Nơi lưu giữ những hiện vật vô giá

06:12, 23/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện có hàng chục nghìn hiện vật, tài liệu, hình ảnh về văn hóa, lịch sử. Trong đó, có hàng trăm kỷ vật trong chiến tranh do cán bộ, chiến sĩ và người dân hiến tặng, góp phần làm phong phú thêm công tác trưng bày, nghiên cứu và giáo dục truyền thống hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ.
[links()]
Tiếp nhận nhiều kỷ vật quý giá
 
Trong số các kỷ vật thời chiến do người dân các địa phương hiến tặng trong gần 5 năm qua được lưu giữ ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, chúng tôi khá ấn tượng về chiếc khăn tay đã úa màu theo thời gian. Đây là kỷ vật thiêng liêng do Đại tá Võ Phu, nguyên là cán bộ Trung đoàn 108, Sư đoàn 305 lưu giữ và hiến tặng. Ông Phu cho biết: Đây là món quà người dân huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) tặng khi đơn vị ông giành thắng lợi trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971.  
 
Khách đến tham quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Khách đến tham quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Khăn tay may bằng chất liệu vải thô, góc mảnh khăn in dòng chữ hoa: “Cán bộ nhân dân huyện Phúc Thọ tặng chiến sĩ Đường 9 Anh hùng”. Bên dưới dòng chữ in hình một bông hoa hồng đỏ, cành lá màu xanh nhạt. Món quà thấm đượm tình cảm thắm thiết của người dân trao tặng đã phần nào khích lệ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ...
 
Ngoài chiếc khăn tay, bức thư viết tay của Đại tá Huỳnh Đoàn Á, Trung đoàn 108, Sư đoàn 305, Quân khu V gửi cho học trò, đồng chí của mình cũng đầy xúc động. Lá thư thể hiện tình cảm nhớ thương người thân, bạn bè, đồng chí ở quê nhà của người lính suốt 10 năm đằng đẵng rời quê tập kết ra Bắc. Ngoài bức thư trên, tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh còn lưu giữ một số lá thư trong những năm tháng chiến tranh. Mỗi dòng thư là những dòng cảm xúc chân thực, có niềm lạc quan chiến thắng, có nỗi nhớ niềm thương...
 
Bên cạnh đó, còn có những bức ảnh tái hiện thời điểm kháng chiến, những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Chiếc mũ vải, mũ cối, chiếc bi đông... được các chiến sĩ năm xưa nâng niu. Hay những chiếc tem phiếu mua hàng như tái hiện lại một giai đoạn lịch sử thời bao cấp do người dân hiến tặng đã góp phần làm phong phú thêm các hiện vật chiến tranh tại bảo tàng. Trong số này, có bức ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp kỷ niệm cùng các đồng chí, cán bộ làm việc trong Phủ Chủ tịch vào dịp tết Bính Thìn 1976. Hay bức ảnh bác Phạm Văn Đồng cùng các cháu thiếu nhi là con cháu cán bộ công tác tại Phủ Chủ tịch vào tháng 8.1981.
 
Đổi mới hoạt động
 
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn là nơi để nghiên cứu, học tập  và lưu giữ cảm xúc của du khách. Trong đó, các kỷ vật chiến tranh giúp thế hệ hôm nay hiểu thêm về một thời hào hùng nhưng đầy bi tráng của dân tộc; sự gian lao, mất mát, hy sinh nhưng cũng đầy lạc quan của cả dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ đó, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; tôn vinh và tri ân các thế hệ cha ông đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. 
Ba trong số các hiện vật trong chiến tranh được người dân hiến tặng tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Ba trong số các hiện vật trong chiến tranh được người dân hiến tặng tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Tuy nhiên, trước nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng cao như hiện nay, hoạt động của bảo tàng nói chung và công tác trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh nói riêng chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới để thu hút công chúng. Cơ sở vật chất bảo tàng đang xuống cấp, thiếu các thiết bị bảo quản các hiện vật, bảo vật.
 
Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Nguyễn Viết Nghĩa cho biết: Phương án xây dựng cơ sở vật chất quy mô có thể  kết hợp giữa đơn vị thư viện và bảo tàng hoặc cùng với Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật để tổ chức các sự kiện trưng bày, hoạt động theo một mô hình kết hợp vừa hiệu quả trong hoạt động cũng như tận dụng cơ sở vật chất tại một số địa phương cũng là một giải pháp cần cân nhắc hiện nay. Bảo tàng lâu nay trưng bày theo truyền thống, theo câu chuyện lịch sử là chính và chưa đổi mới công tác trưng bày.
 
“Sắp tới, chúng tôi tổ chức trưng bày theo chuyên đề chuyên sâu. Trong đó, tập trung trưng bày đa dạng các hiện vật di chỉ văn hóa Sa Huỳnh và Chămpa để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp với các công ty lữ hành, các sở, ngành, đoàn thể và đơn vị trường học nhằm kết nối, thu hút lượng khách đến bảo tàng, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương”, ông Nghĩa nói.
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 
 
 

.