Vì sao ăn quả mướp có vị đắng dễ gây ngộ độc?

03:06, 19/06/2022
.
Quả mướp rất mát, giàu vitamin và được chế biến thành nhiều món ăn thích hợp trong thời tiết mùa hè nóng nực. Theo chuyên gia dinh dưỡng, không nên ăn mướp có vị đắng sẽ dễ bị ngộ độc. Dưới đây là một số cách chọn, chế biến, bảo quản mướp.
 
Thông tin của TS. BS Phan Bích Nga - Viện Dinh dưỡng Quốc gia về tác dụng cách chọn, chế biến, bảo quản của đối với quả mướp.
 
1. Thành phần dinh dưỡng có trong quả mướp
 
Trong quả mướp có chứa nhiều nước, protid, lipid, glucid, xenlulo, canxi, photpho, sắt, beta-caroten, B1, B6, B2, C…
 
Ăn mướp không sợ tăng cân bởi lượng calo cung cấp từ mướp rất thấp. Khi ăn 100 g quả mướp chỉ cung cấp cho cơ thể 56 Kcalo chiếm 2,8 Kcalo cơ thể cần 1 ngày.
 
2. Tác dụng của mướp
 
Từ lá, hoa, quả và dây mướp đều có thể dùng làm vị thuốc chữa bệnh.
 
Mướp giàu vitamin A, tốt cho thị lực
 
Mướp rất giàu vitamin A với 260 µg trong 100 g mướp (đáp ứng 37% nhu cầu hàng ngày). Ăn mướp trong bữa ăn hàng ngày sẽ cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin A, đây là loại vitamin giúp đôi mắt luôn được sáng khỏe, ngăn chặn thoái hóa điểm vàng và khô mắt. 
 
Quả mướp.
Quả mướp.
Mướp chứa mangan và magie
 
Mướp rất giàu mangan và magie giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Khi ăn 100g mướp, cơ thể sẽ được hấp thụ 20,2 mg magie. Magie là chất thiết yếu tham gia vào quá trình trao đổi glucose từ đó, tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
 
Mướp giàu chất xơ
 
Mướp có phần thịt quả mềm, giàu chất xơ. Chất xơ và phần thịt mềm sẽ kích thích vào thành ruột, làm quá trình nhu động của ruột co bóp mạnh hơn giúp thải phân ra ngoài. Nếu đang bị táo bón, ăn mướp sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
 
Ngoài ra, mướp còn rất tốt đối với những người đang có triệu chứng khó tiêu, giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.
 
Mướp có chứa đồng, người bệnh khớp nên ăn
 
Trong thành phần của mướp có chứa đồng tốt cho người bị bệnh khớp. Đồng là một nguyên tố sản sinh ra chất chống viêm cho cơ thể, nhờ đó, đồng có tác dụng làm giảm đau, cải thiện sự vận động khó khăn do bệnh viêm khớp gây ra.
 
Mướp có nhiều viatmin
 
Mướp có chứa hàm lượng lớn các vitamin như vitamin A, vitamin C, vitamin E. Các vitamin này có tác dụng trong việc cấp ẩm cho da, khiến cho da không bị khô, giúp làn da luôn khỏe mạnh, ngăn ngừa được mụn nhọt.
 
Xơ mướp có nhiều tác dụng
 
Xơ mướp cũng có nhiều tác dụng. Xơ mướp là khi quả mướp già và khô sẽ bóc vỏ để lấy hạt làm giống, phần còn lại sẽ là xơ mướp.
 
Trong y học hiện đại, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, xơ mướp còn có tác dụng hỗ trợ chống viêm sưng, giúp an thần,… Ngoài ra, bên cạnh những tác dụng trong việc chữa trị bệnh, xơ mướp còn được sử dụng là miếng rửa chén, bát, bông tắm, lót giày, túi, nón và chậu hoa,….
 
3. Ai không nên ăn mướp?
 
Mướp thuộc loại tính mát, có tác dụng thanh nhiệt. Vì vậy, những người có thể trạng hàn, tì vị kém không nên ăn mướp và ăn thường xuyên.
 
Do mướp có tính hàn nên người bị tiêu chảy, kiết lỵ cần tránh ăn mướp. Việc ăn mướp sẽ làm cho tình trạng của càng trầm trọng hơn.
 
Mướp nấu canh thịt, rau ngót.
Mướp nấu canh thịt, rau ngót.
4. Cách chọn mướp ngon và bảo quản mướp
 
Có rất nhiều loại mướp nhưng được yêu thích nhất là mướp hương. Cách phân biệt mướp hương với mướp thường. Mướp hương thường dài khoảng từ 25 cm đến 30 cm hoặc dài hơn. Mướp thường cũng có chiều dài như mướp hương nhưng kích thước không to bằng mướp hương.
 
Mướp hương có mùi thơm ngát đặc trưng khi còn tươi, lớp vỏ bên ngoài màu xanh sáng. Còn lớp vỏ bên ngoài của mướp thường có màu xanh đậm, trên bề mặt vỏ có những đường kẻ sọc đậm màu. 
 
Mướp thường khi chế biến thành các món ăn thì không có độ mềm, thơm mà thường dai hơn, ít thơm hơn mướp hương.
 
Khi mua, nên chọn những quả mướp cầm nặng tay, cuống còn tươi và trên vỏ không có vết nám đen. 
 
Bảo quản mướp bằng cách: có thể bọc thật kĩ và để vào tủ lạnh. Hoặc rửa thật sạch xong đặt vào túi zip và để ở nơi nhiệt độ không quá cao.
 
5. Ăn mướp bị đắng có thể bị ngộ độc
 
Mướp xào hoặc nấu luôn có vị ngọt. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta lại thấy có vị đắng. Nguyên nhân mướp bị đắng có thể do ong châm hoặc do môi trường trồng cây bị ô nhiễm, chăm bón phân không đúng cách, hoặc bảo quản không đúng cách. Việc cây bị thiếu chất khiến quả thiếu dinh dưỡng cũng dẫn đến quả mướp bị đắng.
 
Ăn mướp bị đắng có thể bị ngộ độc bởi phần bị đắng có chứa chất alkaloid. Chất alkaloid là chất có dược tính mạnh tồn tại trong thực vật, cơ thể người rất nhạy cảm với độc tính của của chất này. 
 
Bị ngộ độc mướp có những biểu hiện như chóng mặt, suy nhược, co thắt dạ dày và các triệu chứng ngộ độc khác sau khi ăn. Vì vậy, khi thấy mướp bị đắng, nên bỏ không ăn số mướp này.
 
6. Các món ngon từ mướp
 
    Canh mướp nấu tôm
    Mướp xào tỏi
    Canh mướp chay
    Mướp xào giá đỗ
    Canh mướp nấu thịt
    Lòng gà xào mướp
    Canh mướp rau ngót
    Mướp nhồi thịt
    Mướp xào thịt bò
    Mực xào mướp
    Ếch xào mướp
    Canh mướp nấu lạc
    Canh mướp nấu mồng tơi
    Canh mướp nấu nghêu
 
Theo Thanh Loan/SKĐS

.