Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Khó khăn trong bảo quản, trưng bày bảo vật, hiện vật

09:03, 04/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là vùng đất còn lưu dấu của văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, cũng như giữ gìn nhiều bảo vật quốc gia và hàng chục nghìn hiện vật có giá trị. Tuy nhiên, công tác trưng bày, bảo quản, phát huy giá trị các hiện vật, bảo vật ấy chưa cao.
[links()]
Thiếu tủ bảo quản đặc biệt
 
Hiện tại, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang bảo quản 3 bảo vật quốc gia, bao gồm: Bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng - được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12.2020, cùng hai bảo vật được công nhận trước đó là, tượng cổ tu sĩ Chămpa Phú Hưng và bộ bình gốm đất nung Long Thạnh. 
Tượng cổ tu sĩ Chămpa Phú Hưng - một trong những bảo vật quốc gia, nhưng chưa có tủ bảo quản đặc biệt xứng tầm.
Tượng cổ tu sĩ Chămpa Phú Hưng - một trong những bảo vật quốc gia, nhưng chưa có tủ bảo quản đặc biệt xứng tầm.
Ngoài 3 bảo vật quốc gia trên, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh còn lưu giữ hơn 22 nghìn hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử; trong đó, gần chục hiện vật xứng tầm bảo vật quốc gia đã và đang tiếp tục đề nghị Chính phủ công nhận. Điển hình như hai tượng Gajasimha của văn hóa Chămpa thế kỷ XI; trống đồng Đông Sơn, hay bộ gốm sứ chu đậu tượng tỳ bà, bộ Linga-Yoni... Đây đều là những bảo vật vô giá, là những di sản độc bản, có niên đại rất lâu đời.
 
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các bảo vật đang gặp rất nhiều khó khăn. Những bảo vật đã được công nhận nhưng chưa thể trưng bày, giới thiệu đến người tham quan do thiếu các điều kiện...
 
Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, “bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt”. Tiêu chuẩn bảo quản bảo vật phải tùy thuộc vào đặc điểm chất liệu và niên đại của từng bảo vật để có phương pháp bảo quản riêng cho phù hợp. Nhưng hiện nay, các bảo vật quốc gia đang được áp dụng một điều kiện bảo quản chung và chưa có nhiều khác biệt so với các hiện vật thông thường khác tại bảo tàng, cũng chưa có những tủ bảo quản chuyên biệt để đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho từng hiện vật, với từng chất liệu khác nhau.
 
Cần sớm trang bị
 
Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Nguyễn Viết Nghĩa cho biết: Đơn vị chưa đáp ứng được về hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể là chưa có hệ thống tủ chuyên dụng để đảm bảo cho việc quản lý các bảo vật quốc gia, nhất là việc trưng bày giới thiệu đến công chúng, đảm bảo an toàn cho các bảo vật quốc gia này. “Bảo vật quốc gia là tài sản vô giá của đất nước. Việc ứng xử đúng tầm với những báu vật có một không hai này không chỉ là trách nhiệm của những người làm công tác bảo tàng, mà còn là trách nhiệm của tất cả chúng ta đối với những di sản mà cha ông để lại. Vì vậy, chúng tôi đã báo cáo Sở VH-TT&DL để có cơ sở trình UBND tỉnh. Dự kiến kinh phí mua sắm hệ thống tủ bảo quản, trưng bày này khoảng 4 tỷ đồng”, ông Nghĩa nói.
 
Những năm qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức khai quật các hiện vật; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhiều tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật, góp phần bổ sung, tạo sự phong phú về loại hình, chủng loại, chất liệu cho kho lưu giữ tư liệu, hiện vật tại bảo tàng. Thế nhưng, trong các kho bảo quản thì chỉ một kho đảm bảo đủ các điều kiện. Hơn nữa, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh được đưa vào sử dụng năm 2007, đến nay công trình đã xuống cấp, nhất là các phòng trưng bày chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, không gian trưng bày hạn hẹp và thiếu phương tiện kỹ thuật bảo quản hiện vật...
 
Để các hoạt động của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, thời gian tới, các cấp, các ngành cần có những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn trên, góp phần nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 
 

.