Thiếu người "kết nối"

09:12, 29/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thuyết minh viên (TMV) là những người kết nối giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương đến với khách tham quan trong và ngoài nước. Tuy nhiên hiện nay, tại Quảng Ngãi đội ngũ TMV vừa thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động du lịch.
[links()]
Vừa thiếu, vừa yếu
 
Tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trước đây có 3 TMV, nay 2 cán bộ hợp đồng đã nghỉ, chỉ còn 1 TMV kiêm nhiệm nhiều hoạt động quản lý, bảo quản, tiếp đón khách. Anh Lê Trình, TMV ở Khu lưu niệm bày tỏ: “Tôi  công tác ở đây đã 12 năm, vốn không phải là TMV, vì thiếu người, nên tôi được phân công đảm nhận công việc này. Tôi nhận thấy mình có giọng nói chưa được truyền cảm cộng với ngoại hình cũng không nổi trội, nên phần nào hạn chế trong công tác thuyết minh”. 
Thuyết minh viên tại Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng tỉnh giới thiệu đến du khách về các di sản văn hóa tại khuôn viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.                     Ảnh: TRÍ PHONG
Thuyết minh viên tại Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng tỉnh giới thiệu đến du khách về các di sản văn hóa tại khuôn viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ảnh: TRÍ PHONG
Tình cảnh tại Nhà trưng bày Di tích Văn hóa Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) cũng tương tự, hiện cũng chỉ có 1 cán bộ quản lý kiêm làm nhiệm vụ TMV. “Là cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, 2 năm qua, tôi được điều chuyển vào quản lý nhà trưng bày. Làm TMV, tôi tự nghiên cứu, học hỏi là chính, chưa qua trường lớp đào tạo", anh Huỳnh Chí Cường, TMV ở nhà trưng bày chia sẻ.
 
Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Nguyễn Viết Nghĩa cho biết: Bảo tàng hiện quản lý 4 nhà trưng bày. Do cơ chế chính sách nên chúng tôi buộc phải cắt 4 hợp đồng chuyên môn TMV ở một số điểm. Hiện đơn vị chỉ còn 7 TMV đang hoạt động. Do thiếu cán bộ TMV nên nhiều thời điểm phải huy động một số cán bộ các phòng chuyên môn đảm nhận công tác thuyết minh để phục vụ các đoàn khách. Thực tế hiện nay, đội ngũ TMV tại đơn vị chưa đảm bảo về số lượng lẫn chất lượng. Trên 50% TMV đã trên 45 tuổi. Bên cạnh đó, thiếu TMV có trình độ ngoại ngữ để tiếp đón khách nước ngoài, một số chưa đảm bảo chất giọng, am hiểu chuyên sâu...
 
Không chỉ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, mà nhiều điểm di tích khác, một số TMV do tự học nên lúng túng trong giao tiếp, giải quyết tình huống. Như tại huyện Lý Sơn, việc thiếu nhân lực am hiểu ngoại ngữ, kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực địa chất nên khó khăn trong tiếp đón khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài. 
 
Cần có cơ chế tuyển dụng đặc thù
 
Quảng Ngãi là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đây là mảnh đất giao thoa của các nền văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh và văn hóa người Việt Cổ. Đặc biệt, Quảng Ngãi vốn là mảnh đất địa linh, nhân kiệt và cũng là mảnh đất kiên cường trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc nên còn lưu giữ nhiều di tích văn hóa - lịch sử có giá trị.
 
Hiện toàn tỉnh có hơn 30 di tích, danh thắng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Địa điểm cuộc khởi nghĩa Ba Tơ; 4 di sản văn hóa phi vật thể... Đây được xem là những nét lớn tạo thế mạnh trong phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, một trong những hạn chế hiện nay khiến nhiều di tích, điểm đến chưa được phát huy, đó là thiếu TMV.
 
Trước những hạn chế về đội ngũ nhân lực TMV tỉnh cần có cơ chế tuyển dụng đặc thù đối với một số lao động thuộc lĩnh vực chuyên môn nhất định. Ngành du lịch cần tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo số lượng TMV nói riêng và đội ngũ nhân lực làm du lịch đủ số lượng, chất lượng để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch hiện nay. Bên cạnh đó, phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với TMV, nhất là đối với những người làm công tác thuyết minh ở những điểm di tích, các khu du lịch ở vùng sâu, vùng xa. Có như vậy mới khuyến khích, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác, phát huy hết sức mình vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Khan hiếm thuyết minh viên giỏi ngoại ngữ
 
Đặc thù của ngành du lịch là cần phải giao tiếp với khách nước ngoài, nhưng tỷ lệ lao động không được đào tạo về ngoại ngữ của tỉnh chiếm tới 76%. Số lao động du lịch đã qua đào tạo ngoại ngữ tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Nga rất thấp, không có tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc. Chính những hạn chế này đã phần nào hạn chế trong công tác phát triển du lịch tại các địa phương trong tỉnh.
 
KIM NGÂN 
 
 
 

.