Nơi gặp gỡ của những người yêu nhạc Trịnh

09:01, 05/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những người yêu nhạc Trịnh thường tìm về quán cà phê mang tên Hoa Vô Thường, tọa lạc ở thôn Phước Chánh, xã Đức Hòa (Mộ Đức) để được lắng đọng lòng mình trong một không gian ấm cúng, “phủ đầy” nhạc Trịnh. Bởi, ngay từ tên gọi của quán cũng xuất phát từ tứ “Đóa hoa vô thường” - tên một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
[links()]
Một cõi đi về...
 
Là một nơi khá tĩnh lặng, với vòm cổng bằng gạch nung uốn cong và phiến gỗ lũa màu đen trầm mặc, “Hoa Vô Thường” khiến người ta cảm giác rằng, khi bước chân qua đó, là như được hòa lòng mình về với một không gian tách biệt khỏi những xô bồ, ồn ã của dòng đời. Trong không gian ấy, từng khúc nhạc Trịnh quen thuộc cất lên bởi giọng ca của ca sĩ Khánh Ly, khiến lòng người dường như lắng lại. 
 
Quán
Quán "Hoa Vô Thường" là nơi gặp gỡ của nhiều tâm hồn yêu nhạc Trịnh tại Quảng Ngãi.
Ngay vị trí trung tâm của Hoa Vô Thường là một căn phòng được xây dựng riêng biệt dành để trưng bày bức tranh đắp nổi chân dung cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn cùng nhiều loại nhạc cụ dành cho những tâm hồn yêu nhạc, để họ có thể ru lòng mình về với những bản tình ca. Chất nhạc Trịnh thấm đẫm trong không gian nhờ tường gạch mộc, lọ hoa đất nung, những ca từ nhạc Trịnh được vẽ lên các phiến đá đặt trên từng bộ bàn ghế gỗ mộc. Bởi vậy, những người yêu nhạc Trịnh khi đến với Hoa Vô Thường thường đặc biệt yêu thích căn phòng này.
 
Trong không gian tràn ngập ánh đèn vàng yên tĩnh, ấm cúng, mọi người như được dừng chân “Mệt quá đôi chân này/ Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi”, như được “neo lòng” vừa nhâm nhi ly cà phê, tách trà nóng, vừa có những khoảng lặng dành cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng các nhạc sĩ tài hoa khác. Vào những ngày mưa, ngồi ở Hoa Vô Thường, nghe Khánh Ly hát: “Trời còn làm mưa/ Mưa rơi miên man. Từng ngón tay buồn/ Em mang em mang/ Đi về giáo đường. Ngày chủ nhật buồn/ Còn ai còn ai...” khiến lòng người như phiêu dạt vào tràng thanh âm miên man tưởng chừng như bất tận ấy...
 
 “Tôi thích không khí nhẹ nhàng, tĩnh lặng nơi đây. Nhạc Trịnh cũng lắng đọng như thế! Về với Hoa Vô Thường, tôi như được trút lòng với những tâm hồn đồng điệu và được gặp gỡ, hàn huyên với những người yêu âm nhạc nói chung và nhạc Trịnh nói riêng”, anh Huỳnh Thành bộc bạch.
Tôi là người yêu nhạc Trịnh, nên ngay từ khi manh nha ý tưởng mở quán cà phê, tôi đã đặt tên cho quán là Hoa Vô Thường. Hoa Vô Thường là lấy từ tứ bài hát “Đóa hoa vô thường” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng có hàm ý rộng mở hơn, vừa gợi sự gần gũi, thân thuộc với những người yêu nhạc Trịnh, vừa là cái tên mang ý nghĩa về nguyên lý vô thường trong triết lý Phật giáo. Trịnh Công Sơn cũng vậy. Ông là người nghệ sĩ đã để lại những tác phẩm đi vào lòng mỗi con người theo cách riêng, mãi với thời gian. Ông cũng là một “hoa vô thường” - nở giữa đất trời, anh Lưu Văn Đức bộc bạch.
Dù vắng bóng ai...
 
“Người yêu mến nhạc Trịnh Công Sơn thật kỳ lạ. Khi ông sống, họ yêu đã đành. Nhưng kể cả khi ông mất, ngày ngày vẫn có người tìm đến ngồi nhâm nhi... cùng ông”, chủ quán cà phê Hoa Vô Thường Lưu Văn Đức thốt lên với tôi như thế, khi nhắc đến hẻm cà phê nhạc Trịnh gần căn nhà cũ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại 47 Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh). 
Ngay vị trí trung tâm của quán Hoa Vô Thường là một căn phòng được xây dựng riêng biệt dành để trưng bày bức tranh đắp nổi chân dung cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn cùng nhiều loại nhạc cụ dành cho những tâm hồn yêu nhạc.
Ngay vị trí trung tâm của quán Hoa Vô Thường là một căn phòng được xây dựng riêng biệt dành để trưng bày bức tranh đắp nổi chân dung cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn cùng nhiều loại nhạc cụ dành cho những tâm hồn yêu nhạc.
Vậy là “dù vắng bóng ai”, nhưng với những người đã “trót” yêu nhạc Trịnh, thì âm nhạc, triết lý trong âm nhạc cũng như cuộc đời của cố nhạc sĩ, luôn nhận được sự quan tâm, thủy chung của người mến mộ. Bởi, thứ âm nhạc mà ông để lại là âm nhạc rất “đời”, rất “mộc” và cũng đầy triết lý nhân sinh của đời người. Mỗi người đều tự thấy mình trong nhạc Trịnh, rồi tự đến và ở lại với nhạc Trịnh như ở lại cùng tri âm.
 
“Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết rằng: "Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được. Nghe nhạc Trịnh, mỗi người đều thấy được sẻ chia, được ấm áp và chiêm nghiệm về nhiều triết lý cuộc sống. Chẳng hạn như bài hát Để gió cuốn đi, chỉ với 3 câu ngắn: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không/ Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi..., chúng ta đã có được một bài học lớn ở đời, sống với nhau ở tấm lòng, sống tử tế với nhau ở đời. Những câu hát bình dị, không cao siêu mỹ từ, nhưng neo lại rất lâu trong lòng người...”, anh Lưu Văn Đức trầm ngâm. 
 Là người yêu mến nhạc Trịnh, nên anh Lưu Văn Đức đã tâm huyết làm chân dung đắp nổi về cố nhạc sĩ tại Hoa Vô Thường.
Là người yêu mến nhạc Trịnh, nên anh Lưu Văn Đức đã tâm huyết làm chân dung đắp nổi về cố nhạc sĩ tại Hoa Vô Thường.
Và cũng bởi xuất phát từ tấm lòng yêu mến nhạc Trịnh, mà anh Lưu Văn Đức đã lên ý tưởng mở một quán cà phê mang “chất Trịnh” ngay tại Quảng Ngãi để làm “một cõi đi về” cho những người yêu mến Trịnh Công Sơn tại đây. Tên quán “Hoa Vô Thường” cũng là xuất phát từ tứ “Đóa hoa vô thường” - tên một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đến với “Hoa Vô Thường”, những tâm hồn đồng điệu đâu chỉ cùng nhau lắng đọng lòng về với những khúc nhạc Trịnh bất hủ, mà bao người  xa quê khi ngồi ở góc quán bình yên với những chiếc đèn lồng, đèn tre còn tự nhủ lòng: “Em còn nhớ hay em đã quên/ Quê nhà đó bao năm có em/ Có bóng dừa, có câu hò/ Có con đò, chở mưa nắng đi...” (Em còn nhớ hay em đã quên? - Trịnh Công Sơn).
 
Bài, ảnh: Ý Thu
 

.