Châu Âu căng mình đối phó với nạn buôn người từ Trung Đông

09:07, 28/07/2016
.

Cuối tuần qua, 87 xác người chết đã được tìm thấy tại bờ biển Sabrata, một thành phố ven biển ở phía Tây Libya.

Tất cả những người này được xác định là những người tị nạn chết đuối trên đường tìm vào châu Âu. Tình hình này cho thấy công cuộc tìm đường sang châu Âu, có thêm sự tổ chức và kích động của các tổ chức buôn người bất hợp pháp, càng làm châu Âu phải đau đầu và căng mình ứng phó.

 

Các nước châu Âu đang vất vả đối phó với vấn nạn người di cư từ Trung Đông sang châu Âu. Ảnh AP
Các nước châu Âu đang vất vả đối phó với vấn nạn người di cư từ Trung Đông sang châu Âu. Ảnh AP


Hoạt động hết công suất để cứu người tị nạn

Tiếp theo Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, Italy, Libya cũng lo ngại về việc thành phố ven biển Sabrata trở thành một trung tâm “buôn người và chứa chấp những người nhập cư trái phép”. Libya kêu gọi các nước châu Âu cùng hợp tác trong việc chặn đứng làn sóng di cư trái phép vào châu lục được xem là thiên đường đối với người nhập cư.

Các đội tuần tra của châu Âu và Italy hàng tuần đều phải huy động tàu chiến và lực lượng an ninh để giải cứu các con tàu của bọn buôn người đưa người nhập cư vào Italia rồi tản khắp châu Âu.

Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn, kể từ năm 2014, hơn 10.000 người di cư đã chết hoặc mất tích trên đường vượt biển vào châu Âu. Theo một báo cáo của Europol, riêng trong năm ngoái, mạng lưới tội phạm liên quan tới nạn buôn người đạt doanh thu ước tính khoảng từ 3 tỷ tới 6 tỷ euro. Europol cũng cho biết đã có thông tin tình báo của hơn 40.000 người bị tình nghi tham gia vào mạng lưới buôn người di cư.  

Chỉ riêng năm ngoái, thông tin về hơn 10.000 nghi phạm đã được chia sẻ với Europol, dẫn tới hơn 1.500 cuộc điều tra được tiến hành nhằm vào các mạng lưới đang hoạt động tại Liên minh châu Âu.

Đáng báo động hơn là số phận của những đứa trẻ di cư. Theo Europol, hơn 10.000 đứa trẻ đã biến mất ở châu Âu trong hai  năm vừa qua. Cơ quan phối hợp lực lượng cảnh sát các nước châu Âu đặt trụ sở tại Hà Lan ước tính 27% người di cư đến châu Âu trong năm ngoái là trẻ em. Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) ước tính có khoảng 26.000 đứa trẻ không có người thân thích đã vào châu Âu trong năm ngoái.

Trẻ em “miếng mồi ngon” của những kẻ buôn người

Theo tờ Người quan sát, báo tuần của tập đoàn Guardian, Cơ quan tình báo châu Âu chỉ ra một hệ thống tội ác xuyên châu Âu trục lợi từ cuộc khủng hoảng nhập cư. Từ việc buôn bán người để làm nô lệ, khai thác tình dục, trong đó, trẻ em là những nạn nhân đáng thương nhất.

Người đứng đầu Europol Brian Donald cho biết riêng tại Italy có khoảng 5.000 đứa trẻ bị mất tích, khoảng 1.000 khác mất tích trên đường vào Thụy Điển. Bọn buôn người bắt những đứa trẻ sau khi đã nhập cảnh thành công vào châu Âu và sau đó đưa đi để khai thác tình dục hoặc bắt làm nô lệ.

Cơ quan an ninh Thụy Điển cũng báo động rằng có rất ít thông tin về những việc xảy ra sau các vụ mất tích người di cư, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, Europol đã có nhiều bằng chứng cho thấy những đứa trẻ nhập cư vào châu Âu đã bị khai thác tình dục mọt cách nặng nề.

Trước tình hình này, châu Âu phải căng mình ra đối phó. Từ việc cứu trợ các tàu chở người di cư do bọn buôn người tổ chức đưa trái phép một cách ồ ạt vào châu Âu.

Trước tình cảnh khó khăn đối với trẻ em, nước Anh đã ra tuyên bố tiếp nhận những đứa trẻ bị tách khỏi gia đình trong các cuộc xung đột, chiến tranh. Tại Đức và Hungary, nhiều tên tội phạm đã bị bắt giữ do có hành vi bóc lột những người di cư và có nhiều nhà tù tại Đức và Hungary trong đó giam giữ phần lớn là những kẻ bị cáo buộc có các hành động bạo lực và hình sự liên quan đến cuộc khủng hoảng nhập cư.

Vào tháng 2 vừa qua, châu Âu đã sửa luật, cắt bỏ cụm từ “lao động tình dục” đối với đối tượng là trẻ em; bởi rõ ràng, trẻ em bị đưa vào con đường này là những nạn nhân bị lạm dụng tình dục, không thể đánh đồng với các đối tượng “bán dâm” khác.

Cuộc khủng hoảng người nhập cư đã dẫn tới những lời kêu gọi đưa Hy Lạp ra ngoài biên giới khu vực tự do đi lại Schengen – điều mà theo đặc trách của LHQ về người tị nạn Peter Sutherland là “vô nhân đạo” và vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản của châu Âu.

NATO cũng phải vào cuộc

Mới đây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đáp ứng lời kêu gọi từ Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp mong có thêm một đội an ninh để chống nạn buôn người trong cơn khủng hoảng tị nạn chưa từng có đối với châu Âu.

Chỉ huy lực lượng cảnh sát của NATO tại châu Âu nhấn mạnh “đã yêu cầu đưa lực lượng hải quân tuần tra thường trực của NATO về vùng biển Épee của châu Âu và khởi động ngay không trậm chễ các hoạt động tuần tra”.

Đây là lần đầu tiên NATO triển khai hoạt động tuần tra biên giới, bởi trước nay, tổ chức này đã từ chối can dự vào cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ tại châu Âu. Bộ trưởng quốc phòng Hy Lạp nhấn mạnh rằng việc triển khai các tàu chiến của NATO sẽ giúp giải quyết tận gốc vấn đề di cư.

Rõ ràng châu Âu đang phải tổng lực triển khai để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, vốn mang trong đó nhiều vấn đề nghiêm trọng như nạn buôn người./.

Theo Thùy Vân/VOV.vn

 


.