Vị tiền hiền có công lập làng An Hội

08:04, 19/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Được xây dựng cách đây hơn 200 năm, di tích mộ và đền thờ tiền hiền Võ Văn Đương, ở xóm Bàu Lác, thôn An Hội Bắc 2, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) không chỉ mang giá trị tâm linh, tri ân công đức tiền nhân có công lao khai sơn, phá thạch, chiêu mộ dân chúng, lập làng, mà còn là nơi cố kết cộng đồng làng xã qua bao thăng trầm của thời cuộc. 
 
Dấu xưa mở đất
 
Thắp nén hương tưởng nhớ bậc tiền nhân, ông Võ Hữu Nguyên, Phó Ban quản trị họ Võ thuộc làng An Hội đầy tự hào về công trạng của tiền hiền Võ Văn Đương. Ông Nguyên chia sẻ: Dòng họ Võ ở An Hội tính từ tiền hiền Võ Văn Đương đến nay phổ hệ tông tộc đã có 13 đời cư trú trên vùng đất này. Ngoài ra, các chi phái Võ tộc còn cư trú ở các nơi khác trong và ngoài tỉnh. Nhưng dù ở đâu, làm gì, đến ngày giỗ, Tết, con cháu khắp nơi đều tề tựu về đây để tưởng nhớ công đức tiền nhân. 
Hằng năm, chính quyền địa phương, con cháu tổ chức lễ tế thần, ghi ơn công đức tiền hiền Võ Văn Đương.  ẢNH: K.NGÂN
Hằng năm, chính quyền địa phương, con cháu tổ chức lễ tế thần, ghi ơn công đức tiền hiền Võ Văn Đương. ẢNH: K.NGÂN
Theo phả tộc họ Võ tại thôn An Hội, tiền hiền Võ Văn Đương nguyên quán tại huyện Nho Quan (Ninh Bình). Năm đầu của triều vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786), ông Đương đã đưa những người thân của họ tộc Võ vào vùng đất Quảng Ngãi thuộc (Dinh Quảng Nam lúc bấy giờ) để khai phá đất đai lập làng.
 
Chỉ tay về phía cánh đồng tươi tốt, ông Nguyên bộc bạch: “Nhân dân vùng này nói chung, con cháu trong họ tộc Võ luôn biết ơn công đức của ông cha đi trước đã không quản khó nhọc, hy sinh để khai phá, tạo lập nên xóm làng trù phú hôm nay”. Tiền hiền Võ Văn Đương đã đưa người dân đến phía nam sông Trà Khúc ở về phía hạ lưu để định cư khai phá. Khu vực ông chọn nằm trên vùng thềm sa bồi của sông Trà Khúc, nên đất đai màu mỡ. Ông Nguyên kể: Ngày ấy, để khai hoang, mở đất, những bậc tiền nhân phải đối mặt với nhiều gian khổ, bởi vùng đất An Hội lúc bấy giờ đầy rẫy thú dữ, lau lách hoang vu, sơn lam chướng khí, có trường hợp bị thú dữ vồ. Bao mồ hôi nước mắt, cả máu của tiền nhân đã thấm từng tấc đất nơi đây để có những tên xóm, tên làng cho đời sau...
 
Làng An Hội được lập nên lúc bấy giờ thuộc triều Nguyễn gọi là trại An Hội. Hiện thôn An Hội gồm 4 xóm: Gò Huỷnh, Bàu Lác, An Hòa, An Tập. Để ghi nhớ công đức của ông Võ Văn Đương, những năm đầu của triều Gia Long, ông Đương được vua sắc phong là Tiền hiền, tôn vinh là thần Thành hoàng của làng An Hội.
Mộ và đền thờ tiền hiền Võ Văn Đương được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005. Hằng năm, vào tiết đông chí tháng Chạp, con cháu họ Võ ở các nơi và người dân ở địa phương làm lễ tế thần nhằm tri ân công đức tiền nhân đã có công lập làng khai xứ. Con cháu họ Võ đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để trùng tu di tích, xây dựng quỹ khuyến học, dòng họ khuyến học, đóng góp xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Độc đáo di tích cổ
 
Tưởng nhớ công đức tiền hiền Võ Văn Đương, dân làng, con cháu đã lập đền thờ vào những năm đầu dưới triều Gia Long và được trùng tu vào năm thứ nhất triều Tự Đức (1848). Đến năm Bảo Đại thứ tư (1924), ngôi đền được tu bổ lại. Tuy trải qua nhiều lần tu sửa, nhưng mặt bằng phối thờ và không gian kiến trúc không thay đổi, di tích vẫn giữ nguyên vẹn nếp cổ kính của đền thờ xưa. Đó là phong cách kết cấu kiến trúc cổ, mặt bằng phối thờ nguyên mẫu, cảnh quan không gian di tích theo thế phong thủy của đền miếu cổ xưa.  
Cây Ư - bên cạnh khu di tích đã được công nhận cây Di sản Việt Nam. ẢNH: K.NGÂN
Cây Ư - bên cạnh khu di tích đã được công nhận cây Di sản Việt Nam. ẢNH: K.NGÂN
Đặc biệt, di tích còn lưu giữ nhiều tài liệu chữ Hán có giá trị như sắc phong, liễn đối, gia phả... 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ Vũ Thị Thu Liên cho biết: Di tích mộ và đền thờ tiền hiền Võ Văn Đương là nơi giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau về nguồn cội, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.q
 
KIM NGÂN
 
 

.