Nhà

10:08, 24/08/2021
.
*Truyện ngắn của TRUNG ÂN
 
(Báo Quảng Ngãi)- Tốt nghiệp đại học được vài tháng, Minh dọn đến ở chung cư gần chỗ làm. Đó là một chung cư nhỏ, mảng tường màu vàng bám đầy rêu, cửa sổ phòng nào cũng sơn màu trắng.
 
Minh thường nhìn sang cửa sổ phòng đối diện - nơi hai cha con Lam sống ở đó. Chung cư ấy y hệt chung cư Minh đang ở, cả hai toà nhà song song nhau như một toà tháp đôi. Từ lối đi cho tới các hành lang, các căn phòng, từng ô cửa sổ, từng cái rèm cửa... Chúng giống nhau đến nỗi khiến người ta có thể nhầm lẫn khu này với khu khác.
 
Dần trở thành thói quen, Minh luôn nhìn về phía căn phòng ấy khi vừa từ nơi làm việc trở về. Minh thường hồi hộp đợi cho đến khi căn phòng đối diện ấy bật sáng, rồi mới cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Thường ngày, Minh sẽ thức dậy vào lúc 6 giờ để thấy Lam tưới cây. Xong xuôi mọi việc, Lam sẽ cầm cái đĩa gốm màu hồng ra ban công cho lũ mèo ăn sáng lúc hơn 7 giờ một chút.
 
Cả hai đến chung một quán cà phê vào Chủ nhật hằng tuần. Lam giống như bao cô gái khác, không có những kiểu tóc thời trang theo thời và luôn diện áo thun phối cùng quần jeans, vậy mà luôn thu hút người đối diện. Chợt Lam nhìn lên và thấy Minh cũng đang nhìn mình, không biết tại sao Minh lại nở một nụ cười và Lam cũng cười đáp lại.
 
Minh gọi ly cà phê đen rồi ngồi nghe những điệu nhạc xưa cũ từ thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Còn Lam với mái tóc xoã dài hơi rối vì chạy nhanh, gọi một cốc sữa chua rồi chăm chú làm việc trên laptop.
 
Sau vài tháng Minh lui tới, quán dựng một tủ sách nhỏ, bày các loại truyện, sách về lịch sử, khoa học và tạp chí. Lịch đến quán cà phê của cả hai có thêm vài hôm thứ Bảy. Rồi những cuộc trò chuyện ở quán cà phê thành trò chuyện trong nhà sách, trong sảnh chờ của rạp chiếu phim, trong những buổi chiều đi lễ nhà thờ...
 
Lam liếc nhìn đồng hồ rồi mặc vội chiếc áo khoác màu kaki đã sờn cũ. Vội ra ngoài phòng bếp đã thấy ba thức dậy từ sớm để nấu cho Lam một nồi cháo thịt bằm. Ông nhìn con gái với vẻ xa xăm, đượm buồn như muốn nói một lời xin lỗi với con gái mình vì chỉ làm được cho Lam nhiêu đó. Mỗi lần như vậy, Lam nhẹ nhàng quàng tay qua vai ba, nói nhỏ nhẹ: “Ba đi nghỉ đi, ngày mai không cần phải dậy sớm nấu ăn cho con đâu, con gái của ba đã lớn từng này mà”.
 
Nói thì nói vậy thôi chứ Lam thừa biết ngày mai ba lại dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho mình. Lam đã khuyên ba bao nhiêu lần rồi mà có được đâu. Ông bảo đã quen thức sớm rồi, càng lớn tuổi nên không ngủ được nhiều. Lam biết là ba đang giấu mình, bệnh đau lưng của ba vẫn không thuyên giảm chút nào. Lam biết mỗi đêm ba đều cố nín lặng những cơn đau lưng ê ẩm và mấy cái khớp như muốn bong ra. Lam biết ba khó khăn lắm mới có thể thức dậy vào giờ đó để nấu nướng, có lần vì không kìm nén được, ba đã phát ra tiếng kêu đau khi ông cố với lấy cái xoong treo trên kệ. Lam tưởng ba bị ngã nên vội chạy ra đỡ. Ngày hôm sau, Lam sắp xếp lại mọi thứ mà ba thường dùng ở những nơi dễ lấy, chứ không để trên cao như trước.
 
Có lần Minh sang nhà Lam ăn cơm. Người cha với mái tóc muối tiêu bảo rằng tài sản quý giá nhất đối với ông là Lam. Ông dừng lại câu nói ở đó, rồi rít một hơi thuốc thật dài.
 
Tuổi thơ của Lam đã vắng bóng mẹ. Có lẽ vậy mà Lam sống tự lập và hiểu chuyện hơn. Ngày bà Lam còn khoẻ, bà là người chăm sóc Lam. Mỗi sáng bà thường dắt Lam đi học trên những con đường đất mọc đầy hoa dại, mua cho Lam những món quà vặt mà Lam thích. Có lần, Lam muốn có diều để chơi cùng bạn trong xóm, không mua được, bà đã tự tay chặt tre vót nan, cánh diều được dán bằng giấy báo. Diều của Lam nhỏ và dây ngắn hơn của các anh chị trong xóm, nhưng cũng căng mình trong gió.
 
Ngồi ngoài ban công, vừa nghe Lam kể, Minh đưa cho cô mẻ mứt mới làm và ổ bánh mì bảo ăn đi kẻo nguội. Lam lấy trong ba lô những cây chong chóng quay. Lam mua của một bà cụ bán hàng trước cổng trường mẫu giáo. Lam nói với Minh: “Bà em bàn tay cũng chai sần như bà cụ bán chong chóng, bà ra đi vào một chiều thu năm em học lớp sáu...”.
 
Nói rồi Lam cầm mấy cây chong chóng quay đủ màu giơ lên trời. Minh có cảm tưởng như quay về thời thơ bé ở xóm dân lao động. Một xóm nhỏ mà tụi con nít trưa không chịu ngủ, chạy ra những rặng dừa hái lá để làm đồ chơi, khi thì làm kèn thổi, lúc thì thắt thành nhẫn để đeo vào tay làm cô dâu, chú rể, còn ai khéo tay thì làm những chiếc chong chóng bé xinh. Một xóm nhỏ mà khi có gia đình gặp chuyện không may,  những gia đình trong xóm lo lắng, giúp đỡ. Một xóm nhỏ có người ăn nên làm ra, có người chạy ăn từng bữa nhưng vẫn sống chan hoà, đùm bọc nhau như một gia đình lớn... Những khung cảnh của ký ức, của một thời gian khó nhưng tràn ngập tiếng cười.
 
Ngày Minh dẫn Lam về giới thiệu với gia đình khiến cả nhà, họ hàng ai cũng bất ngờ. Những câu hỏi về nghề nghiệp, gia đình, nhà cửa và tiền bạc cứ dồn dập về phía cô gái mà mẹ bỏ đi từ nhỏ, cuộc sống nhiều khó khăn, thiệt thòi. Lam kể về mình, nghe một nỗi buồn tự trào trong lòng. Trong nhà, mẹ của Minh là người phản đối kịch liệt nhất. Bà bảo nếu cưới nhau, sau này Minh chỉ có khổ, không phải khổ vì vật chất mà còn  khổ về tinh thần. Nhưng ba Minh thì lại bảo: “Cô bé ấy có gương mặt phúc hậu, rồi tụi nó sẽ sống hạnh phúc cho bà coi”.
 
Mặc mẹ Minh ra sức can ngăn, Minh chỉ cười vì nghĩ trái tim có lý lẽ riêng của nó. Trong khi Minh cảm thấy rất mệt và ngột ngạt với những mối quan hệ mai mối, “môn đăng hộ đối” ngoài kia, thì với Lam, Minh cảm thấy thoải mái, chừng mực.
 
Minh dắt Lam đi đăng ký kết hôn. Lam về nhà, Minh mua cho Lam bộ nồi niêu xoong chảo cùng cái máy ép trái cây. Có người phụ nữ thích xông pha với công việc ngoài xã hội, cũng có người phụ nữ vui vẻ khi lo ấm êm gia đình. Lam không hẳn thuộc tuýp thứ hai, nhưng Lam vẫn thích có một căn nhà, có gian bếp đầy đủ vật dụng để nấu cho chồng những bữa cơm ngon. Sau cánh cửa nhà là mùi thơm thức ăn, là gia đình quây quần xem tivi, là căn phòng thoảng hương tinh dầu...
 
Dù ngoài miệng nói từ mặt Minh, nhưng trong lòng mẹ mình, anh vẫn là đứa con mà bà yêu thương hết mực. Từ ngày đó tới giờ, Minh cũng không ghé về nhà. Phần vì thương nhớ Minh, phần vì bà ốm đau suốt, nên sức khoẻ yếu dần.
 
Ba của Minh sững người khi bác sĩ chẩn đoán vợ mình bị xơ gan. Không thể giấu gia đình, ông gọi cho Minh. Vừa nghe tin, Minh phóng xe đến bệnh viện. Đến nơi, Minh không kìm được nước mắt khi thấy mẹ gầy đi nhiều. Trên da mẹ chi chít những vết thâm... Những tiếng khóc nấc cứ liên hồi... Không chần chừ, Minh chuẩn bị khám sàng lọc kiểm tra sức khoẻ để được ghép gan cho mẹ.
 
Mẹ Minh dằn vặt rất nhiều, giọng bà yếu ớt: “Mẹ đã cho các con được gì đâu, hạnh phúc của con, mẹ cũng ngăn cản. Cũng không biết mẹ sống thêm được bao lâu nữa nên không nỡ lấy đi một phần cơ thể của con như vậy”.
 
Minh trấn an mẹ: “Con biết mẹ có nỗi niềm của mình. Tụi con vẫn luôn ở đây, bên cạnh mẹ và mong đợi một ngày được mẹ đón nhận”.
 
Trước lúc Minh vào phòng cách ly để chuẩn bị cho ca phẫu thuật ghép gan cùng mẹ, Lam nắm tay chồng động viên: “Anh có sợ đau không?” Minh gật đầu nói: “Không sao đâu em, đừng lo, thương mẹ là vượt qua hết!”. Gần một ngày chờ đợi, khi nghe bác sĩ thông báo: “Ca phẫu thuật thành công”, cả gia đình vỡ oà hạnh phúc.
 
“Mẹ thế nào rồi ba?”. Đó là câu nói đầu tiên của Minh khi tỉnh lại.
 
Ba Minh nắm tay con, mắt rưng rưng nói: “Ổn rồi con à!”
 
Trong căn phòng của bệnh viện, ánh đèn ngủ le lói hắt ra, in trên tường nhà là hai bóng hình, Lam luôn túc trực bên giường bệnh của mẹ chồng. Mẹ của Minh âu yếm nhìn Lam, bà cảm thấy hạnh phúc lạ thường.
 
Mưa rơi trắng xoá chỉ còn lác đác vài giọt, cả gia đình Minh đợi xe trước hiên bệnh viện. Minh ngó sang mẹ, miệng mấp máy nhưng không phát ra tiếng nào. Ba Minh yên lặng một hồi rồi bảo: Để ba đưa mẹ và các con về nhà. Mưa nặng hạt thế mà cũng tạnh rồi. Chúng ta về nhà thôi!/.
 
 

.