Có một dòng sông biếc

02:02, 15/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Như một sự tình cờ của số phận, các nhà thơ đều tựa vào dòng sông của riêng mình để viết lên những câu thơ đẹp nhất trong đời họ. Hai thi sĩ lừng danh miền Ấn - Trà là Bích Khê và Tế Hanh cũng vậy. Có một dòng sông biếc đã chảy giữa đôi bờ trong thơ hai ông.
[links()]
Dòng sông hừng sáng
 
Những năm cuối cùng trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Bích Khê về “ở ẩn” tại Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Nói “ở ẩn”, vì ông không thể đi đó đi đây được nữa do bạo bệnh, nhưng thực tình, ông đã “nối mạng” với thế giới thi ca bằng những tuyệt tác. Bài “Làng em” là một trong những sáng tác cuối cùng trước khi Bích Khê từ giã cõi đời và thi ca để mãi mãi đi vào cõi bất tử: “Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc/ Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa”. 
Một góc của bến sông Vực Hồng, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).              Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Một góc của bến sông Vực Hồng, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Câu thơ đẹp một cách liêu trai. Và buồn quá. Ở cái thị tứ Thu Xà sầm uất một thời, nhộn nhịp với cảnh kẻ mua người bán ấy, nhưng nhà thơ thì lại mang một tâm trạng khác: “Ngày đi chậm lắm”. Mỗi ngày có 24 giờ, không thể thêm mà cũng chẳng thể bớt được một giây nào, nhưng dưới con mắt của thi nhân, nó trôi đi trong chậm chạp. Tâm trạng của nhà thơ đang trôi chứ không phải thời gian đang chảy giữa dòng sông xanh biếc. Mỗi lần đọc câu thơ ấy, tôi luôn tự hỏi: Con sông nào mà đẹp và buồn đến vậy?
 
Cũng khó để xác định được dòng sông nào đã chảy trong thơ Bích Khê. Nhưng chắc chắn con sông trước nhà ông ở Thu Xà mang tên Vực Hồng đã ám ảnh thi nhân những năm cuối đời. Người Thu Xà lý giải về tên gọi của con sông quê mình rất đơn giản, như cách của ông Lê Quốc Ân, cháu gọi Bích Khê bằng chú ruột: “Vực Hồng ngay chỗ Thu Xà bị xói lở thành vực sâu, làm hồng lên những mảng phù sa màu mỡ. Màu phù sa ấy khắc tạc nên tên của dòng sông”.
 
Mỗi người sẽ có cách lý giải về tên gọi của dòng sông quê mình, nhưng với con sông Vực Hồng, ai cũng phải thừa nhận rằng, đây là cửa ngõ giao thương sầm uất của một thời, cách đây ngót 300 năm có lẻ. Từ bến Vực Hồng này, thuyền đi mươi phút là tiếp giáp với ngã ba của sông Phú Thọ nối giữa sông Vệ và sông Trà. Vào thế kỷ XVII, việc giao thương giữa các vùng miền và giữa các quốc gia đều sử dụng phương tiện duy nhất là thuyền buồm. Một cửa sông, nhưng kín gió như Vực Hồng là điều kiện không có nơi nào tốt hơn ở vùng này để những con thuyền xuyên đại dương vào đây mua bán hoặc tránh trú mỗi khi mưa bão.
 
Những cuộc soán ngôi vương quyền bên đất Trung Hoa giữa hai triều Minh - Thanh đã thành cái cớ để một bộ phận người Hoa trôi dạt đến Thu Xà. Họ đã biến bến sông Vực Hồng này thành một thương cảng tấp nập bán- mua. Những con phố hoang phế từ lâu, nhưng nghe như vẫn còn vương mùi thuốc bắc, mùi đường phổi, đường phèn, mùi kẹo gương, vỏ quế... của người Hoa vậy. Cuộc tao loạn qua mấy mươi năm chiến tranh đã khai tử toàn bộ những gì mà các thế hệ người Minh Hương và người Việt ở Thu Xà tạo dựng. Con sông Vực Hồng xưa cũ trong thơ Bích Khê giờ cũng đã đổi dòng. Chỉ có những câu thơ của Bích Khê thì còn hừng sáng mãi với thời gian.
 
Có một dòng sông xanh biếc khác
 
Nếu Thu Xà từng là thương cảng nổi tiếng một thời thì cái bến đò ở vạn Đông Yên trên sông Trà Bồng, huyện Bình Sơn lại “sầm uất” theo một kiểu khác. “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre”.
 
Nếu chỉ đọc hai câu thơ ấy của Tế Hanh thì cái bến đò ở vạn Đông Yên thật quá đỗi... bình yên. Nhưng không! Dòng sông xanh biếc ấy, thoắt cái đã ồn ã nói cười, nồng nàn mùi biển mặn sau một đêm những “con tuấn mã” của làng chài mạnh mẽ vượt trường giang và trở về: “Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ/ Khắp dân làng tấp nập đón ghe về”. Những ai từng sống và gắn bó với làng chài, đọc những câu thơ trên, sẽ hình dung ngay trong đầu mình cảnh tượng tươi vui, no đủ ấy.
 
Trong mấy mươi làng chài dọc biển ở Quảng Ngãi, có lẽ vạn Đông Yên là một cõi riêng, không trộn lẫn với bất cứ đâu. Không phải vì nó là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ tài danh Tế Hanh mà chính ở đặc thù của nó. Thường thì làng chài nằm ở sát biển. Ngư phủ chỉ cần neo thuyền nơi bến, vắt áo lên vai, bước dăm bước là đã đặt chân lên thềm nhà mình. Nhưng làng chài của Tế Hanh thì khác. “Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”. Nếu là người chưa từng đặt chân đến ngôi làng này, để giải thích cho rõ ngọn nguồn câu thơ trên, không phải dễ. Từ Đông Yên, thuyền xuôi theo con sông Trà Bồng xanh biếc hết... một buổi đường thì mới gặp biển. Hành nghề đánh cá biển, nhưng lại “cách biển nửa ngày sông”! Lạ chưa?
 
Và cái xóm chài “nồng vị mặn” ấy đã hiện lên trong thơ Tế Hanh một cách vừa phổ quát lại vừa riêng biệt mà ai đọc lên cũng nghĩ đó là quê mình. Chỉ có người ở vạn Đông Yên thì mới biết vì sao nhà thơ lại ví von: “Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng/ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”. Đó là một bí mật. Như thơ.
 
TRẦN ĐĂNG
 
 
 

.