thư biểu dương "lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ". Cùng ngày, Chính phủ lại ra lời hiệu triệu kêu gọi nhân dân "Hãy ủng hộ phong trào đấu tranh oanh liệt của đồng bào Nam Bộ". Liền theo đó, Chính phủ Việt Nam đã thành lập các đoàn quân Nam tiến, quỹ Nam Bộ Kháng chiến, cấp tốc cử nhiều tướng lĩnh tài ba như Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn... vào Nam.

Đài Tiếng nói Nam Bộ ra đời trong bối cảnh đó. Quảng Ngãi, một tỉnh nằm trong vùng tự do Liên Khu 5, nơi đặt trụ sở làm việc của ông Phạm Văn Đồng – đại diện Chính phủ ở miền Nam Trung bộ cùng nhiều cơ quan của bộ máy kháng chiến miền Nam Việt Nam, là nơi được chọn để xây dựng cơ quan báo chí phát sóng âm thanh hỗ trợ cho cuộc kháng chiến của quân và dân Nam Bộ.

Trước Cách mạng Tháng 8/1945, làng Thọ Lộc thuộc tổng Tịnh Khương, phủ Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Theo lời kể của các bô lão, đình làng có quy mô bề thế vào bậc nhất trong vùng, tọa lạc tại một khu đất cao ráo, nằm bên bờ bắc sông Trà Khúc, cạnh đường liên thôn, rộng chừng non 1 hecta, gọi là vườn Đình.

Cách nay chưa đầy nửa thế kỷ, vườn Đình vẫn còn um tùm cây cối, chung quanh là ruộng mía đồng tranh, quạnh hiu vắng lặng. Người dân trong vùng tin rằng đình làng là nơi rất thiêng, nên mỗi khi có việc đến sân đình hoặc qua lại phía trước tam quan mọi người đều thể hiện thái độ nghiêm cẩn, cung kính.

Thời cuộc đổi thay, ngôi đình theo thời gian trở nên hoang phế, điêu tàn rồi gần như mất hẳn dấu vết vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Chứng tích duy nhất còn lại cho đến nay là cổng tam quan bề thế xây bằng đá ong, gạch và tam hợp chất, mái lợp ngói vảy cá. Mấy chữ đại tự “Thọ Lộc Đình Môn” 壽 祿 亭 門 lờ mờ rêu phủ như cố gồng mình chịu đựng gió mưa để giữ lại một thoáng xa xăm quá vãng.

Cảnh quan tĩch mịch, vắng lặng của đình Thọ Lộc cùng với sự thuận lợi về vị trí và đặc biệt là bản tính chất phác, trung hậu của người dân trong vùng chính là những lý do góp phần quyết định để ông Phạm Văn Đồng - đại diện Chính phủ tại miền Nam Trung bộ và lãnh đạo Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam quyết định chọn nơi đây làm địa điểm đặt cơ sở của Đài Tiếng nói Nam bộ.


Sau một thời gian chuẩn bị, lắp đặt máy móc, Đài tiếng nói Nam bộ có buổi phát thử sóng đầu tiên vào ngày 1/6/1946. Đến hạ tuần tháng 7 năm đó, Đài Phát thanh “Tiếng nói Nam Bộ” chính thức phát sóng buổi đầu tiên với sự có mặt của ông Phạm Văn Bạch- Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ.

Cũng trong buổi phát thanh đầu tiên nầy, ông Phạm Văn Bạch thay mặt Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đọc lời hiệu triệu đồng bào Nam Bộ vùng lên chiến đấu, báo cáo cùng đồng bào cả nước và bè bạn nước ngoài về sự ra đời của Đài phát thanh phục vụ sự nghiệp kháng chiến của quân và dân Nam Bộ.

Nhà cách mạng kỳ cựu, nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn, người trước Cách mạng Tháng Tám - 1945 từng làm thư ký tòa soạn báo L’Avant  garde, cộng tác viên của các tờ Mai, La Lutte, Dân Quyền..., hai lần bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo,  được cử làm Giám đốc đầu tiên của đài.

Tham gia lãnh đạo đài còn có nhà cách mạng Huỳnh Văn Tiểng, ủy viên Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, phụ trách ban Tuyên truyền. Hai ông này cũng đồng thời trực tiếp viết bài cho các mục  Bình luận, Câu chuyện thời sự.

Phụ trách kỹ thuật là ông Cao Văn Hóa (một kỹ sư tốt nghiệp tại Pháp) và cộng sự là chuyên viên cao cấp Vũ Chính Xương – tốt nghiệp Trường Bách nghệ Hà Nội năm 1938.

Tổ máy do ông Vũ Văn Thơ làm tổ trưởng. Tổ điện bào: Nguyễn Văn Thơm, Nguyễn Văn Liêng, Nguyên Văn Nhâm. Biên tập viên: Lương Hưng, Trần Châu, Dương Đức Khôi, Nguyễn Văn Giỏi. Phát thanh viên: Minh Lý, Cẩm Ba, Tuyết Minh. Ca sĩ: Hồng Lan (Xuân Mai), Minh Nguyệt. Nhạc công: Võ Bài, Quách Vĩnh Chương, Phan Huỳnh Tấn...

Đầu năm 1947, đài lại được ông Phạm Văn Đồng cử đến một người Pháp tên là Paul Mettel, nguyên giám đốc mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam), chạy trốn vào rừng trong thời điểm Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), ra cộng tác với chính quyền Cách mạng. Ông này hàng đêm lên sóng phát thanh kêu gọi binh sỹ Pháp ở Đông Dương phản chiến, kêu gọi thế giới ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Mỗi ngày hai buổi (sáng và tối), Đài Tiếng nói Nam Bộ phát đi chương trình trên làn sóng điện 24, 26 th. Mở đầu là lời xưng danh: “Đây là Đài tiếng nói Nam Bộ/ Tiếng nói đau đớn/ Tiếng nói căm hờn/ Tiếng nói chiến đấu”. Tiếp theo là bản nhạc “Thanh niên hành khúc” tấu lên bằng tiếng đàn măng đô lin làm nhạc hiệu.

Tam quan đình Thọ Lộc.
Tam quan đình Thọ Lộc.


Trong cấu trúc chương trình phần tin trong nước đọc trước, phần tin quốc tế đọc sau, mục bình luận và câu chuyện thời sự giữ vai trò quan trọng với những bài viết giàu sức chiến đấu, lý luận đanh thép, có sức thuyết phục và cổ vũ người nghe. Tất cả đều thực hiện trực tiếp trước micro, khái niệm “ghi âm”, “thu âm” chưa từng được nhắc đến.

Ngoài chương trình chính phát bằng tiếng Việt, sau một thời gian ngắn, Đài phát triển thêm các chương trình bằng tiếng Pháp (các ông Lương Hưng rồi Phan Cao Phước phụ trách), tiếng Thái (ông Nguyễn Văn Sơn phụ trách), tiếng Anh (ông Dương Văn Tích phụ trách)...

Cuối năm 1946, do những chuyển biến của thời cuộc và yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến, đặc biệt là để đảm bảo an toàn tuyệt đối, chống sự rình rập, sẵn sàng dội bom đánh phá của đối phương, Đài tiếng nói Nam Bộ dời lên vùng Sơn Tân, huyện Sơn Hà, nay là xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây.

Tại đây, vào tháng 6/1947, với một máy phát 60 W, đài có thêm một làn sóng xưng danh là “Đài Tiếng nói Tháp Mười, tiếng nói lưu động của bưng biền Nam Bộ kháng chiến”với hai người phụ trách biên tập là Phan Huỳnh Tấn và Quách Vĩnh Xương.

  Miếu xóm Gò (Thọ Lộc, Tịnh Hà), nơi làm việc của bộ phận biên tập và studio Đài Tiếng nói Nam Bộ.
Miếu xóm Gò (Thọ Lộc, Tịnh Hà), nơi làm việc của bộ phận biên tập và studio Đài Tiếng nói Nam Bộ.


Hoạt động của đài nầy có ảnh hưởng rất lớn trên chiến trường, khiến chỉ huy quân Pháp ở Nam Bộ cho mở nhiều đợt càn quét, truy lùng. Họ nào ngờ, nơi phát sóng của “Đài Tiếng nói Tháp Mười” ở xa tận ngoài Trung, cách Sài Gòn gần 1.000 cây số. Sau khi chuyển vào Bình Định, làn sóng nầy vẫn duy trì cho đến hết quý I năm 1949.

Cũng trong thời gian đóng tại Sơn Tân, Đài Tiếng nói Nam Bộ được lệnh của Trung ương đảm nhận nhiệm vụ thay thế Đài Tiếng nói Việt Nam từ ngày 7/10/1947 đến 19/12/1947, khi Đài Tiếng nói Việt Nam dời địa điểm.

Ngày 1/12/1947, tại Mộc Hóa (Long An) một đài phát thanh mới phục vụ chiến trường Nam Bộ có tên là “Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến” đã ra đời, báo hiệu một giai đoạn mới của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và cả nước. Ông Nguyễn Văn Tiểng, cùng nhiều cán bộ kỹ thuật và những người làm chương trình của Đài tiếng nói Nam Bộ lần lượt nhận lệnh chuyển về Nam, tăng cường cho Đài Phát thanh Nam Bộ kháng chiến và Sở Thông tin Nam Bộ.

 

 Một số bà con từng giúp đỡ xây dựng Đài Tiếng nói Nam Bộ năm 1946.
Một số bà con từng giúp đỡ xây dựng Đài Tiếng nói Nam Bộ năm 1946.


Đầu năm 1948, Đài Tiếng nói Nam Bộ chuyển vào miền núi tỉnh Bình Định, đổi tên là Đài Tiếng nói miền Nam, mật danh “Ban Tây Sơn”, trực thuộc Liên khu ủy V và Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ. Thời kỳ nầy đài phát sóng ngày 3 buổi (sáng, trưa, tối), mỗi buổi 30 phút và thêm một buổi đọc chậm.

Từ giữa năm 1953, sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, phát đi từ Hà Nội đã mạnh lên, Đài phát thanh Nam Bộ kháng chiến và Đài Phát thanh Sài Gòn – Chợ Lớn tự do đã có chương trình ổn định, vì vậy, theo chủ trương chung, Đài Tiếng nói miền Nam giảm dần hoạt động và đến khoảng cuối năm thì dừng hẳn. Lúc này chiến dịch Đông Xuân 1953 -1954 đã bắt đầu, cuộc kháng chiến chống Pháp anh dũng đã dần đi đến kết thúc thắng lợi. Lịch sử dân tộc, trong đó có ngành báo chí – phát thanh, chuẩn bị bước sang trang mới.

Thực ra, địa điểm đặt Đài tiếng nói Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn đầu tiên (1946) có hai cơ sở. Nơi đặt máy móc là Đình Thọ Lộc. Nơi làm việc của Ban biên tập và studio phát thanh là miếu xóm Gò, cách đình Thọ Lộc chừng 500 m, về phía bắc, cùng thuộc thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà.

Miếu xóm Gò về sau cũng bị hư hại vì mưa nắng và chiến tranh, gần đây đã được người dân đóng góp trùng tu. Nền đất đình Thọ Lộc hiện nay là cơ sở 2 của Trường tiểu học Tịnh Hà số 2, liền phía tây là chùa Thọ Lộc rồi Nghĩa tự của làng, cả 3 đều nằm trong khuôn viên vườn Đình ngày trước.

Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ đã được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, công nhận là Di tích Lịch sử -Văn hóa Quốc gia, tại Quyết định số 921-QĐ/BT ngày 20/7/1994.


                                                                           Thọ Lộc, 3/9/2012
                                                                             Lê Hồng Khánh

Đón đọc kỳ tới: Di tích Trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ.

TIN LIÊN QUAN


 


CÁC TIN KHÁC
.