Lớp trưởng cá biệt

09:04, 15/04/2021
.
Truyện ngắn của NGỌC VIÊN
 
(Báo Quảng Ngãi)- Nhìn thấy cô giáo bước vào phòng, cả lớp đứng dậy chào với ánh mắt tò mò. Cô giáo có khuôn mặt xinh xắn, vóc dáng cao ráo, tự giới thiệu tên là Nguyễn Thị Xuân, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, quê ở Quảng Nam, vừa mới được nhận về trường công tác.
 
Ngay sau lời giới thiệu của cô giáo, thằng Tùng, cậu học trò lém lỉnh nhất lớp, mạnh dạn hỏi: “Cô ơi! Tài khoản Facebook của cô là gì ạ? Tụi em có thể kết bạn với cô được không ạ”. Cả lớp hùa theo: “Dạ đúng rồi ạ, cô cho tụi em biết Facebook đi cô". Thấy cả lớp nhao nhao đề nghị, cô Xuân nghiêm giọng: “Cả lớp yên lặng nào. Buổi làm việc đầu tiên của cô với lớp chỉ 15 phút, nên cô muốn trao đổi với các em chuyện của lớp, chọn ban cán sự, chứ không phải là buổi giao lưu, kết bạn trên mạng xã hội”.
 
Nghe bàn đến chuyện ban cán sự, ai nấy đều tặc lưỡi bảo, cũng như mọi năm thôi mà. Bí thư chẳng ai khác ngoài Trung, lớp trưởng chắc chắn là Tâm, lớp phó học tập thì Hằng tiếp tục đảm nhiệm. Trung, Tâm, Hằng đều là những học sinh ưu tú. Cô trò đang bàn chuyện thì từ ngoài cửa, thằng Đạt mặt mày hớt hải bước vào, lúng túng nói: “Dạ, thưa cô, cho em vào lớp ạ”. “Em làm gì mà đi trễ vậy?", cô Xuân hỏi. Thằng Đạt giơ mười ngón tay đen xì của nó lên rồi nhỏ nhẹ đáp: “Dạ thưa cô, xe đạp em bị tuột xích, nên mới đi trễ ạ”. Lý do biện minh cho việc đi trễ của mình đã được thằng Đạt lập trình sẵn, nó diễn như thật, bởi vậy cô Xuân không những không phạt, mà còn nhìn nó với ánh mắt cảm thông, ân cần bảo nó ra nhà vệ sinh rửa tay sạch sẽ rồi vào lớp. 
Buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ vụt qua chóng vánh, chỉ đủ thời gian cô trò làm quen, chọn ngày diễn ra đại hội lớp. Hết giờ sinh hoạt, cô Xuân bước vội lên phòng chờ giáo viên. Chuẩn bị vào tiết, nên phòng chờ giáo viên khá vắng, chỉ có thầy Quang đang ngồi chấm điểm bài kiểm tra. Thầy Quang từng chủ nhiệm lớp 12C5, chỉ còn hai tuần nữa thầy về hưu, nên xin nhà trường thôi làm công tác chủ nhiệm, đề xuất với Ban giám hiệu cho cô Xuân làm chủ nhiệm lớp của thầy. Trước khi nhận lớp, cô Xuân cũng hẹn gặp thầy Quang để biết sơ qua về lớp mình chuẩn bị tiếp quản, vì thế mà cô Xuân nắm khá rõ tình hình của lớp. Trong số những học sinh cô Xuân để mắt có cái tên Nguyễn Thành Đạt. Đạt là học sinh cá biệt, thường gây gổ, đánh nhau với bạn bè, bỏ tiết, đi trễ. Nhấp chén trà nóng do cô Xuân pha, thầy Quang tấm tắc khen ngon, rồi hỏi: “Thế em đã chỉ định học sinh tham gia ban cán sự lớp chưa?”. Cô Xuân bảo: “Dạ chưa thầy ạ. Nếu vẫn duy trì cán sự lớp như cũ, em lo không có sự đổi mới, khó đưa lớp mình lọt vào tốp ba về nền nếp lẫn học tập. Đây cũng là mục tiêu của em khi đảm nhận chủ nhiệm lớp thầy ạ”.
 
Tan học, Đạt đạp xe về nhà, nó vào bếp bưng thức ăn mẹ nấu sẵn lúc sáng, hâm lại cho nóng để ăn trưa. Mẹ Đạt làm công nhân ở khu công nghiệp cách nhà 30km, sáng đi, tối về. Nhà có hai mẹ con, nên hầu như trưa nào nó cũng lủi thủi ăn cơm một mình. Cơm nước xong, nó cầm điện thoại nằm đung đưa trên võng, lên mạng xã hội xem tin tức. Lướt vội, nó thấy ở dòng thông báo trên Facebook có người gửi lời mời kết bạn. Lướt xem các thông tin trên dòng thời gian của người gửi lời mời kết bạn, nó hồi hộp khi nhận ra đó là cô giáo Xuân, chủ nhiệm mới của lớp. Vì không thấy bạn chung, nên Đạt biết mình là người đầu tiên trong lớp được cô giáo Xuân kết bạn. Trong đầu Đạt hiện lên suy nghĩ: “Cô kết bạn với mình làm gì nhỉ? Hay là cô muốn theo dõi mình? Facebook mình toàn hình ảnh chơi games, nhậu nhẹt, hút thuốc lá, đánh bài, giờ mà xác nhận, cô thấy những hình ảnh này thì... tiêu". Bình tâm suy nghĩ một lúc, Đạt quyết định xóa hết những hình ảnh mà nó cho là xấu, không để lại một chút dấu vết, chỉ còn vài tấm hình nó cùng các bạn trong lớp dọn vệ sinh môi trường trong lễ ra quân dọn rác thải trên các tuyến đường do Chi đoàn trường tổ chức nhân ngày Môi trường thế giới. Thấy trang cá nhân đã “đẹp” hơn, Đạt mới đủ tự tin chấp nhận lời mời kết bạn của cô giáo Xuân.
 
Từ ngày được làm bạn với cô giáo chủ nhiệm, Đạt cẩn trọng hơn khi đăng những thông tin trên Facebook, lễ phép hơn trong những buổi gặp đầu giờ có mặt cô Xuân. Một tuần sau, Đại hội lớp 12C5 được tổ chức. Đạt bất ngờ khi nghe cô giáo Xuân chỉ định mình làm lớp trưởng, các bạn trong lớp cũng bất ngờ không kém. Hôm đó, Đạt đứng lên “vò đầu bứt tóc”, lễ phép nói với cô: “Dạ, thưa cô, em không làm lớp trưởng được đâu ạ. Em thường xuyên vi phạm nội quy. Em làm lớp trưởng thì nói ai nghe cô ơi”. Nghe lời “thú tội” ngọt ngào của Đạt, cả lớp ai nấy đều cười ồ lên, riêng cô giáo Xuân thì ân cần bảo: “Cô nghĩ rằng, ai trong chúng ta cũng có những sở trường riêng. Đạt cũng vậy. Vi phạm nội quy thì có thể khắc phục, cái chính là em có quyết tâm thay đổi hay không mà thôi”. Mười hai năm đi học, đây là lần đầu tiên Đạt thấy giáo viên chủ nhiệm đề cao mình trước toàn thể lớp. Nó cảm thấy hãnh diện đến khó tả. Được cô giáo Xuân tin tưởng, cả lớp động viên, Đạt lấy hết can đảm nhận lời làm lớp trưởng. Tối đến, trước giờ đi ngủ, nó bật Facebook lên xem, Đạt thấy tin nhắn của cô giáo Xuân hiện lên: “Mạnh mẽ lên nhé! Cô tin em làm được”. Dòng tin nhắn lên “dây cót” tinh thần, khiến khuôn mặt nó giãn ra như chiếc bánh tráng đặt trên bếp than hồng vì phấn chấn.
 
Đạt vốn là đứa con ngoài giá thú. Lớn lên nó không biết ba nó là ai. Mẹ nó cũng ít khi nhắc đến ba nó và họ hàng bên nội. Khi đến tuổi biết ăn biết nghĩ, thỉnh thoảng nó cũng hay hỏi mẹ, nhưng lần nào hỏi, nhìn ánh mắt bà cũng thoáng buồn. Biết mẹ khó nói, nên nó không bao giờ hỏi đến chuyện đó nữa. Đạt vốn dĩ không phải là đứa hư hỏng, bởi để có cái ăn cái mặc ở mảnh đất Sài Gòn hoa lệ, mẹ nó suốt ngày quần quật ở nhà máy may công nghiệp. Sáng đi, tối về. Những tháng cuối năm tăng ca đến tận khuya, về đến nhà mệt lử, đặt lưng xuống là chìm sâu trong giấc ngủ, nên cũng không còn thời gian để chia sẻ chuyện trò cùng con. Thấu hiểu cái khổ của mẹ, nên Đạt cũng ít khi phạm lỗi lầm gì lớn để mẹ phải buồn. Có điều trong "thế giới" của Đạt, đi học ở trường chưa bao giờ là con đường sáng sủa cho tương lai của nó, bởi nó nghĩ có học lắm rồi ra trường cũng không xin được một công việc tử tế, vì gia đình không có điều kiện như nhiều bạn bè trong lớp. Chính "tư duy" ấy, khiến nó không muốn phấn đấu, song từ ngày được cô giáo Xuân tin tưởng, động viên, nó đã thay đổi cách nghĩ theo hướng lạc quan hơn.
 
Hay tin Đạt được làm lớp trưởng, mẹ Đạt mừng lắm, ắt hẳn phải là học sinh thông minh, ngoan hiền thì mới được làm lớp trưởng. Chỉ nghĩ đến đó thôi, bà cũng thấy vui lây. Một hôm ăn trưa ở công ty, cũng là ngày mẹ Đạt được nhận lương, khiến tâm trạng mẹ thằng Đạt phấn khởi, bà khoe với đồng nghiệp, thằng Đạt con mình được làm lớp trưởng. Có người nghe xong chúc mừng nhà nghèo sinh được con hiếu, nhưng cũng có kẻ tặc lưỡi bảo: “Trời ạ! Thằng Đạt làm lớp trưởng thì chắc con tui làm hiệu trưởng luôn quá”. Bị “giội gáo nước lạnh” giữa lúc trái tim đang nóng, mẹ thằng Đạt bỏ muỗng cơm giữa chừng, đáp bằng khẩu khí chắc nịch: “Đạt con tôi làm lớp trưởng có gì mà không được. Ba nó là một kỹ sư rất giỏi chứ không phải thuộc dạng vừa đâu”. Âm lượng phát ra từ miệng mẹ thằng Đạt làm cả công ty ngớ người. Gần 15 năm làm ở xưởng may, đây là lần đầu tiên cả công ty nghe mẹ thằng Đạt nhắc về người ba “bí ẩn” của thằng Đạt.
 
***
 
Được làm lớp trưởng, Đạt trở nên gương mẫu, kết quả học tập khá hơn nhiều so với trước. Đạt đã động viên những bạn học sinh cá biệt như mình trước đây, nghiêm túc thực hiện nội quy. Lớp 12C5 trở thành điểm sáng về thực hiện nội quy của trường.
 
Cuối năm cấp ba, cả lớp ai nấy háo hức đăng ký xét tuyển vào những trường đại học lớn, riêng Đạt đăng ký học nghề hàn ở một trường cao đẳng nghề gần nhà. Đến hẹn lại lên, mùa tuyển sinh mới lại đến, Đạt ngày nào giờ đã là thợ cả của một công ty lớn. Nó được trường cấp ba cũ mời về tư vấn tuyển sinh cho học sinh của trường. Trong lúc giải đáp thắc mắc của các em học sinh khi đăng ký học ở trường nghề, nó chợt nhìn thấy một học sinh đứng ngoài cổng, đoán biết là đi trễ, nên thầy giám thị không cho vào và yêu cầu về lớp viết tường trình. Nó ngày xưa cũng thế, viết tường trình như cơm bữa. 
 
Dừng tư vấn trong giây lát, Đạt bước qua nói với thầy giám thị: “Thầy có thể cho em học sinh đấy vào dự nghe tư vấn tuyển sinh được không? Nghe xong, rồi viết tường trình sau cũng còn kịp ạ”. Thầy giám thị đồng ý, cậu học trò chạy nhanh vào hàng ghế ngồi nghe tư vấn, Đạt nhìn nó bằng ánh mắt cảm thông, giống như ánh mắt cô giáo Xuân từng nhìn khi nó đi trễ vào cái ngày đầu tiên cô nhận lớp.../.
 

 


.