Cho em yêu làn điệu bài chòi

06:02, 15/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lão nghệ nhân say sưa ca hát, truyền dạy kỹ năng luyến láy, ngân nga làn điệu bài chòi thấm đượm tình quê. Học sinh thì chăm chú lắng nghe như muốn ghi nhớ từng lời vào tâm trí... 
[links()]
 
Khơi dậy niềm đam mê bài chòi
 
Sản phẩm "Giữ gìn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi trong cộng đồng" của Trường THCS Phổ Cường (TX.Đức Phổ) vừa đoạt giải Nhì Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh đã làm nức lòng người dân địa phương. Trong đó, có đoạn video do học sinh của trường hát bài chòi lan truyền trên mạng xã hội thu hút đông đảo lượt xem. Giọng ca chưa thật nhuần nhuyễn nhưng khiến nhiều người thích thú, thêm yêu quê hương sâu nặng nghĩa tình.
 
Nghệ nhân ưu tú Võ Duy Khánh truyền dạy kỹ năng hát bài chòi cho học sinh Trường THCS Phổ Cường (TX.Đức Phổ).  Ảnh: MẠNH TÙNG
Nghệ nhân ưu tú Võ Duy Khánh truyền dạy kỹ năng hát bài chòi cho học sinh Trường THCS Phổ Cường (TX.Đức Phổ). Ảnh: MẠNH TÙNG
Lời ca hội bài chòi xưa lạ lẫm được các em thể hiện rất vui tươi: "Uơ... uơ... chín chòi lẳng lặng mà nghe đây/ Tay tôi rút xả là cái ông ầm/ Hay đi sụp hầm là anh tứ cẳng/ Một dề trăng trắng là chị bạch huê/ Ăn cận nằm kề là anh chín gối/ Ba chìm bảy nổi là chị sáu ghe/ Lập bạn lập bè là anh ngủ dụm...". Câu ca ngày cũ đưa người nghe về xuân xưa. Trên bãi đất rộng bằng phẳng, người dân tụ tập quanh hội bài chòi rộn rã nói cười. Lời hô bài chòi (hô thai) hòa cùng tiếng mõ tre giục giã lòng người vui chơi cho vơi nỗi nhọc nhằn sau cả năm làm lụng. "Lúc trước em nghe người lớn nói về bài chòi nhưng chưa được nghe. Giờ nghe rồi thích lắm", em Dương Đào Anh Thư, Trường THCS Phổ Cường, thổ lộ.
 
Khúc hát tham dự hội thi được nghệ nhân ưu tú Võ Duy Khánh cải biên, lời ca xen giữa xưa và nay làm say đắm tâm hồn tươi trẻ. Những ca từ mộc mạc, nhắc nhở các em chăm chỉ học hành: "... Hoạt động nghiên cứu tăng cường/ Nâng cao kiến thức học đường từ đây/ Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy/ Con ngoan, trò giỏi có ngày vinh quy...". "Lúc nhỏ em nghe ông bà nội hát bài chòi nên thích lắm. Nhưng bây giờ bài chòi không phổ biến rộng rãi mà bị âm nhạc hiện đại lấn át. Em lên mạng tìm hiểu và biết bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vậy nên, em cùng một bạn học chung trường quyết định chọn bài chòi để dự thi và mong muốn ngày càng có nhiều người yêu thích bài chòi...", em Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trường THCS Phổ Cường, tâm sự.           
 
Đưa bài chòi vào trường học
 
Gần 1 năm trước, Ban Giám hiệu Trường THCS Phổ Cường dự định đưa bài chòi vào giảng dạy trong nhà trường. Qua đó, giúp cho học sinh hiểu về bài chòi và thêm yêu làn điệu dân ca quê mình. Rồi dịch bệnh bùng phát, các em dừng việc đến trường nên chưa thể trao truyền những lời ca đậm đà bản sắc quê hương. Vì thế, thầy cô nhà trường tán thưởng khi hai học sinh trình bày ý tưởng chọn dân ca bài chòi tham gia hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.
 
Đội hát múa bài chòi của Trường THCS Phổ Cường (TX.Đức Phổ).                  Ảnh: MẠNH TÙNG
Đội hát múa bài chòi của Trường THCS Phổ Cường (TX.Đức Phổ). Ảnh: MẠNH TÙNG
Thầy giáo Nguyễn Mạnh Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Cường, cất công sưu tầm tư liệu, hình ảnh hoàn thành báo cáo nghiên cứu khoa học của đề tài dài hơn 70 trang. Nhà trường mời nghệ nhân ưu tú Võ Duy Khánh luyện tập cho các em múa hát để ghi hình, hoàn thành video tham dự hội thi. "Bài chòi khó hát hơn những thể loại nhạc khác. Nhưng khi hát được rồi thì thấy hay lắm. Lời ca mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa, nặng tình quê hương. Vậy nên, em rất thích hát bài chòi...", em Phan Huỳnh Diệu My, thành viên đội văn nghệ nhà trường, bộc bạch.
 
Giọng ca trong trẻo ngân nga, luyến láy khiến thầy cô vô cùng thích thú. Ban Giám hiệu nhà trường mời nghệ nhân Khánh giảng giải 1 buổi về bài chòi qua hình thức trực tuyến. Người nghệ nhân già say sưa ca hát, truyền dạy kỹ năng luyến láy, ngân nga làn điệu bài chòi thấm đượm tình quê. Qua màn hình, nhiều học sinh chăm chú lắng nghe như muốn ghi nhớ từng lời vào tâm trí. Hình ảnh khiến ông nhớ về ngày thơ trẻ hào hứng đến nghe bài chòi khi dăm ba người làng tụ họp vui ca. "Thấy các cháu ghiền nghe, ham hiểu biết về bài chòi tôi vui lắm. Nếu truyền dạy, khuyến khích các cháu hát bài chòi thì không lo ngại bị mai một...", nghệ nhân Khánh tâm sự.
 
Những người tâm huyết với làn điệu dân ca quê hương đã "khơi lửa bài chòi" trong tâm hồn học sinh. Các em như chim sơn ca ngân nga điệu hát thắm đượm tình quê được trao truyền qua bao thế hệ. Những lời ca dân dã, mượt mà nhắn nhủ mọi người sống yêu thương nhau cho đời thêm tươi đẹp, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước. "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa bài chòi vào chương trình giáo dục địa phương, môn âm nhạc và tất cả các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Qua đó, giúp các em hiểu được giá trị của thể loại dân ca này và góp phần nhân rộng ra cộng đồng...", thầy Tùng cho biết.
 
TRANG THY
 
 
 

.