Dương Thị Thanh Hương và "mùa bông lau" lỗi hẹn

05:11, 23/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dương Thị Thanh Hương, quê ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi), hiện công tác tại Trường THCS Nghĩa Hà và là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Ngãi. Chị vừa ra mắt tập truyện ngắn đầu tay “Mùa bông lau” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

 

Tập truyện gồm 18 truyện ngắn chọn lọc với 160 trang in đã phản ánh sắc nét những khía cạnh của đời sống tình cảm con người trong thời đại mới. Đọc tập truyện ngắn “Mùa bông lau” của Dương Thị Thanh Hương, tôi để ý từng bài, từng chi tiết, từng nhân vật và cảm thông với nỗi lòng của chị đã gửi vào đó. Truyện kể nhẹ nhàng, lời văn dung dị, bình thường, cách hành văn mộc mạc, chân chất, dễ đi vào lòng người đọc. Đa số truyện trong tập “Mùa bông lau” có nội dung buồn. Nhân vật ở mỗi truyện có cảnh ngộ khác nhau, nhưng tất cả đều cùng chung một điểm là hạnh phúc đều mỉm cười sau những vật lộn đớn đau của chính mình. 
 
Nhân vật Quẹo trong truyện “Người đàn ông bí ẩn” là một điển hình: “Ông trời quá ưu ái cho cô. Tuy cô không lành lặn về hình hài nhưng cô đã có một gia đình, một người chồng và một đứa con.” (Người đàn ông bí ẩn). Nhân vật Duyên trong truyện “Mùa bông lau” dù lỗi hẹn với những mùa bông lau, nhưng lúc nào cũng hừng hực lửa tình, vẫn luôn khát khao được yêu, được hạnh phúc như độ tuổi hai mươi. Nhân vật chị Dung trong truyện “Vết dằm” cứ dằn vặt khi biết con trai nuôi của mình là con riêng của chồng và người tình của chồng, nhưng rồi chị lại cảm ơn người tình của chồng đã cho chị một đứa con ngoan...
 
Tập truyện ngắn “Mùa bông lau” còn hấp dẫn người đọc bởi những câu chuyện cảm động về tình thầy trò. Suốt ba mươi năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, Dương Thị Thanh Hương đã thấu hiểu sâu sắc những khó khăn, cực nhọc của các em học trò cũng như của người thầy, cô giáo. Vì thế, khi viết về hình ảnh người thầy, dường như Dương Thị Thanh Hương đã sử dụng chất liệu từ nguyên mẫu trong đời thực. Hình ảnh người thầy hiện lên trong trang văn của chị rất đẹp. Người thầy rất tận tụy, rất mô phạm, đức độ... không chỉ ở trên lớp mà ngay khi học trò đã ra trường: “Điều tôi mong ước đến nay đã thành sự thật. Em đã có một cô vợ ngoan, một gia đình hạnh phúc. Tôi mừng vì em đã trưởng thành và ngày càng hoàn thiện hơn” (Dân)...
 
Một điều hấp dẫn nữa trong tập truyện ngắn “Mùa bông lau” là hình ảnh người cha luôn hết lòng vì con cái, hình ảnh người chị hết lòng vì em, hình ảnh quê nội và những kỷ niệm về quê hương một thời chị đã sống và gắn bó lần lượt hiện lên trong các truyện “Hai nửa yêu thương”, “Kỷ niệm tuổi thơ”, “Quê nội” đã giúp người đọc nghiệm ra một điều mà người xưa đã từng nói: “Lá rụng về cội” là đúng. “…đến bây giờ, khi chúng tôi đã trưởng thành, tuổi đã xế chiều, chúng tôi đã hiểu được giá trị của quê nội” (Quê nội).
 
Dương Thị Thanh Hương là người giàu lòng yêu thương và trắc ẩn. Nhân vật của chị dù mang thân phận thế nào đi nữa thì chị cũng tìm thấy nét đẹp, sự thánh thiện sâu xa trong tâm hồn họ, để níu giữ họ với những điều tốt đẹp của cuộc sống.
 
PHẠM VĂN HOANH
 

.