TÁC GIẢ NGUYỄN THẾ KỶ
Thấm đẫm một hồn thơ

08:04, 20/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm cuối đời, tác giả Nguyễn Thế Kỷ vẫn ngồi bên trang giấy, như con tằm rút ruột nhả tơ, lặng lẽ dốc tâm huyết và trải nghiệm của mình ươm cho đời những tác phẩm giá trị. Với ông, thành công chính là sự bình dị của ngôn từ và sự chân thành của cảm xúc, nên đọc thơ ông ai cũng thấy gần gũi mộc mạc. Sự thâm trầm, sâu sắc ẩn hiện đâu đó trong từng câu chữ của ông.
 
Mộc mạc, chân chất một hồn thơ
 
Với bản chất phóng khoáng, thông minh hiếu học, say mê văn chương từ thuở còn học tiểu học, năm 14 tuổi, ông viết bài thơ đầu tay có nhan đề "Thương con phù du". Đây là bài thơ cảm tác nhân câu nói của bà nội mình, câu nói đã ám ảnh tâm hồn thơ ngây của ông, để ông viết một mạch bài thơ này. Trong đó có đoạn: "Đứng trước trời chạng vạng/ Tôi thương con phù du/ Sống ở đâu mịt mù/ Chết cũng tìm chỗ sáng?”... 
Với vở diễn “Núi rừng năm ấy”, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã được trao Giải đặc biệt tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018 tại Quảng Ngãi.             ẢNH: HUỲNH THẾ
Với vở diễn “Núi rừng năm ấy”, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã được trao Giải đặc biệt tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018 tại Quảng Ngãi. ẢNH: HUỲNH THẾ
Đó là tâm hồn của ông, nghệ thuật của ông, chỉ đơn giản vậy thôi, mà thấm đẫm một hồn thơ xứ Quảng. Không như nhiều nhà văn, nhà thơ khác, trong thời đại ảnh hưởng văn học Pháp, chất lãng mạn, trữ tình được họ khai thác rộng rãi, thì Nguyễn Thế Kỷ vẫn ung dung một hồn thơ dân tộc chân chất, mộc mạc: "Nhà nàng xưa ngõ hoa phong/ Bình dân học vụ lớp trong, lớp ngoài/ Mỗi khi mãn học, ngõ này/ Vừa đêm hò hẹn đã ngày hợp tan"…
 
Con sông Trà Khúc đẹp cuốn hút và là cảm hứng văn học nghệ thuật cho biết bao thế hệ. Hình ảnh con ngựa của tráng sĩ xưa trong "Chinh phụ ngâm" bỗng hiện về trong thơ Nguyễn Thế Kỷ. Thuở ấy nào "vó ngựa", "tráng sĩ hề", "kiếm báu"... luôn gợi cảm người làm thơ, cái "rưng rức" của ống tre như lòng người ra đi, dù có múc mãi thì nước cũng sẽ không bao giờ trở lại.
 
Người yêu thơ cảm nhận được tính đa dạng qua thơ Nguyễn Thế Kỷ, dù viết với cung bậc nào, ông cũng dùng thủ pháp biến hóa sinh động trong từng thể loại. Ở mảng thơ về đề tài xứ Quảng, Nguyễn Thế Kỷ hướng đến những cảm xúc đầy ắp kỷ niệm về 12 thắng cảnh của miền Ấn - Trà. Với đề tài này, thể Đường luật được ông sử dụng như một thế mạnh: "Nghiêng xuống lòng sông ánh nắng lành/ Đượm màu non nước - Ấn long lanh…”.
Tác giả Nguyễn Thế Kỷ sinh năm 1931, tại xã Nghĩa Trung, nay là thị trấn La Hà (Tư Nghĩa). Ông là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Sau 2/3 thế kỷ cống hiến cho văn học nghệ thuật, ông đã lặng lẽ rời cõi tạm ở tuổi 91.
Tìm trong nguồn cội
 
Yêu quê hương tha thiết, Nguyễn Thế Kỷ tâm nguyện hướng lớp hậu thế biết quay về với cội nguồn. Tình yêu quê hương tuôn trào theo ngòi bút của ông, từ "Thiên Ấn niêm hà, La Hà thạch trận, Thạch Bích tà dương"... đến "Cổ Lũy cô thôn". Đặc biệt, dòng sông Trà Khúc như mạch nguồn tuôn chảy suốt chiều dài thơ ông. Tình cảm chân thật, ấm áp, hiền hòa, nhưng mãnh liệt đã lôi cuốn người đọc tìm về cội nguồn trong từng câu thơ: "Dát bạc đầu nguồn, lung linh nắng quái/ Ánh tà dương “Thạch Bích”, ngỡ trăng ngà".
 
Ông đã "sàng lọc" từng viên sỏi đời mình và chọn cho mình nghề cầm bút. Vất vả gian nan, lên thác xuống ghềnh là vậy, song ngòi bút ông vẫn đứng vững. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của tác giả Nguyễn Thế Kỷ là một gia tài đồ sộ. Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà báo, đạo diễn sân khấu... Với một trong các vai trò đó thôi, một người thường cũng khó thành đạt, huống hồ bấy nhiêu vai trò. Trải nghiệm cuộc đời chính là vai trò lớn nhất làm nên thơ Nguyễn Thế Kỷ. Trải qua thời gian, tâm hồn ông thấm đẫm một hồn thơ. Có thể nói rằng, thơ Nguyễn Thế Kỷ đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại. Chọn lối đi cho riêng mình, ông đã hít thở bầu khí quyển thi ca của thời đại, lấy đó làm nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho ngòi bút của mình. Ông đã cố gắng tìm ra con đường thơ riêng cho mình, như nhà thơ Thanh Thảo nhận định: "Ít nhất, ông đã mở cho mình một lối đi mới".
 
HUỲNH THẾ
 
 
 
 

.