Nhà sáng chế "chân đất"

08:01, 29/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Không qua bất kỳ một lớp đào tạo về chế tạo máy, nhưng với tư chất thông minh, đam mê nghiên cứu, sáng tạo, ông Trần Kim Hiệp (53 tuổi), thôn Vạn Tường, xã Bình Hải (Bình Sơn) đã tự tay chế tạo ra những loại máy móc, phương tiện sản xuất độc đáo.
 
Với những nỗ lực của mình, ông Hiệp là một trong 68 cá nhân được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ 3.
 
Nghèo khó sinh sáng chế
 
Cơ duyên đến với sáng chế và trở thành “Nhà Khoa học của nhà nông” đối với ông Hiệp là một chặng đường dài và đầy gian nan. Sinh ra trong gia đình thuần nông, có đông anh chị em, khiến cuộc sống thuở bé của ông Hiệp vô cùng khó khăn. Năm 13 tuổi, ông cùng gia đình vào Vũng Tàu mưu sinh, thế nhưng, theo học nơi đất khách không lâu, ông Hiệp phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Sau đó, ông tìm được việc làm tại một xưởng cơ khí. Gắn bó với nghề cơ khí ngót nghét 20 năm, cũng là lúc ông Hiệp cùng vợ quyết định trở về quê nhà ở Bình Hải sinh sống.  
Ông Trần Kim Hiệp, xã Bình Hải (Bình Sơn) với sáng chế máy lột vỏ keo tự động.
Ông Trần Kim Hiệp, xã Bình Hải (Bình Sơn) với sáng chế máy lột vỏ keo tự động.
Tại đây, với những kiến thức đúc kết trong sản xuất, cùng với tính đam mê sáng tạo, ông Hiệp đã bắt tay vào hành trình nghiên cứu, chế tạo ra các sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống, sản xuất cho người nông dân. Ông Hiệp chia sẻ: “Chính những những lúc khó khăn trong cuộc sống, đã thôi thúc tôi suy nghĩ, tìm cách chế tạo ra những sản phẩm, máy móc để bản thân và người nông dân đỡ vất vả hơn trong quá trình làm nông nghiệp. Ban đầu, khi bắt tay vào chế tạo, tôi đã có những lúc dở khóc, dở cười, vì sản phẩm phải làm đi làm lại nhiều lần. Nhưng nhờ đối mặt với những cái khó đã giúp tôi có thêm nhiều kỹ năng, kiến thức để mạnh dạn nghiên cứu, sáng chế ra những sản phẩm khác”.
 
Ông Hiệp nói vui, về quê ông trở thành “thợ đụng” thực thụ, nghề nào ông cũng làm qua, lúc thì phụ vợ buôn bán tạp hóa,  lúc thì lại đi xẻ gỗ hay làm tài xế. Không bao giờ ông chịu ngồi yên, nhưng chỉ có lúc chế tạo là ông mải mê quên cả thời gian. Sản phẩm đầu tay mà ông tạo ra đó là hệ thống xẻ gỗ bằng máy cày. Trải qua thời gian dày công sáng chế, sản phẩm này đã giúp ông Hiệp vận hành trong mọi địa hình, nhờ đó năng suất lao động cũng tăng hơn.
 
Cùng với niềm đam mê sáng chế máy móc, ông Hiệp còn có sở thích hội họa và biến tấu những gốc cây to thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. Cũng từ đây, ông lên bản thảo và chế tạo ra “máy sản xuất gỗ mỹ nghệ” để giảm công lao động, cũng như tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm.
 
Sống hết mình với đam mê
 
Suốt 16 năm qua, ông Hiệp là tác giả của hơn 10 loại sản phẩm, máy móc. Tiêu biểu như “máy tiện gỗ đa năng”, “bẫy lồng tự động bắt chuột”, “lưỡi cưa đá ong cải tiến”, “túi hứng nước mưa giằng trên mái nhà chống bão”... Gần đây nhất, ông Hiệp đã sáng chế ra máy lột vỏ cây keo tự động. Ông Hiệp cho hay: Máy được chế như chiếc ô tô, có thể di chuyển mọi nơi, chỉ cần một người đưa trực tiếp cây keo vào máy, hệ thống sẽ tự động lột vỏ keo và vận hành đưa lên xe chuyển đi. Máy có thể điều chỉnh tốc độ, một cây keo từ lúc lột vỏ đến khi đưa lên xe chỉ mất chưa đến 30 giây, nên giảm được chi phí thuê nhân công, hiệu quả vượt trội so với phương pháp thủ công. 
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hải Võ Văn Chanh nhận xét: “Là một thợ tay ngang, nhưng ông Hiệp luôn tâm huyết chế tạo ra các thiết bị, máy móc rất hữu ích trong đời sống, sản xuất. Với những nỗ lực mày mò, nghiên cứu, ông nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen từ Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh và hội nông dân các cấp. Đặc biệt, cuối năm 2020, ông Hiệp vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là “Nhà Khoa học của nhà nông”.
 
Trò chuyện với ông Hiệp, chúng tôi mới cảm nhận hết được niềm say mê, sức sáng tạo mãnh liệt của nhà sáng chế này. Bởi tất cả các giải pháp sáng chế, ông Hiệp đều tự tích góp tiền túi để thực nghiệm. “Có những sản phẩm khi chế tạo phải mất gần 200 triệu đồng, như máy lột vỏ keo tự động. Kinh phí cho sáng chế quá lớn, buộc tôi phải làm thêm việc khác để có tiền mua nguyên vật liệu. Có những sản phẩm kéo dài đến vài năm mới hoàn thành, nhưng tôi xem đó không phải là những trở ngại, mà là những kỷ niệm khó quên, để phấn đấu hoàn thiện sản phẩm đến cùng”, ông Hiệp bộc bạch.
 
Những tấm Bằng khen, giấy khen chứng nhận về những giải pháp sáng chế được ông Hiệp cất giữ cẩn thận. Với ông Hiệp, mỗi khi mệt mỏi hay gặp khó khăn, nhìn những thành tích mà bản thân đạt được, đã tiếp thêm động lực để ông vượt qua và tiếp tục hành trình sáng chế.
 
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
 
 

.