Giúp người dân tiếp cận thông tin thiết yếu

04:11, 10/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các thông tin thiết yếu, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tăng cường thông tin phục vụ công tác giảm nghèo, nhất là tại địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.
 
Những thông tin bổ ích
 
Bốn năm qua, tại Chi hội Phụ nữ thôn Bắc, xã Trà Sơn (Trà Bồng), hội viên đã xây dựng và duy trì mô hình “Câu lạc bộ đọc và làm theo sách báo để phát triển kinh tế” (Câu lạc bộ). Tham gia mô hình, các thành viên câu lạc bộ được cán bộ phụ nữ tổ chức các buổi đọc, nghiên cứu sách báo, tạp chí về nông nghiệp nông thôn, gương làm kinh tế giỏi, cách làm hay, sáng tạo của người dân.
 
Người dân tìm hiểu những thông tin cần thiết qua báo chí tại điểm Bưu điện văn hóa xã Long Sơn (Minh Long).
Người dân tìm hiểu những thông tin cần thiết qua báo chí tại điểm Bưu điện văn hóa xã Long Sơn (Minh Long).
“Trong các buổi sinh hoạt, các chị em sẽ lựa chọn mô hình kinh tế mà chị em cho là phù hợp với địa phương để cùng bàn cách áp dụng vào thực tế cuộc sống. Từ những buổi sinh hoạt như thế, đã có nhiều phụ nữ trong thôn triển khai mô hình học được qua báo chí và thoát nghèo thành công”, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bắc Hồ Thị Diện cho biết.
 
Tham gia Câu lạc bộ, chị Phạm Thị Hạnh, ở thôn Bắc đã học tập mô hình chăn nuôi heo, gà quy mô lớn qua báo chí và áp dụng vào thực tế tại gia đình mình. Từ đó, chị Hạnh đã từng bước thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các chị em trong thôn. “Nhờ học theo mô hình, cách làm hay trong báo, mà tôi biết đầu tư sản xuất theo hướng quy mô lớn hơn. Nay thì cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá hơn”, chị Hạnh cho biết.
 
Tại xã Long Hiệp (Minh Long), anh Đinh Văn Khó, một trong những người đề xuất ý tưởng và thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông - lâm nghiệp Thành Tiến vào năm 2021 cho biết, đọc thông tin trên báo và xem đài truyền hình, tôi biết được các chương trình mà Nhà nước hỗ trợ cho HTX, như hỗ trợ vay vốn, máy móc... Tiếp đó, khi xem thông tin qua báo, đài về một HTX ở Ba Tơ bán các loại thực phẩm dân dã của người miền núi như thịt trâu gác bếp, thịt heo ky, rồi HTX ở xã Long Hiệp bán được chè xanh vào siêu thị... tôi liền rủ bạn bè, người dân trong thôn, xã cùng làm theo mô hình các HTX trên.
 
Từ khi thành lập đến nay, bình quân mỗi tháng, HTX Nông - lâm nghiệp Thành Tiến thu mua, tiêu thụ cho người dân từ 3 - 5 tấn chè xanh. “Mỗi bó chè xanh bán cho thương lái khoảng 5.000 đồng, còn bán cho HTX thì được 6.000 - 7.000 đồng, nên chúng tôi ưu tiên bán cho HTX”, ông Đinh Hiền, ở thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp cho biết.
 
Đưa thông tin về vùng khó khăn
 
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 833/QĐ-UBND, ngày 29/7/2022 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin được thực hiện từ nay đến năm 2025, với kinh phí dự kiến khoảng 15 tỷ đồng.
 
Theo Sở TT&TT, Tiểu dự án thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ viễn thông. Cùng với đó, tăng cường cung cấp thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động sản xuất cho người dân sinh sống trên các địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và hải đảo, tỉnh sẽ đầu tư điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần tăng cường việc tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư...
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 

.