Bài vè thợ đúc và câu chuyện giải mã

08:09, 03/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vè thợ đúc là loại văn vần dân gian, kể về nghề làm thợ đúc đồng, nhưng muốn giải mã nó để hiểu thấu đáo lại phải có nhiều tri thức khác nhau, kể cả dựa vào sách vở chính thống. Vè thợ đúc gợi nhớ một làng nghề truyền thống vang bóng một thời ở Quảng Ngãi.
 
 
Hồi năm 1965, 1966, tôi sáu bảy tuổi, cũng là năm quê tôi chiến tranh diễn ra ác liệt. Người làng tôi bỏ quê đi sống ở nhiều nơi để tránh chiến sự. Cả xóm vườn nhà đều hoang vắng. Cha tôi công tác ở xã, lúc về nhà lúc chạy lên núi tránh càn. Đại bác bắn vào làng bất kể ngày đêm, cho nên gia đình tôi đắp một cái hầm đất tránh pháo. Ban ngày, nghe tiếng đề-pa của đại bác là nhanh chân chạy vào hầm, còn ban đêm ông nội tôi cùng các cháu nhỏ xuống hầm ngủ, vì pháo bắn bất ngờ không dậy chạy kịp. Hầm đắp đất trần chữ A, bình đồ chữ Z, hai đầu có hai cửa, bên trong kê mấy miếng ván làm sạp ngủ. Không có mùng màn, sợ muỗi đốt, thì cứ chạng vạng gom ít lá cây khô đem đặt ở cửa hầm, đốt lửa un khói, dùng cái quạt mo quạt cho khói vào hầm đuổi muỗi ra khỏi hầm. Muỗi vẫn vo ve. Lại còn kiến cắn. Ông nội bèn đọc bài ca dao, hát hố, đọc vè dỗ cháu quên muỗi, quên kiến để ngủ. Nhờ thế mà tôi thuộc được kha khá bài “Tam thiên tự” (Ba ngàn chữ Hán), nhiều bài ca dao và cũng không thể quên bài vè thợ đúc. 
 
Tuổi thơ ngây thơ chưa hiểu biết, nhưng bài vè in vào tâm khảm không quên được. Sau này nhớ lại mới biết sở dĩ ông có bài này bởi làng tôi nằm sát bên làng Chú Tượng chuyên nghề đúc đồng. Tiếc rằng vài chục năm trước đây, khi nghề đúc đồng Chú Tượng chỉ còn vài hộ đúc, tôi hỏi người thợ đúc có biết bài vè ấy không thì ông bảo không biết. Tôi thực sự thất vọng vì nghề mạt vè cũng mạt theo. Chưa thấy có sách vở nào nói về bài vè này cả. Năm 1992, nhân làm sách về thơ ca dân gian tôi có đưa bài vè này vào sách, đó là lần đầu bài vè được ghi vào sách vở (có thể ghi lại có chút sai sót, nhưng trên đại thể là chuẩn xác - PV).
 
Vè cũng dụng văn vần như ca dao, nhưng nếu ca dao thuộc về phương thức nghệ thuật trữ tình thì vè thuộc về tự sự, tức là kể chuyện. Như vè chàng Lía thì kể về hành trạng chàng Lía, vè cá biển thì kể về các loài cá, vè ở mướn thì kể thân phận kẻ đi ở cho người khác. Vè không bộc lộ tình cảm như ca dao. Nhưng tôi đọc thấy cái khí thế của bài vè, ngay từ câu mở đầu: Thợ đúc, thợ đúc/ Trong nhà phú túc. Phú là giàu, mà túc là đầy đủ. Lại nhớ đến làng Chú Tượng xưa, gần như làng đúc đồng duy nhất của Quảng Ngãi, rất hưng thịnh bằng nghề đúc đồng và cũng từng tự hào vì “đúc một ống ngoái trầu hơn làm một sào ruộng”. Sau “giới thiệu” này, vè kể về quy trình làm nghề, nào đào đất sét, nào quết đất cho nhuyễn rồi nắn khuôn, nắn nồi, nào đào lò dựng bể, nào nấu đồng ra nước... rồi mới đến cung đoạn đổ vào khuôn đúc. 
 
Bài vè thợ đúc
 
Thợ đúc thợ đúc/ Trong nhà phú túc/ Anh em lại đông/ Rủ nhau ra đồng/ Mà đào đất sét/ Đem về mà quết/ Với trấu với than/ Quết cho kỹ càng/ Quết cho nó nhuyễn/ Mới nắn đặng khuôn/ Mới nắn đặng nồi/ Nắn khuôn vừa rồi/ Đào lò dựng bể/ Làm gà thợ lễ/ Thợ mới nấu đồng/ Thợ đúc có công/ Nấu đồng ra nước/ Thợ mới đúc được/ Nồi bảy nồi ba/ Thợ mới đúc ra/ Đồng la, ống nhổ/ Nấu đồng thợ đổ/ Đổ cái mâm thau/ Đúc khối, đúc mau/ Chân hương, nồi lửa/ Thợ nào khéo nữa/ Đúc hộp, đúc ve/ Lẳng lặng mà nghe/ Đúc chuông, đúc Phật/ Đúc đủ các vật/ Sư tử, kỳ lân/ Đúc những trái cân/ Cùng là đạn súng/ Đúc đồ công dụng/ Đúc súng cho vua/ Đúc những súng đua/ Cùng là súng cắp/ Anh thợ nào khéo/ Ty đã chánh ty/ Đúc những hồng y/ Cùng là đại bác/ Lương ăn tiền phát/ Họ trở về làng/ Ăn ở viễn vang/ Hai đàng đều đẹp.
Kế đó, bài vè kể hàng loạt sản phẩm đúc khác nhau, trước tiên là đúc nồi nấu các cỡ. Câu 21 kể việc đúc đồng la, ống nhổ. Đồng la tức là cái chiêng đồng mà người xuôi dùng trong đình chùa, người miền núi làm nhạc cụ cồng chiêng. Còn ống nhổ là cái gì hẳn nhiều bạn trẻ ngày nay nhiều người không biết. Nó là vật dụng để nhổ bã trầu. Ngày xưa có rất nhiều người ăn trầu, không có ống nhổ thì người ta phải nhổ ra đất. Nên ngày xưa rất nhiều người phải sắm ống nhổ, nếu muốn nhà cửa sạch sẽ. 
 
Hồi Bệnh viện Quảng Ngãi mới xây dựng lại sạch đẹp, các bác sĩ sợ nhất các bác ăn trầu chính là vậy. Câu 29 nói về đúc chuông đúc Phật, gợi nhớ rằng làng Chú Tượng là nơi từng đúc chuông Thần cho chùa Thiên Ấn và chuông ở nhiều chùa khác. Câu 37 nói đến súng cắp có lẽ là súng kíp là loại súng thường có thời xưa, cũng như súng đua. Từ câu 33 đến câu 41 kể về chuyện đúc súng. Nếu như trên kia kể các đồ cúng và sinh hoạt, thì đến đây kể đến chế tạo vũ khí. Câu 38 - 39 (Anh thợ nào khéo/ Ty đã chánh ty) thì chữ ty này nghĩa là hội làng nghề thủ công và chánh ty có nghĩa là người nghệ nhân bậc cao, đạt đẳng cấp trưởng hội đúc. Câu 40 nói chuyện đúc “hồng y” khá khó hiểu. 
 
Thông thường ngôn ngữ tiếng Việt xuất hiện hai chữ “hồng y” trong cụm từ chỉ một chức danh trong Thiên chúa giáo (Hồng y giáo chủ - Cardinal) trong đó hai chữ “hồng y” nghĩa là áo đỏ. Nhưng ở đây đúc đồng, mà đúc “hồng y” là thế nào? Nhưng rồi đọc bộ sách chính sử Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, tôi đã bắt gặp lời giải cho mình. Thì ra trong các loại đại bác (súng lớn) do triều đình nhà Nguyễn tổ chức đúc, có một loại gọi là “Hồng y cương pháo”. Vậy là trong làng nghề đúc Chú Tượng có người đã đạt trình độ cao về đúc, mới đúc được các loại súng lớn, “hồng y”, “đại bác”. Đúc trong trường hợp này nên hiểu là luyện kim và đúc, bởi vũ khí là để bắn, không phải để nấu như nồi, để gõ như chuông hay đồng la, súng nhỏ súng lớn khi nổ có độ “phá” rất cao ở thân súng, đúc như nồi như chuông chắc chắn bắn chưa tới địch đã vỡ toác nòng, chết ngay quân mình. 
 
Thời vua Khải Định hồi Pháp thuộc có ông thợ Võ Hiệt, thợ Kinh làng Chú Tượng được vời ra kinh đô Huế đúc tượng cho vua, được ghi trong Quảng Ngãi tỉnh chí của Nguyễn Bá Trác. Điều ấy khiến ta tin rằng thời phong kiến khi chưa có Pháp xâm, ở Chú Tượng đã có những thợ đúc bậc cao, có thể đúc súng cho vua, đúc hồng y, đại bác và được hưởng lộc như bài vè đã kể. Tiếc thay một làng nghề hưng thịnh và chỉ còn đây bài vè thợ đúc: Thợ đúc, thợ đúc...
 
 CAO CHƯ
 
 
 

.