Hàn Quốc - Nhật Bản căng thẳng: Ngành công nghệ toàn cầu ảnh hưởng

10:07, 16/07/2019
.

Trước tình hình căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự kiến sẽ chính thức thảo luận về vấn đề Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc.

TIN LIÊN QUAN

 Người dân Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Ảnh: EPA
Người dân Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Ảnh: EPA

Nhật Bản cân nhắc thêm lệnh hạn chế

Hãng tin Yonhap ngày 15-7 dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng Tokyo dường như sẵn sàng mở rộng quy mô kiểm soát xuất khẩu vượt ra khỏi lĩnh vực nguyên liệu công nghệ cao, động thái có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuyên gia Kim Gyu-pan từ Viện Nghiên cứu Chính sách kinh tế quốc tế của Hàn Quốc cho rằng, các nguyên liệu hóa học công nghệ cao và pin li-ti, vốn đang được sử dụng trong ứng dụng quân sự cũng như một số công cụ máy móc, có thể nằm trong danh mục hạn chế xuất khẩu bổ sung của Nhật Bản.

Hôm 4-7 vừa qua, Nhật Bản đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu 3 nguyên liệu chính được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình sang Hàn Quốc - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF) - các nguyên liệu mà Hàn Quốc nhập khẩu tới 94% từ Nhật Bản.

Ngoài việc áp dụng quy định xuất khẩu nghiêm ngặt xuất phát từ tranh cãi về vấn đề lao động bị cưỡng bức thời chiến, Tokyo còn xúc tiến việc loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách nước mua hàng uy tín, điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động cung cấp các nguyên liệu chính để chế tạo điện thoại thông minh, TV, hóa chất và các nguyên liệu công nghiệp khác.

Mặt trái của sự liên kết

Bộ phận phân tích của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s nhận định, tranh cãi thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc kéo dài sẽ giáng một đòn mạnh hơn nữa vào lĩnh vực công nghệ toàn cầu vốn đang rất trì trệ. Các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc như Samsung Electronics Co. và SK hynix Inc. sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm các nguồn cung ứng thay thế, vì Nhật Bản chiếm 70%-90% sản lượng 3 nguyên liệu này.

Ngày 15-7, Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) - một nhóm vận động doanh nghiệp của Hàn Quốc - đã kêu gọi Nhật Bản rút lại quyết định siết chặt xuất khẩu hàng công nghệ cao sang Hàn Quốc để tránh các rủi ro tiềm tàng với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo chuyên gia của Moody’s, các chuỗi cung ứng liên kết đã tạo ra lợi ích lớn cho nền kinh tế toàn cầu, thông qua chuyên môn hóa và hiệu suất ngày càng cao. Nhưng các tranh cãi thương mại bùng nổ và leo thang trong năm qua đã cho thấy mặt trái của sự liên kết khi đây là một nguyên nhân gây bất ổn, vì một quốc gia rất dễ gây tổn thương cho các đối tác thương mại bằng cách hạn chế hoặc áp đặt hàng rào thương mại đối với các loại hàng hóa quan trọng. Sự suy yếu của một nền kinh tế này có thể làm gia tăng vị thế của nền kinh tế khác, vì họ là đối thủ cạnh tranh trong một loạt hàng hóa.

Trung Quốc cũng là một đối tác của Hàn Quốc cung cấp các nguyên liệu trên, song có thể cần nhiều thời gian để Bắc Kinh tăng sản lượng lấp “chỗ trống” Nhật Bản. Tình hình này sẽ gây ra các tác động ngược trên quy mô toàn cầu và diễn ra vào đúng giai đoạn lĩnh vực công nghệ toàn cầu rất yếu ớt, đang trên đà đi xuống trong hơn một năm qua.

Giới chức Nhật Bản cho rằng một số lượng hydrogen fluoride xuất khẩu sang Hàn Quốc đã được chuyển đến Triều Tiên. Loại vật liệu này thường được sử dụng để sản xuất thiết bị bán dẫn song cũng có thể dùng để chế tạo bom hóa học. Trước tình hình này, theo yêu cầu của Hàn Quốc, WTO dự kiến sẽ chính thức thảo luận về vấn đề trong 2 ngày 23 và 24-7.

Theo HẠNH CHI/SGGPO

 


.